Bà Nguyễn Thị Kim Ngân: 'Quốc hội đã tư duy sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ'

Vũ Hân
Vũ Hân
24/03/2021 11:30 GMT+7

Quốc hội khóa 14 ngày càng thể hiện sâu sắc là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, tư duy sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ, linh hoạt, thận trọng, quyết đoán..., hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước...

"Các quyết sách của Quốc hội luôn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của nhân dân"

Sáng 24.3, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 11, cũng là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 14, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trình bày báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội. Báo cáo thể hiện cái nhìn của chính Quốc hội về việc đã làm được và chưa làm được của Quốc hội nhiệm kỳ này.
Đánh giá về nhiệm kỳ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: “Quốc hội khóa 14 ngày càng thể hiện sâu sắc là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, tư duy sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ, linh hoạt, thận trọng, quyết đoán, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước".
Quốc hội cũng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng và đối ngoại; thể hiện rõ vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nhà nước, theo báo cáo đánh giá nhiệm kỳ.
"Các quyết sách của Quốc hội luôn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc, từ yêu cầu phát triển của đất nước", báo cáo của bà Ngân khẳng định.
Những kết quả hoạt động chủ yếu của Quốc hội trong nhiệm kỳ được đánh giá trên 5 điểm:
Thứ nhất là nâng cao chất lượng lập pháp; thứ hai là tăng cường giám sát; thứ ba là quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước; thứ tư là triển khai hoạt động đối ngoại của Quốc hội hiệu quả; thứ năm là có mô hình tổ chức phù hợp, đổi mới hoạt động, giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri…
Về lập pháp, nhiệm kỳ vừa qua đã thông qua 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, “tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; phát huy dân chủ; thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Quốc hội khoá 14 nhận định, nhiệm kỳ này đã thông qua những đạo luật quan trọng, những luật hoặc chính sách mới lần đầu tiên được ban hành; nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách mang tính đột phá, thể hiện tính kịp thời, sự quyết liệt, tạo hành lang pháp lý về đổi mới tổ chức bộ máy; nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, điều ước quốc tế quan trọng được phê chuẩn.
Quốc hội cũng nhìn nhận những hạn chế trong hoạt động lập pháp, là chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn phải điều chỉnh nhiều; một số dự án, dự thảo được đưa vào chương trình nhưng chính sách chưa rõ, chưa đánh giá tác động sâu sắc, có chính sách mới được bổ sung nhưng chưa được đánh giá tác động; một số báo cáo thẩm tra còn có nội dung chưa thể hiện rõ quan điểm, chưa cung cấp đầy đủ luận cứ phục vụ việc xem xét, lựa chọn phương án đối với vấn đề còn có ý kiến khác nhau…
Nguyên nhân có phần khách quan, “là do đất nước đang trong quá trình phát triển, tình hình thế giới, khu vực thay đổi nhanh, khó đoán định, dẫn đến việc chưa dự liệu đầy đủ, toàn diện”; phần chủ quan là “một số cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm trong chuẩn bị dự thảo; chưa tuân thủ nghiêm quy định về thời hạn, nhất là việc gửi tài liệu đến các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội; chưa có cơ chế phù hợp để thu hút hiệu quả ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách”...

Giám sát còn hạn chế do khối lượng công việc lớn

Về giám sát, Quốc hội đã đổi mới hoạt động chất vấn, nhất là cách thức “hỏi nhanh, đáp gọn”. Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn “được thực hiện nghiêm túc”, góp phần tiếp tục phát huy dân chủ trong hoạt động của cơ quan dân cử cũng như trong đời sống xã hội.
Hạn chế trong giám sát được báo cáo của Chủ tịch Quốc hội kể đến là: hiệu quả giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa cao; một số nội dung chất vấn và trả lời chất vấn chưa đi vào trọng tâm, mới tập trung vào báo cáo thực trạng, chưa xác định rõ trách nhiệm cá nhân và giải pháp khắc phục; một số yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội chưa được triển khai nghiêm túc, việc theo dõi, đôn đốc thực hiện chưa thực sự quyết liệt...
Nguyên nhân “do khối lượng công việc lớn, nhiều việc phát sinh", làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động giám sát; một số nội dung có phạm vi rộng, tính chuyên sâu cao, trong khi thời gian, nguồn lực thực hiện còn hạn chế..., theo báo cáo.
Về quyết định các vấn đề lớn, lần đầu tiên trong nhiệm kỳ đã có kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính 5 năm, bảo đảm an toàn nợ công, tính bền vững của ngân sách.
Khi tình hình có biến động, như thiên tai, dịch bệnh trong 2020, Quốc hội đã điều chỉnh chính sách phù hợp với tình hình.
Nhiều dự án quan trọng được thông qua, giám sát trong nhiệm kỳ này, như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam. Bên cạnh đó, Quốc hội 14 cũng đã dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Công tác nhân sự đã được xem xét chặt chẽ, đúng quy trình, được đồng thuận cao

