Bà Quyết Tâm: 'Sao lại nói giảm 1 đại biểu thì bớt được bao nhiêu tiền?'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
10/06/2019 14:53 GMT+7

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm , nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM, cho rằng việc Chính phủ đánh giá tác động theo kiểu giảm 1 đại biểu thì giảm được bao nhiêu kinh phí là phiến diện và "có cái gì đó rất đau lòng".

Thảo luận về luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Chính phủ và luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 10.6, nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình với đề xuất giảm số đại biểu của hội đồng nhân dân các cấp từ 10 - 15%, cũng như giảm số phó trưởng ban chuyên trách hội đồng nhân dân từ 2 người như hiện nay xuống còn 1 người.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) tuy đồng tình trong chừng mực nào đó cần phải xem xét để giảm số lượng đại biểu một cách hợp lý, nhưng cho rằng hội đồng nhân dân là dân cử, cần có tiếng nói rộng rãi, có sự đại diện hợp lý cho nhân dân nên không thể chỉ nhìn vào số lượng để tính toán giảm 1 đại biểu thì giảm bao nhiêu kinh phí hoạt động.
Dẫn lại báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ, bà Quyết Tâm cho rằng, đánh giá tác động như vậy là phiến diện, là một cái nhìn cận cảnh không cần thiết, dù đồng tiền đóng thuế của dân là rất quan trọng.
“Nói giảm được bao nhiêu tiền khi giảm một đại biểu tôi cho là rất thiển cận và có cái gì đó rất đau lòng. Tại sao lại đưa ra một nhận xét như vậy?”, bà Tâm bức xúc và cho rằng, cần phải nhìn nhận một đại biểu có đại diện được cho dân hay không và đại diện được cho bao nhiêu người dân mới là quan trọng.
Tương tự, đối với đề xuất giảm số lượng phó chủ tịch hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện, bà Quyết Tâm cho rằng, phải căn cứ trên nguyên tắc hiệu quả, hiệu lực của bộ máy chứ không chỉ vấn đề tiền và cũng không thể giảm biên chế một cách máy móc.
Đại biểu Vương Văn Sáng (Lào Cai) cũng cho rằng, về số lượng đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, hiện nay thực hiện theo luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân do Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn, mỗi đơn vị bầu cử không quá 5 đại biểu. Do đó, nếu giảm số lượng phải sửa luật Bầu cử chứ không phải sửa luật này.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Sáng, số lượng đại biểu hội đồng nhân dân theo quy định hiện hành chỉ đủ để đại diện địa bàn, thành phần cơ cấu ở mức độ tối thiểu và nhiều hay ít đại biểu không ảnh hưởng nhiều đến kinh phí hoạt động và mô hình tổ chức bộ máy của hội đồng nhân dân.
“Đề nghị không đặt vấn đề giảm số đại biểu hội đồng nhân dân trong dự thảo”, đại biểu nêu.
Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương) thì lập luận, qua 3 năm thực hiện luật Tổ chức chính quyền địa phương, vừa qua chúng ta có thể thấy rõ được tính đúng đắn của quyết định này khi chất lượng hoạt động hội đồng nhân dân các cấp được tăng lên, hoạt động giám sát của hội đồng nhân dân bớt hình thức hơn, đi vào thực chất.
Bên cạnh đó, đại biểu Thưởng cho rằng, Nghị quyết 18 của T.Ư nêu rõ nghiên cứu thực hiện, giảm hợp lý số lượng đại biểu hội đồng nhân dân các cấp và giảm đại biểu hội đồng nhân dân công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước chứ không chỉ đích danh giảm đại biểu hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.
Từ đó, đại biểu này cho rằng, nếu giảm số lượng đại biểu hội đồng nhân dân thì phải giảm số lượng đại biểu đang công tác ở cơ quan quản lý nhà nước chứ không nên giảm đại biểu chuyên trách.
“Giám sát của hội đồng nhân dân cũng chính là giám sát của người dân đối với cơ quan, tổ chức trong bộ máy nhà nước. Do vậy, để tinh gọn cần đánh giá lại khách quan cả bộ máy nhà nước, cả hệ thống chính trị, những nơi nào cần giảm, đáng giảm thì phải cương quyết giảm, những thiết chế như Quốc hội, hội đồng nhân dân không những không giảm mà phải tăng thêm đại biểu chuyên trách, nâng cao chất lượng hoạt động”, đại biểu Thưởng nêu và đề nghị Quốc hội cân nhắc thận trọng trong việc cắt giảm đại biểu hội đồng nhân dân chuyên trách các cấp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.