Bắc bộ đối mặt mùa đông khắc nghiệt: Nhập viện do giá rét, đốt than sưởi ấm

19/12/2020 06:42 GMT+7

Thông tin từ Bệnh viện (BV) Tim Hà Nội cho biết những ngày gần đây, BV này tiếp nhận 1.400 - 1.500 bệnh nhân (BN) đến khám/ngày, tăng khoảng 10% so với thời điểm bình thường.

TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc BV Tim Hà Nội, cho biết thêm các ngày rét đậm, số BN khám không tăng nhiều, nhưng số ca nhập viện do đột quỵ tăng hơn khoảng 20%.
Nguyên nhân là nhiệt độ giảm thấp, chuyển lạnh gây co thắt mạch máu, làm tăng huyết áp, cần đặc biệt lưu ý với người đã có bệnh tăng huyết áp. TS Hiền khuyến cáo: người dân, đặc biệt người bị cao huyết áp, nên đặc biệt chú trọng giữ ấm, tập thể dục trong nhà và duy trì chế độ ăn ít muối để kiểm soát huyết áp hiệu quả.
Tại BV Nhi T.Ư, TS Đỗ Thiện Hải, công tác tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em, cho biết các đợt lạnh tăng cường trong các tuần gần đây tại miền Bắc, trẻ mắc cúm A vào viện tăng rất cao, hầu hết là trẻ dưới 3 tuổi. Tại trung tâm, các tuần gần đây thường xuyên có 30 - 50 bệnh nhi nhiễm cúm điều trị do có những biến chứng nặng như viêm phổi. “Thông thường, cúm diễn biến nhẹ và hồi phục. Nhưng đối với trẻ nhỏ thể trạng yếu thì dễ diễn biến nặng”, TS Hải lưu ý và cho biết đã có các ca biến chứng viêm cơ tim do nhiễm vi rút cúm. Đây là biến chứng rất nguy hiểm với trẻ nhỏ.
BV đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cũng cho biết những ngày thời tiết chuyển lạnh, lượng người đến khám tăng lên 1.500 - 1.600 lượt người/ngày, trong khi những ngày thời tiết ấm thì số lượng BN đến khám trung bình 1.300 lượt người/ngày. Các bệnh thường gặp thời điểm này là viêm đường hô hấp, đợt cấp tính của bệnh phổi tắc nghẽn mãn, tăng huyết áp, viêm khớp.
Việc sưởi ấm bằng than để chống rét rất nguy hiểm và các địa phương đang tăng cường cảnh báo cách chống rét này của người dân. Bác sĩ Lê Phi Hùng, Phó khoa Hồi sức tích cực 1 (BV đa khoa tỉnh Thanh Hóa), cho biết BV đang điều trị tích cực cho BN N.T.H (35 tuổi, ngụ tại H.Thiệu Hóa, Thanh Hóa) bị ngộ độc khí do đốt củi sưởi ấm. Trước đó, ngày 16.12, chị H. từ miền Nam về quê (H.Thiệu Hóa), không quen với thời tiết rét mướt, nên khoảng 21 giờ cùng ngày đã đốt củi trong phòng ngủ một mình để sưởi ấm. Đến 7 giờ ngày 17.12, người thân phát hiện chị H. bị hôn mê sâu, nên đưa đến BV cấp cứu.
Bác sĩ Nguyễn Bá Trọng, Phó trưởng khoa Cấp cứu chống độc (BV đa khoa Hà Tĩnh), cho hay trung bình mỗi năm, BV tiếp nhận 2 ca, mỗi ca có 3 - 4 bệnh nhân trong 1 gia đình bị ngộ độc khí CO do sử dụng than củi sưởi ấm trong phòng kín. Vụ ngộ độc mới nhất là vào 17.11, có đến 4 người trong một gia đình ở xã Kỳ Nam (TX.Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bị ngộ độc do đốt than củi sưởi ấm cho sản phụ mới sinh. Rất may vụ việc được phát hiện sớm nên những người trong gia đình này đã được cứu sống.
Bác sĩ Lê Phi Hùng khuyến cáo: “Người dân không nên sử dụng than củi hay than đá đốt để sưởi ấm vì dễ bị ngạt khí CO và gây bỏng. Trường hợp buộc phải sưởi ấm thì đốt than, củi ở nơi thông thoáng khí, không đốt trong phòng kín. Khi phát hiện người bị ngạt khí do đốt than, củi sưởi ấm thì đưa ngay nạn nhân ra nơi thoáng khí và đưa đến cơ sở y tế nhanh nhất để điều trị”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.