TP.HCM: Áp dụng biện pháp mạnh hơn với chợ truyền thống để phòng chống dịch Covid-19

25/06/2021 19:37 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng TP.HCM cần áp dụng biện pháp mạnh hơn nữa, có thể dừng hoạt động chợ truyền thống để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 .

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều 25.6, những nguy cơ lây nhiễm tại chợ truyền thống được đặt ra sau khi thành phố ghi nhận nhiều ca bệnh liên quan các các chợ truyền thống, chợ đầu mối.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận định một số chợ truyền thống, chợ đầu mối không đảm bảo an toàn phòng chống dịch; mật độ lưu thông, việc người dân mang khẩu trang, khoảng cách… chưa đảm bảo.

Bản tin Covid-19 ngày 25.6: TP.HCM chứng kiến ngày dịch bệnh “kỷ lục” với 667 ca dương tính trong 24 giờ

Cụ thể, chuỗi lây nhiễm chợ đầu mối Hóc Môn - Sơn Kỳ - chợ Tân Hương còn diễn biến phức tạp.
Ngày 12.6, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn tầm soát phát hiện 1 ca dương tính với Covid-19 là tiểu thương bán trái cây tại ki ốt 1 đầu chợ, từ đó phát hiện tổng cộng ra 62 ca đã được xác định, phân tích các nhánh. Các ca dương tính là tiểu thương của các chợ, những người lấy hàng từ chợ này về bán tại các chợ khác.

Chợ Bình Điền, Q.8, TP.HCM

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Riêng tại chợ Sơn Kỳ (Q.Tân Phú), ngày 19.6, từ 3 tiểu thương của chợ Sơn Kỳ, đến chợ đầu mối Hóc Môn lấy hàng đã xét nghiệm các F1 và xét nghiệm tầm soát diện rộng mở rộng xung quanh chợ, phát hiện tổng cộng 71 ca. Ngành y tế cũng đã lập 5 điểm lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ dân cư tại P.Sơn Kỳ (Q.Tân Phú). Ngày ghi nhận ca mới nhất là ngày 23.6.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết sau khi áp dụng Chỉ thị 10/2021 của UBND TP.HCM từ tuần trước, TP.HCM có những kết quả nhất định. Tuy nhiên, dịch bệnh trên địa bàn vẫn rất phức tạp nên cần áp dụng biện pháp cao hơn.
Phó thủ tướng đánh giá mức độ Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM cũng gần bằng Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng, chỉ có chợ truyền thống là vẫn còn hoạt động, hàng hóa vẫn được lưu thông để chuỗi sản xuất không bị đứt gãy. “Chúng ta cần phải kiên quyết hơn nữa, áp dụng biện pháp cao hơn nữa để dập dịch triệt để”, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nói tại cuộc họp.
Đối với người giao hàng (shipper), Phó thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ cả người giao hàng và người mua, chú ý nâng cao ý thức phòng dịch.

Chùm 50 ca dương tính Covid-19 trong hẻm quận 4 lây lan như thế nào?

Ngày 30.6 sẽ quyết định có giãn cách tiếp hay không

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng cần tính toán, nghiên cứu mô hình hoạt động chợ truyền thống mà Q.8 đang áp dụng, đó là có thể là tổ chức cho tiểu thương bán luân phiên, có những hộ bán một ngày, nghỉ một ngày.
Riêng chợ đầu mối, ông Phong giao Sở Công thương thảo luận với TP.Thủ Đức, Q.8 và H.Hóc Môn tổ chức cho các tiểu thương ký cam kết thực hiện bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch tại chợ, trong đó tính điểm cụ thể, nếu tiểu thương nào vi phạm thì tạm ngưng kinh doanh.

TP.HCM sẽ đánh giá lại hiệu quả của việc thực hiện Chỉ thị 10/2021 để quyết định có tiếp tục giãn cách xã hội tiếp hay không

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Ông Phong cho biết đến ngày 30.6 sẽ kết thúc thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/2020 trên phạm vi toàn TP.HCM. Ngày 19.6 vừa qua, TP.HCM ban hành Chỉ thị 10 yêu cầu siết chặt và tăng cường các biện pháp trọng tâm, cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Trong bối cảnh chỉ còn 5 ngày nữa là kết thúc giãn cách đợt 2, ông phong yêu cầu các sở ngành, quận huyện đánh giá lại việc triển khai các biện pháp trong Chỉ thị 10 và đề ra giải pháp quyết liệt hơn nữa.
“Cần xem xét khâu kiểm tra, giám sát các biện pháp như thế nào để ngày 30.6 đánh giá lại xem có tiếp tục giãn cách xã hội hay không”, ông Phong nói và đề nghị các đội tuần tra, kiểm tra ở các quận, huyện, phường, xã, thị trấn cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc thực hiện chỉ thị của thành phố, trường hợp nào không thực hiện nghiêm thì phải xử lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.