Công tác nhân sự “được xem xét, tiến hành chặt chẽ, thận trọng, đúng quy trình, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhận được sự đồng thuận cao”.
Trong nhiệm kỳ, cơ quan có thẩm quyền của Quốc hội cũng đã quyết định thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại các tỉnh, thành.
Tuy vậy, “cũng phải thẳng thắn nhìn nhận việc quyết định các vấn đề quan trọng còn những hạn chế như: có vấn đề mang tầm vĩ mô vẫn chưa được thảo luận một cách thấu đáo; khó đánh giá, xác định trách nhiệm trong trường hợp không hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra...”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu.
Nguyên nhân “là do một số nội dung chưa bảo đảm tiến độ về thời gian, gây khó khăn cho các cơ quan thẩm tra và đại biểu Quốc hội; chưa có quy định cụ thể về tiêu chí, nội dung thuộc nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chưa phân định các trường hợp được thực hiện điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu trong một số tình huống khi tình hình kinh tế - xã hội có biến động lớn...”.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã "hoàn thành xuất sắc" vai trò cơ quan thường trực

Về mô hình và cách thức hoạt động, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, các đại biểu Quốc hội đã thể hiện bản lĩnh, chính kiến, thẳng thắn, công tâm, cân nhắc thận trọng, phát huy cao trách nhiệm trước Tổ quốc, nhân dân.
Hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày càng được nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, chuyên sâu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội được đánh giá “hoàn thành xuất sắc” vai trò cơ quan thường trực, giúp Quốc hội triển khai có hiệu quả công tác lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước, đối ngoại.
Các kỳ họp đã diễn ra dân chủ, công khai, có nhiều cải tiến, chất lượng, hiệu quả được nâng lên, để lại nhiều dấu ấn quan trọng.
Nhận thức sâu sắc mối liên hệ mật thiết với cử tri, nhân dân vừa là yêu cầu, nhiệm vụ, vừa là mục tiêu, mục đích cao nhất cần hướng tới, Quốc hội đã luôn coi trọng, đẩy mạnh, đổi mới các hoạt động, hình thức, cách thức, biện pháp để mối liên hệ giữa cử tri và đại biểu ngày càng được khăng khít hơn.
Trong 6 bài học rút ra, bài học thứ 3 được Chủ tịch Quốc hội đề cập đến là “quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, gần dân, hiểu dân, trọng dân”. “Lắng nghe nhân dân, phục vụ nhân dân là yêu cầu hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội nhằm hoàn thành trọng trách mà nhân dân ủy thác”. “Sự ủng hộ, tin tưởng của cử tri và nhân dân vừa là động lực, vừa là nguồn động viên to lớn để Quốc hội, đại biểu Quốc hội nỗ lực hơn nữa, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, báo cáo khẳng định.
“Thành quả và niềm vinh dự lớn nhất đối với đại biểu Quốc hội chúng ta chính là sự ghi nhận, tin tưởng, chia sẻ, ủng hộ, đồng hành xuyên suốt của cử tri, nhân dân trong mọi hoạt động của Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội nói và gửi lời cảm ơn “chân thành và sâu sắc nhất đến toàn thể đồng bào và cử tri cả nước” đã luôn tin tưởng trao trọng trách.
Quốc hội khoá 14 được cử tri cả nước bầu ra vào ngày 22.5.2016.
Trong cơ cấu 500 đại biểu, có 496 đại biểu trúng cử nhưng sau đó có 2 người không được công nhận tư cách đại biểu là ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường. 
Nhiệm kỳ vừa qua cũng có 7 đại biểu đã bị khai trừ, cho thôi nhiệm vụ, như ông Đinh La Thăng, bà Phan Thị Mỹ Thanh, ông Lê Đình Nhường, ông Hồ Văn Năm, ông Nguyễn Quốc Khánh, ông Võ Kim Cự, ông Phạm Phú Quốc.
Có 5 đại biểu qua đời là nguyên Chủ tịch nước Trần Đại Quang, đại biểu Thích Chơn Thiện, đại biểu Ngô Văn Minh, đại biểu Lê Minh Thông, đại biểu Nguyễn Văn Man. Một đại biểu nhận nhiệm vụ khác là ông Ngô Đức Mạnh đi làm Đại sứ tại Nga.
Như vậy, đến cuối nhiệm kỳ, Quốc hội hiện còn 481 đại biểu.
Nhiệm kỳ này của Quốc hội diễn ra trong bối cảnh vô cùng đặc biệt của tình hình thế giới với những biến động chưa từng có, khiến tình hình trong nước cũng gặp những thách thức không nhỏ.
Đây cũng là khóa Quốc hội đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có nữ chủ tịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.