ASEAN phát huy sức mạnh nội khối để vươn lên

Vũ Hân
Vũ Hân
13/09/2018 09:07 GMT+7

Đề xuất 'ASEAN một giá cước', 'vườn ươm khu vực', chia sẻ dữ liệu... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi ASEAN kết nối hơn, một ASEAN 'phẳng' để phát huy được sức mạnh, tận dụng cơ hội trong cách mạng công nghiệp 4.0.

Sáng 12.9, phát biểu tại phiên toàn thể về ưu tiên của ASEAN trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: ASEAN không chỉ là công xưởng sản xuất của thế giới, mà cũng được biết đến như khởi nguồn của nhiều sáng tạo trên thế giới. Cơ hội mà CMCN 4.0 mang lại cho ASEAN là vô cùng lớn.
VN đề xuất xây dựng một ASEAN "phẳng"
Với dân số hơn 640 triệu người, chiếm 8,5% dân số thế giới; với quy mô kinh tế hơn 2.760 tỉ USD, là nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á và thứ 5 thế giới, cùng với việc hướng ra bên ngoài, ASEAN cần phát huy sức mạnh nội khối, vì đây là một thị trường đủ lớn cho các tầm nhìn, chiến lược phát triển cho tương lai
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Theo Thủ tướng, CMCN 4.0 đã tạo ra sự đột phá về năng suất trên 5 ngành công nghiệp lớn như điện tử, hóa chất, thực phẩm, dược phẩm...; thúc đẩy phát triển bao trùm hơn, tạo ra kết nối, chia sẻ giá trị và sự sáng tạo mới; phát huy được các doanh nghiệp nhỏ và vừa - vốn là xương sống của các nền kinh tế ASEAN, kết nối được các doanh nghiệp này với toàn thế giới; giúp các nước đi tắt trong công nghiệp hóa, vượt qua giai đoạn phát triển công nghiệp truyền thống bằng cách mạnh dạn phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), cảm biến, vệ tinh... để nâng cao năng suất, sử dụng hiệu quả các nguồn lực và tài nguyên.
Bên cạnh đó, thách thức CMCN 4.0 mang lại cũng rất lớn. Đó là nguy cơ mất việc làm khi áp dụng tự động hóa. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), 56% số việc làm của các nước ASEAN có khả năng chuyển sang AI và robot, chấm dứt kỷ nguyên công xưởng thế giới của châu Á. Cuộc cách mạng cũng sẽ tạo ra thêm thách thức về gia tăng chênh lệch thu nhập; những quốc gia nhiều tài năng, trí thức sẽ có thu nhập cao hơn, gia tăng nguy cơ về bất ổn xã hội.
Để tận dụng được cuộc cách mạng này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ASEAN cần đặt ra các ưu tiên chính sách của mình trên lăng kính cả khối. Tại WEF ASEAN năm nay, VN đã đưa ra các sáng kiến mới về hòa mạng di động một giá cước toàn ASEAN, hợp tác trí tuệ, bảo đảm an ninh mạng, hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao. Thủ tướng cho rằng các nước đã có những “vườn ươm” nhân lực, công nghệ của riêng mình, nhưng cần thiết xây dựng mạng lưới vườn ươm khu vực; xây dựng chiến lược “ươm mầm ASEAN”; cùng nhau tìm kiếm tài năng, vì thiếu kỹ sư lành nghề là một thách thức lớn của khu vực. Thủ tướng đề nghị cần một sự chuyển biến mạnh mẽ về giáo dục, xây dựng hệ thống học tập suốt đời ở các nước ASEAN. “Với dân số hơn 640 triệu người, chiếm 8,5% dân số thế giới; với quy mô kinh tế hơn 2.760 tỉ USD, là nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á và thứ 5 thế giới, cùng với việc hướng ra bên ngoài, ASEAN cần phát huy sức mạnh nội khối, vì đây là một thị trường đủ lớn cho các tầm nhìn, chiến lược phát triển cho tương lai”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khuyến nghị.
Thu_tuong_Nguyen_Xuan_Phuc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi xây dựng một ASEAN kết nối chặt chẽ để tận dụng thời cơ của cách mạng 4.0 Ảnh: Gia Hân
Trong phát biểu của mình, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi các nước ASEAN sẵn sàng cho cuộc chiến chống “Thanos” - kẻ xấu muốn tiêu diệt 50% dân số toàn cầu để số còn lại có thể hưởng dụng mọi tài nguyên trên thế giới, bởi Thanos tin rằng tài nguyên là hữu hạn. Ông Widodo cho rằng quan điểm trên là sai lầm, bởi sự thịnh vượng của thế giới sẽ không được quyết định bởi tài nguyên vật chất, vốn hữu hạn, mà được quyết định bởi tài nguyên con người - là thứ vô hạn. Ông Widodo nhấn mạnh “phải ngăn cuộc chiến thương mại trở thành một cuộc chiến vô cực”.
“Thanos không phải là cá nhân nào. Thanos là bên trong tất cả chúng ta, là niềm tin vô căn cứ rằng để thành công chúng ta cần phải đầu hàng, là nhận thức sai lầm rằng lợi ích của người này sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của người kia. Cuộc chiến vô cực không phải cuộc chiến thương mại mà là cuộc chiến trong mỗi chúng ta. Cần học lại những bài học của lịch sử, với sự sáng tạo, năng lượng, sự hợp tác... nhân loại sẽ có sự đầy đủ và chúng ta sẽ hình thành không phải cuộc chiến vô cực mà tài nguyên vô cực”, ông Widodo nhấn mạnh.
