Ba đột phá từ cuộc đối thoại trực tuyến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

20/02/2007 09:54 GMT+7

Cuộc đối thoại trực tuyến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với nhân dân hôm 9.2.2007, do Website Chính phủ tổ chức, phối hợp với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo VietNamNet, Đài THVN thực hiện, đã khép lại được một tuần, nhưng dư âm của nó vẫn còn nóng hổi như một chủ đề không thể thiếu trong các buổi gặp gỡ, sum họp của nhân dân ta nhân dịp đón Tết cổ truyền, Xuân Đinh Hợi 2007.

Mặc dù Ban Tổ chức buổi đối thoại trực tuyến luôn quán triệt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong quá trình thực hiện: coi đây là một công việc bình thường trong phương thức lãnh đạo, tiếp nối truyền thống tốt đẹp luôn gần gũi nhân dân của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta, thì con số 112.000 trang tin điện tử, báo chí, trong đó có 89.000 trang trong nước đã đưa tin, bình luận với tuyệt đại đa số nhận xét, đánh giá rất tốt, có thể vẫn sẽ chưa dừng lại. Điều gì làm cho cuộc đối thoại này sau khi khép lại, lại trở nên một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa cả về xã hội, chính trị, đối ngoại?

Bằng nhiều cách tiếp cận, phân tích khác nhau, nhưng báo chí trong nước và quốc tế đều tập trung ghi nhận thành công nhiều mặt của buổi đối thoại trực tuyến như là sự khẳng định uy tín của Đảng, Nhà nước, Chính phủ ta, vị thế của đất nước ta hiện nay trước thế giới và lòng yêu nước, khát vọng của các tầng lớp nhân dân hướng tới mục tiêu dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; Hội nhập thành công, phát triển bền vững.

Buổi đối thoại trực tuyến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tạo ra 3 đột phá rất có ý nghĩa.

Thứ nhất là đột phá về công nghệ đối thoại trực tuyến. Quyết định đối thoại trực tuyến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với nhân dân, đã thúc đẩy Website Chính phủ quyết liệt xây dựng và hoàn thiện công nghệ giao lưu trực tuyến. Hình thức giao lưu, đối thoại qua Internet (trực tuyến) không còn xa lạ gì đối với hoạt động truyền thông ở nước ta nói chung và với Báo điện tử ĐCSVN, Báo VietNamNet nói riêng. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một cuộc đối thoại trực tuyến mà khách mời là người đứng đầu Chính phủ, với 4 cơ quan báo chí tham gia thực hiện, dưới sự “giám sát” của 06 camera vô tuyến truyền hình. Trên thực tế, đã có hàng chục cơ quan báo chí tham gia, từ lúc mở cổng thông tin để nhận câu hỏi đến lúc đồng thời phát toàn bộ diễn biến cuộc đối thoại trực tuyến lên mạng Internet toàn cầu. Số lượng câu hỏi trước buổi trực tuyến là hơn 20.000 câu, cùng với hàng ngàn câu được gửi đến trong lúc cuộc đối thoại trực tuyến đang diễn ra. Số lượng người truy cập vào cổng Website Chính phủ tại thời điểm trực tuyến lên đến 1.253.069 lượt truy cập (Hits). Do vậy nếu không chuẩn bị kịch bản, giải pháp phần mềm buổi đối thoại trực tuyến khoa hoc, chu đáo để quá trình đối thoại trực tuyến diễn ra đúng theo thông lệ quốc tế, đi cùng với nó là trình độ tổ chức; sự hiệp đồng ăn ý của các biên tập viên, kỹ thuật viên của 4 cơ quan báo chí tham gia; sự phối hợp của các cơ quan trong việc bảo đảm kỹ thuật, tin học, an toàn an ninh... thì không thể có thành công của buổi đối thoại trực tuyến này. Không phải ngẫu nhiên mà các tổ chức công nghệ thông tin có uy tín trên thế giới, sau buổi đối thoại trực tuyến, đã đánh giá Việt Nam sánh ngang tầm số ít các nước có năng lực tổ chức thành công các cuộc đối thoại trực tuyến của nguyên thủ quốc gia như Nga, Nhật, Anh, Singapore...

