Ẩu đả giữa bảo vệ và tài xế cấp cứu: Xe nào được ra vào bệnh viện?

27/04/2019 06:00 GMT+7

Dư luận đặt vấn đề có hay không việc độc quyền cho xe ra vào các bệnh viện, sau vụ tài xế xe đón bệnh nhân ẩu đả với bảo vệ bệnh viện...

Vụ việc tài xế xe cấp cứu dịch vụ vào đậu ở cổng cấp cứu Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM, khóa cửa để xe đó đi đón bệnh nhân dẫn đến ẩu đả với bảo vệ bệnh viện khiến 6 người bị thương, dư luận đặt vấn đề có hay không việc độc quyền cho xe ra vào các bệnh viện?
[VIDEO] Ẩu đả giữa bảo vệ và tài xế xe cấp cứu, 6 người nhập viện

Các hãng taxi được “ưu ái”?

Sáng 26.4, theo ghi nhận của PV Thanh Niên tại cổng số 2 (cổng đi vào khoa cấp cứu) và cổng 3 (vào khoa khám bệnh) của Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định trên đường Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh) tấp nập xe ra vào. Ngoài xe người dân thì xe taxi của hãng taxi V. có vẻ được “ưu ái” hơn cả, nhiều chiếc nối đuôi nhau đậu lì phía trước khoa khám bệnh hàng chục phút, đợi bắt khách mới đi. Tại đây, còn có cả nhân viên điều hành của hãng túc trực điều phối. Tại cổng số 1 của BV này (cổng chính vào sảnh) là khu vực hoạt động của hãng taxi M. và có cả người của hãng điều phối xe đón bệnh nhân (BN) xuất viện.
Tại BV Nhi đồng 1, hầu như xe đưa BN đến khám bệnh đều đỗ ngoài cổng phía đường Lý Thái Tổ (Q.10). Nhiều phụ huynh tay xách đồ, tay ôm con xuống xe cuốc bộ vào BV. Bên trong khuôn viên, xe của hãng M. vô tư ra vào đón bệnh. Tại BV Nhi đồng 2, mọi xe vào khám, thăm bệnh đều được vào trong khuôn viên khu vực khám bệnh, nhưng quy định không được dừng đỗ quá 3 phút, trong đó xe các hãng taxi là chiếm nhiều nhất, xếp hàng dài. Trong khu vực nội trú, chỉ có taxi màu vàng được quyền vào trong và sẵn sàng đón BN, có cả người điều hành; còn các loại taxi màu trắng, màu xanh thì chỉ được vào khi có người gọi.
Tại BV Chợ Rẫy, mật độ xe cộ ra vào còn “khủng” hơn nhiều. Trời nắng hầm hập, xe ra vào BV nhiều lúc rồng rắn xếp hàng nhích từng chút một. Tình trạng xe đậu “bậy” trong BV xảy ra nhiều nhất là những chiếc taxi và các xe mang biển số tỉnh. “Nhiều tài xế đậu xe chình ình gây cản trở các phương tiện khác”, một bảo vệ BV này chia sẻ.

Các bệnh viện nói gì?

Ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng phòng Hành chính - quản trị, BV Nhân dân 115, cho biết việc ô tô ra vào BV rất bình thường, tuy nhiên do khuôn viên BV hẹp nên muốn đậu xe thì phải có chỗ trống, không thu tiền, khi hết chỗ thì phải tuân thủ sự hướng dẫn của bảo vệ.
Theo ông Phú, khi BV hết chỗ thì những người đi khám bệnh, thăm bệnh được dừng đỗ xe không quá 2 phút; sau đó đi gửi xe bên ngoài. Còn với xe cấp cứu chuyển bệnh đến, thời gian dừng đỗ nhanh chậm phụ thuộc vào từng ca bệnh, không thể chở BN vào rồi đi ngay, nhưng đợi lâu thì tài xế phải đánh xe ra đúng vị trí bãi đỗ, vì dừng lâu có thể gây kẹt xe, bởi mỗi ngày BV tiếp nhận từ 300 - 400 ca cấp cứu, chưa kể nhiều xe đưa đón bệnh ra vào.
Đại diện BV Nhân dân Gia Định cho biết, tại BV này các xe đều có thể đưa BN vào thăm khám, đón bệnh. Nếu BN vào khám bệnh, người thăm bệnh đậu lại xe trong BV thì trả phí là 10.000 đồng/xe. BV không cho đậu xe qua đêm.
Bác sĩ Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới, cho biết BV có ký hợp đồng dịch vụ taxi trong BV để đưa đón BN cho thuận tiện. Tuy nhiên, taxi khác hay xe khác đến BV đón BN đều được vào và có khu vực chờ.
Đại diện lãnh đạo BV Nhi đồng 1 cho biết, có một số xe tư nhân bên ngoài vào trong BV chèo kéo, mời mọc BN đi xe nhưng lãnh đạo BV đã cho chấn chỉnh vì trong BV chật hẹp lại không an toàn cho bệnh nhi nếu vào đậu xe, trừ BN yếu không đi được thì mới cho xe vào. Hiện BV có hợp đồng với một hãng xe taxi và duy trì 4 - 5 xe trong BV để tiện lợi cho BN, nhưng không bắt buộc BN phải đi xe taxi.
 
Ngày 26.4, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết Thanh tra Sở Y tế đã yêu cầu BV Nhân dân 115 báo cáo tình hình ẩu đả giữa 5 bảo vệ BV và nhà xe dịch vụ bên ngoài, xảy ra ngày 24.4. Sở cũng có công văn yêu cầu các BV đảm bảo an ninh trật tự trong BV, đảm bảo an toàn cho BN.
Trước đó, Sở cũng có công văn gửi các BV trên địa bàn TP cảnh báo tình trạng xe tư nhân giả danh xe cứu thương hoạt động.
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), hoạt động của các dịch vụ thuê khoán trong BV như dịch vụ bảo vệ, gửi xe, vận chuyển BN... giúp cung ứng các dịch vụ cho người bệnh, người nhà BN. Tuy nhiên, BV không thể “khoán trắng” cho các đơn vị cung ứng dịch vụ mà phải có các biện pháp quản lý chặt chẽ, phù hợp. BV cần khắc phục: về giá cả, chi phí, chất lượng phục vụ, trong đó việc vận chuyển BN cần đặc biệt chú trọng vì liên quan trực tiếp sức khỏe người bệnh, và dễ xảy ra các sự cố. Mọi hoạt động trong BV, giám đốc phải chịu trách nhiệm trong việc phân công tổ chức để đảm bảo thuận lợi cho BN và người nhà...
Duy Tính - Liên Châu
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.