Nhấn mạnh “năm nay là hội nghị thượng đỉnh ASEAN mạnh mẽ nhất mà chúng tôi từng tổ chức”, GS Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới, cho rằng điều này cho thấy ASEAN đã chứng tỏ được mình là một trong những lực lượng kinh tế và tiềm năng chính trị mạnh mẽ nhất trong một thế giới bị phân mảnh ngày nay. “Cách thức ASEAN phấn đấu cho sự đồng thuận giữa các đối thủ có thể coi là một hình mẫu cho thế giới, đặc biệt trong thời điểm hiện nay”, GS Klaus Schwab nói.
Xây dựng lòng tin để vượt qua khủng hoảng
Phiên thảo luận về căng thẳng địa kinh tế, chiến tranh thương mại chiều 12.9 thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu, cho thấy chính các chuyên gia cũng đang bối rối về căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hiện nay. Liệu nó sẽ sớm kết thúc hay trở thành một cuộc chiến trường kỳ?
Ông Ignatius Darell Leiking, Bộ trưởng Công nghiệp - Thương mại quốc tế Malaysia, cho rằng: “Cuộc chiến thương mại này đem lại cơ hội cho chúng ta nhìn lại chính mình. Đã đến lúc ASEAN phải gắn kết lại chặt chẽ hơn, tạo ra một mạng lưới thống nhất của chúng ta. Điều này đã được nói đến cách đây 7 năm rồi. Lãnh đạo ASEAN có lẽ sẽ phải đặt câu hỏi liệu ASEAN đã đủ điều kiện để hoạt động như một khối thống nhất hay chưa?”. Người điều hành buổi thảo luận, Sri Jegarajah, phóng viên kênh CNBC châu Á - Thái Bình Dương, đặt câu hỏi: Liệu lịch sử dạy cho chúng ta bài học nào không, khi trong những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, Mỹ và Nhật Bản đã có sự đối đầu thương mại tương đối mạnh mẽ, nhưng hiện nay đã trở thành đối tác?
Trả lời câu hỏi này, ông Yasuo Tanabe, Phó chủ tịch Hitachi - người đã từng là Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Nhật Bản và tham gia quá trình đàm phán giữa 2 nước, cho rằng những gì diễn ra giữa Nhật và Mỹ thập niên 70 - 80 của thế kỷ trước khá giống với những gì đang diễn ra hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ. Vào thời điểm đó, dưới sức ép của Mỹ, Nhật Bản đã “tình nguyện” cắt giảm xuất khẩu hoặc gia tăng nhập khẩu để làm dịu tình hình. Tuy nhiên, sau đó thế giới đã có bài học và thiết lập cơ chế WTO, một cơ chế thương mại quốc tế đa phương dựa trên luật lệ. Từ kinh nghiệm của chính mình, ông Tanabe cho rằng, bài học lịch sử cần được ghi nhớ và phải chống lại xu hướng hành động đơn phương của một số quốc gia.
Vậy đâu là kịch bản tốt nhất và đâu là kịch bản xấu nhất của cuộc chiến này, ông Mitsumaru Kumagai, chuyên gia kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Daiwa, đặt câu hỏi. Kịch bản tốt nhất, theo ông Victor Chu, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tập đoàn đầu tư First Eastern, là dưới sức ép của Washington, chính quyền Bắc Kinh sẽ phải tăng tốc cải cách kinh tế. Các nước khác trên toàn thế giới cũng sẽ phải làm điều tương tự và điều này mang lại lợi ích rất lớn. Còn kịch bản xấu nhất, là cuộc chiến thương mại sẽ trở thành cuộc chiến lâu dài, ít nhất có thể tính tới 40 - 50 năm.
Chia sẻ quan điểm của mình, ông Tanabe cho rằng, kịch bản tốt nhất là Trung Quốc sẽ đạt được sự thống nhất ở mức nào đó với Mỹ, vì nếu để căng thẳng leo thang thì Trung Quốc sẽ bất lợi nhiều hơn. “Người Trung Quốc rất thông minh và họ có thể rút kinh nghiệm nhiều từ lịch sử, đặc biệt là căng thẳng giữa Mỹ và Nhật, để đưa ra một số cải cách như bảo hộ sở hữu trí tuệ, cải cách DN nhà nước. Mỹ có thể sẽ hài lòng. Đó là kịch bản tốt nhất”, ông Tanabe nhấn mạnh. Còn kịch bản xấu nhất thì đây sẽ là một cuộc chiến trường kỳ và sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu. “Nếu điều đó thực sự xảy ra, chúng ta sẽ phải làm việc vất vả hơn rất nhiều. Chúng ta nghĩa là châu Á, Nhật Bản, ASEAN, APEC... vì chúng ta phải thiết lập cho mình một cơ chế rộng mở, thống nhất ở cấp cao nhất, để đảm bảo lợi ích cho toàn châu Á. Chúng ta cần xây dựng lòng tin giữa các quốc gia. Có lòng tin là quan trọng nhất”, ông Tanabe nói.
4.0 là cuộc cách mạng liên quan nhiều tới chính sách
Sáng 12.9, trả lời câu hỏi của Thanh Niên trong cả 3 cuộc CMCN trước, VN đều
Nguyen_Manh_Hung
       
