Áp thấp nhiệt đới cách bờ biển Đà Nẵng - Bình Định khoảng 160 km

16/10/2020 15:50 GMT+7

Hồi 13 giờ ngày 16.10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách bờ biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Định khoảng 160 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, hồi 13 giờ ngày 16.10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 110,2 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Định khoảng 160 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40 - 50km/giờ), giật cấp 8.

Miền Trung khắp nơi mưa to gió lớn, áp thấp nhiệt đới đã tiến gần bờ

Vị trí và đường đi tâm áp thấp

Ảnh: Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 30 km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung bộ rồi suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 1 giờ ngày 17.10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc; 105,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ).
Vùng nguy hiểm do áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông trong 12 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 14,5 đến 17,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai ở cấp 3.

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, kết hợp với không khí lạnh, khu vực phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, vùng biển phía Tây khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động. Ở vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động; sóng biển cao từ 2 - 4 m.

Nguy cơ lũ đặc biệt lớn, sạt lở đất ở miền Trung, Tây Nguyên

Khu vực Nam Biển Đông có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 - 8, riêng vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) và vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau cấp 6, giật cấp 8; sóng biển cao 2,5 - 3,5m, biển động.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh nên ở Vịnh Bắc bộ và khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía bắc quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9; sóng biển ở Vịnh Bắc Bộ cao 2 - 4 m; ở Bắc Biển Đông 3 -5 m; biển động mạnh.

Gió mạnh trên đất liền

Trong chiều tối và tối nay (16.10), trên đất liền các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió giật mạnh cấp 6 - 7.

Dự báo mưa lớn

Từ nay đến ngày 21.10 ở Trung bộ có mưa rất to, riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có khả năng mưa đặc biệt to. Tổng lượng mưa từ chiều nay (16.10) đến ngày 21.10 ở Nam Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị phổ biến 400 - 700 mm, có nơi trên 800 mm; ở Bắc Nghệ An, Thừa Thiên - Huế phổ biến 400 - 500 mm, có nơi trên 500 mm; ở Đà Nẵng, Quảng Nam phổ biến 300 - 400 mm, có nơi trên 450 mm; Từ Quảng Ngãi đến Phú Yên phổ biến 200 - 300 mm, có nơi trên 350 mm.
Từ ngày 16.10 đến ngày 18.10 ở Tây nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100 - 200 mm, có nơi trên 250 mm.
Cảnh báo, sau ngày 21.10, ở các tỉnh Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ còn có khả năng xảy ra mưa lớn kéo dài.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn ở cấp 2.

Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ ở Bắc bộ, Trung bộ và Tây nguyên

Trong 6 giờ qua (từ 1 đến 7 giờ ngày 16.10), các tỉnh khu vực Trung bộ và Tây nguyên đã có mưa vừa, mưa to đến rất to: Mường Lống 59 mm (Nghệ An); Phong Điền 131 mm (Thừa Thiên - Huế); Hoành Sơn 87 mm (Hà Tĩnh); Duy Sơn 130 mm (Quảng Nam); Đức Phú 74 mm (Quảng Ngãi); Tuyên Hóa 9 0mm (Quảng Bình); Vĩnh Ô 253 mm, Đầu Mầu 227 mm, Hướng Hiệp 209 mm (Quảng Trị)…

Áp thấp nhiệt đới mạnh thêm, miền Trung sắp hứng chịu những cơn mưa cực lớn

Dự báo trong 6 giờ tới, tại các tỉnh Trung bộ và khu vực Tây nguyên tiếp tục có mưa to đến rất to. Lượng mưa trong 6 giờ tới từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế phổ biến từ 150 - 200 mm, có nơi trên 250 mm; các tỉnh khác thuộc Trung Bộ và khu vực Tây nguyên phổ biến từ 80 - 120 mm, có nơi trên 150 mm.
Cảnh báo, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các huyện Kỳ Sơn, Quế Phong, Con Cuông, Thanh Chương, Anh Sơn và Tương Dương (Nghệ An); Thanh Chương, Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê và Đức Thọ (Hà Tĩnh); Bố Trạch, Quảng Ninh, Minh Hóa, Tuyên Hóa, Lệ Thủy và Vĩnh Linh (Quảng Bình); Hướng Hóa, Đa Krông, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Quảng Trị và Đông Hà (Quảng Trị); A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, TX.Hương Thủy, Quảng Điền, Phú Lộc, Phú Vang, TX.Hương Trà và TP.Huế (Thừa Thiên - Huế)... và trên địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Lắk và Đắk Nông.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai ở cấp 1.

Cảnh báo mưa giông ở TP.HCM

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, áp thấp nhiệt đới nối với dải hội tụ nhiệt đới đi ngang Nam Trung Bộ làm gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh khiến TP HCM và các tỉnh Nam Bộ có mưa vừa, mưa to trên diện rộng. Lượng mưa dự báo 30 - 40 mm, có nơi trên 70 mm trong 24 giờ, đợt mưa có thể kéo dài đến ngày 18.10.
Hiện nay, trên ảnh mây vệ tinh và ảnh radar thời tiết cho thấy những đám mây đối lưu trên khu vực tỉnh Long An có xu hướng di chuyển theo hướng tây nam - đông bắc về phía khu vực TP.HCM.
Cảnh báo, trong khoảng 0 đến 3 giờ tới, mây đối lưu tiếp tục di chuyển về phía TP.HCM, gây mưa rào và giông cho cho khu vực phía Tây và phía bắc TP.HCM, sau đó sẽ mở rộng dần ra các khu vực khác của TP.HCM, có nơi mưa vừa, mưa to. Trong cơn giông đề phòng gió giật mạnh, lốc và sét.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.