Thứ hai là đột phá về cải cách hành chính và nâng cao dân chủ XHCN nhờ ứng dụng công nghệ thông tin trong thời đại bùng nổ Internet. Có thể nói sự tham gia hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân đối với buổi đối thoại trực tuyến này (hơn 30.000 câu hỏi) là vượt quá dự đoán ban đầu của Ban tổ chức. Điều tuyệt vời, trong hầu hết những bức thư gửi đến sau ngày trực tuyến, đều thể hiện tấm lòng của nhân dân chia sẻ: Với thời gian có hạn, Thủ tướng chỉ có thể trả lời số lượng có hạn các câu hỏi, nhưng dường như ai cũng có cảm giác hài lòng về buổi đối thoại. Thủ tướng đã chứng minh sinh động hình ảnh một vị lãnh đạo hiểu biết sâu sắc những vấn đề mà nhân dân đang đặt ra và và cùng nhân dân đồng cảm, tìm cách giải quyết những vấn đề đó. Hãng tin BBC bình luận: Các nhà lãnh đạo như thế hiện nay trên thế giới không nhiều, trong đó có Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. Trong dịp Ban tổ chức báo cáo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công tác đảm bảo kỹ thuật cho buổi đối thoại, Thủ tướng có trao đổi, đại ý: Tiếp xúc, giao lưu với nhân dân là việc mà Lãnh đạo đảng, Nhà nước ta từ trước đến nay đã có nhiều hình thức thực hiện để gần gũi nhân dân. Đối thoại trực tuyến cũng nên xem là việc bình thường thôi. Nó mới vì lần đầu tiên chúng ta đối thoại, giao lưu với nhân dân qua mạng, nhưng “Đối thoại trực tuyến với nhân dân là trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, Đảng viên; cũng là một hình thức trao đổi để nhân dân hiểu rõ hơn chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước”. Thủ tướng nhấn mạnh, vì vậy bước đầu dù có khó khăn đến mấy cũng nên làm. Sau dịp này, các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ cần thường xuyên đối thoại trực tuyến trên Website Chính phủ. Dần dần điều đó phải trở thành một sinh hoạt bình thường trong nền hành chính của đất nước  thời kỳ hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới...

Chính mong muốn và suy nghĩ như vậy mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; trả lời, trao đổi, làm cho nhân dân có cơ hội hiểu hơn và tin hơn vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta qua  buổi đối thoại trực tuyến vừa qua. Còn nhớ, khi Thủ tướng giải thích về tăng giá điện trong trả lời chất vấn trước Quốc hội, mọi bức xúc về tăng giá điện bấy lâu nay được giải toả trong sự đồng cảm mạnh mẽ của nhân dân với Nhà nước, Chính phủ. Lần này, trước hàng loạt  những vấn đề “nóng” nhất đang được xã hội quan tâm, thậm chí cả các câu hỏi “xóc”, Thủ tướng không hề né tránh. Trái lại, Thủ tướng đề cập một cách thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm rất cao, với cách trình bày thấu tình đạt lý, thiết thực, dễ hiểu, tạo ra niềm tin thực sự đối với các tầng lớp nhân dân, lại có thể rọi sáng vào những góc khuất trong tâm hồn, tình cảm một số người  lâu nay chưa có được đầy đủ thông tin, cảm hoá và giúp họ nhận chân ra con đường chính sáng. Ông Phạm Hậu, cựu công chức Tiểu bang Wasington; trước năm 1975 dưới chính quyền Sài Gòn, ông từng là cựu trung tá, Hệ thống trưởng Hệ thống truyền thanh Việt Nam rồi Tổng giám đốc Việt tấn xã... đã theo dõi kỹ buổi đối thoại trực tuyến, viết thư về nước thể hiện sự xúc động trước sự kiện này. Ông nói ông tin tưởng mãnh liệt vào Thủ tướng cũng như những chính sách cởi mở của Đảng và Nhà nước ta gần đây. Trong khi đó, Chủ tịch Tập đoàn Gartner Engineering ở Hoa Kỳ, ông Norman Gartner, sau khi bày tỏ sự khâm phục về Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng qua buổi đối thoại trực tuyến, thốt lên: “Tôi ước gì Chính phủ Hoa Kỳ cũng làm được điều đó cho chúng tôi” (ý nói đối thoại và chăm lo đến nhân dân - tác giả). Dân chủ XHCN, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin và Internet, đòi hỏi tính minh bạch hoá, công khai hoá của nền hành chính; sự tham gia của nhân dân trong việc xây dựng các chính sách và quyết sách phát triển đất nước; mối liên hệ mật thiết giữa Chính phủ với nhân dân... phải được phát huy tối đa trên cơ sở  ứng dụng công nghệ thông tin. Hay nói cách khác, công nghệ thông tin vừa là công cụ, vừa là yếu tố thúc đẩy cải cách hành chính và dân chủ XHCN phát triển. Ở đây, đối thoại trực tuyến cũng là một phương thức rất quan trọng để tiếp nhận dư luận xã hội, giải toả bức xúc, tạo ra sự đồng thuận, thống nhất, góp phần đắc lực làm nên sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc một cách hiệu quả, ít tốn kém nhất, mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đi trước, mở đường.