không có cơ hội tham gia, đây là cuộc CMCN đầu tiên VN có mặt ngay từ đầu; vậy một nước có nền tảng công nghiệp thấp như VN, nguồn lực con người kỹ năng cao còn yếu như VN có cơ hội để “sánh vai” với các cường quốc công nghiệp trong cuộc cách mạng lần này?
Quyền Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Tương lai không phụ thuộc vào quá khứ. Các cuộc CMCN như một bước ngoặt mà với cuộc cách mạng này, các quốc gia đang phát triển không có quá nhiều hạ tầng và kinh nghiệm của những cuộc CMCN trước đó sẽ có ít gánh nặng trên vai hơn và có thể phát triển nhanh hơn”.
Cũng theo ông Hùng, cuộc cách mạng này không quá nặng về cách mạng công nghệ mà liên quan nhiều hơn đến cách mạng chính sách. Do đó, các quốc gia không có một khuôn khổ pháp lý quá mạnh mẽ sẽ linh hoạt hơn để đón nhận những mô hình mới, những chính sách mới, do đó, các quốc gia đang phát triển có nhiều cơ hội hơn.
Quyền Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng
Không thể có thịnh vượng nếu không có hòa bình
       
Chúng ta không thể có thịnh vượng nếu không có hòa bình. Do đó, chúng tôi luôn cố gắng để giải quyết xung đột, có được hiệp ước hòa bình giữa 2 miền Nam - Bắc Triều Tiên.
Những năm qua, dưới chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in, chúng tôi cũng đã đạt được những thỏa thuận phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Lần đầu tiên trong lịch sử chúng tôi đã có 2 hội nghị thượng đỉnh Nam - Bắc Triều để đạt được mục tiêu về hòa bình. Chúng tôi cũng đang chuẩn bị một hội nghị thượng đỉnh nữa vào tuần sau ở Pyongyang.
ASEAN cũng rất hỗ trợ cho sáng kiến của chúng tôi và sự hỗ trợ đó là rất quan trọng để tiến hành quá trình phi hạt nhân hóa và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, tạo ra thịnh vượng của khu vực Đông Nam Á và Bắc Á.
Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-hwa
Đây chính là thời khắc để hành động
Chúng tôi nhận thấy khu vực tư nhân đang có nhiều cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ
       
trên một số lĩnh vực tại ASEAN.
Tuy nhiên, các DN sẽ cần triển khai những chiến lược sáng tạo để đạt được thành công, đó là nội địa hóa, số hóa và liên minh (đặc biệt theo hướng liên ngành và có ứng dụng các công nghệ mới).
ASEAN có thể tự hào về những thành tựu đã đạt được trong 50 năm qua, nhưng giai đoạn phát triển thụ động đã qua.
ASEAN sẽ cần phát huy hết tiềm năng và nắm bắt được tương lai để đóng góp cho sự tăng trưởng toàn cầu. Bây giờ chính là thời khắc để hành động.
Ông David Wijeratne, lãnh đạo Trung tâm thị trường tăng trưởng của PwC
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.