Chính những điều như trên đã dẫn đến hiệu quả thứ ba về buổi đối thoại trực tuyến là đột phá, thúc đẩy về ứng xử văn hoá giao tiếp trước công chúng, cụ thể ở đây là văn hoá giao tiếp qua mạng. Nhờ lợi thế của Internet, cuộc đối thoại trực tuyến không bị hạn chế về không gian, số lượng người tham gia giao lưu, nhưng cũng vì thế mà nó luôn có một thách đố, thậm chí với nhiều người còn là trở lực khó vượt qua, là làm sao người giao lưu phải trả lời đầy đủ, rõ ràng, chủ động, không lảng tránh các câu hỏi khó, bất ngờ, nhằm đưa được những thông điệp cần hợp lý nhất đến  bạn đọc. Sự thành công của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng qua buổi đối thoại trực tuyến, cũng như trước đó qua trả lời chất vấn trước Quốc hội; qua đối thoại với các nhà doanh nghiệp tầm cỡ quốc tế, các phóng viên của những tờ báo hàng đầu thế giới... như nhắc nhở chúng ta điều Đảng vẫn luôn yêu cầu: Phải tôn trọng đồng bào, đồng chí, người nghe; phải có đủ trình độ, trí tuệ và khả năng nói trực tiếp chứ không phải đọc văn bản chuẩn bị sẵn; nói thiết thực; nói có trách nhiệm cao; nói trúng vấn đề người nghe đang quan tâm... Trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay, những tiêu chí đó phải là một yêu cầu bắt buộc đối với mỗi cán bộ, Đảng viên, công chức khi có dịp giao tiếp với nhân dân, công chúng. Làm được như vậy cũng chính là làm theo những gì mà sinh thời Bác Hồ thường căn dặn; là thiết thực học tập  tấm gương, đạo đức cao quý của Bác Hồ vĩ đại.

Thay cho kết thúc bài viết này, chúng tôi xin gửi đến bạn đọc bức thư của bạn Nguyễn Đình Dũng ( dungnd1962@yahoo.com)  là một trong hàng trăm bức thư của bạn đọc được gửi đến Thủ tướng qua hòm thư Website Chính phủ vừa qua:

Thưa Thủ tướng kính mến.

Vừa qua được theo dõi buổi đối thoại trực tuyến giữa Thủ tướng với ngưòi dân trong và ngoài nước, tôi thật sự cảm phục về khả năng hùng biện của Thủ tướng, được minh chứng qua các câu trả lời đầy trách nhiệm và thẳng thắn. Mấy hôm gần đây, báo chí trong và ngoài nước đã đưa tin rất nhiều về kết quả của buổi đối thoại. Bản lĩnh và tài năng của Thủ tướng đã được cộng đồng quốc tế khâm phục.

Với niềm tự hào là một công dân của nước Việt Nam, tôi xin kính tặng Thủ tướng câu đối Tết trong dịp này: Vận hội mới tràn đầy niên Bính Tuất; Đinh Hợi mùa hưng quốc sẽ bội thu...

(Theo Website Chính phủ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.