Ào ạt rút ruột biển Cần Giờ: Yêu cầu khởi tố, điều tra

31/10/2017 06:31 GMT+7

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu khởi tố, điều tra tình trạng khai thác cát trái phép ở biển Cần Giờ

Liên quan bài điều tra Ào ạt rút ruột biển Cần Giờ trên Thanh Niên hôm qua 30.10, trả lời Thanh Niên, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh không thể chấp nhận việc để tình trạng khai thác cát trái phép ở biển Cần Giờ tái diễn, phải khởi tố hình sự để xử lý nghiêm.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết thêm, ngay trong tuần này TP sẽ họp với các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Nai, Bình Dương… nhằm phối hợp xử lý triệt để nạn khai thác cát trái phép.
Lập chốt kiểm tra 24/24
Tại buổi họp báo do UBND TP.HCM tổ chức trưa 30.10, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng cho biết từ năm 2013 đến nay, TP.HCM không cấp bất kỳ giấy phép nào về khai thác cát trên địa bàn TP. Về tình trạng biển Cần Giờ bị “rút ruột”, ông Thắng nói: “TP cũng đã cương quyết đấu tranh, bắt giữ, xử lý nghiêm, nhưng vẫn còn tái diễn. Chúng tôi tiếp thu thông tin báo chí phản ánh để tiếp tục xử lý triệt để”.
Theo ông Thắng, vùng biển Cần Giờ qua đánh giá xác định có nguồn cát san lấp, nhưng vì đặc thù của vùng biển này cần phải giữ gìn để bảo vệ môi trường chung của TP.HCM và các tỉnh lân cận nên TP nghiêm cấm khai thác. Trả lời câu hỏi liệu có tình trạng bảo kê để “cát tặc” lộng hành, ông Thắng nói: “Việc bảo kê có hay không, chúng tôi chưa phát hiện, nhưng nếu có thì quan điểm của lãnh đạo TP là kiên quyết xử lý, bởi giữ gìn vùng biển Cần Giờ là giữ gìn môi trường sống cho con cháu chúng ta”.


Các tàu hút cát ở biển Cần Giờ đều trái phép
Trả lời PV Thanh Niên hôm qua 30.10, thượng tá Nguyễn Hồng Ninh, Phó phòng CSGT đường thủy (PC68) Công an TP.HCM, cho biết ngay sau khi Báo Thanh Niên phản ánh, đơn vị đã cho rà soát tất cả các tuyến sông mình quản lý. Thượng tá Ninh khẳng định hiện ở biển Cần Giờ không có dự án nào được cấp phép khai thác cát. Chính vì vậy, các tàu khai thác cát trên biển Cần Giờ đều là trái phép. Năm 2017, PC68 đã bắt được 3 ghe “bạch tuộc” đang vận chuyển cát từ biển Cần Giờ đi vào sông Soài Rạp. Sau khi hoàn tất hồ sơ, PC68 đã chuyển qua Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) điều tra theo thẩm quyền.


Trong khi đó, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM, khẳng định UBND TP yêu cầu các cơ quan chức năng phải vào cuộc, vì nạn “cát tặc” vượt phạm vi xử lý của H.Cần Giờ. Theo ông Hoan, từ thông tin Thanh Niên phản ánh, TP sẽ giao Sở TN-MT chủ trì phối hợp các sở ngành liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm; lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) TP phải lập chốt kiểm tra 24/24. “Vị trí khai thác cát trái phép cách bờ 20 km nên những vị trí trọng điểm phải có chốt kiểm tra, canh giữ của biên phòng. H.Cần Giờ phải kiểm soát chặt các địa điểm tập kết cát. Khai thác cát trái phép như thế, cuối cùng cũng vô bờ thôi. Nếu đi kiểm tra mà chủ cát không chứng minh được nguồn gốc cát thì phải xử lý nghiêm. Vấn đề này phải quyết liệt”, ông Hoan khẳng định.
Cũng trong chiều qua, trả lời Thanh Niên, Chủ tịch UBND H.Cần Giờ Lê Minh Dũng cho biết: “Từ đầu năm 2017 đến nay đã phát hiện, xử lý 40 vụ, trong đó 29 vụ vận chuyển cát không rõ nguồn gốc, 11 vụ khai thác cát trái phép. Rạng sáng 30.10, lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra và đang tạm giữ 4 phương tiện (sà lan) khai thác cát trái phép ở vùng biển Cồn Ngựa mà Thanh Niên phản ánh”.

Phải ra quân ngay giải quyết tình trạng khai thác cát trái phép ở Cần Giờ

“Chúng tôi đã thấy trách nhiệm”
Về trách nhiệm liên quan BĐBP, trả lời Thanh Niên hôm qua, thượng tá Trần Thanh Đức, Phó chỉ huy trưởng BĐBP TP.HCM, nhìn nhận: “Biển Cần Giờ nổi lên việc khai thác cát phức tạp như Báo Thanh Niên phản ánh là đúng” và khẳng định: “Khu vực biên giới biển thì BĐBP đã thấy rõ trách nhiệm của mình ở đó. Chúng tôi quán triệt nếu xảy ra điểm nóng ở khu vực nào thì chỉ huy đơn vị đó phải chịu trách nhiệm”.
Theo thượng tá Đức, thời gian qua lực lượng BĐBP phát hiện, bắt số lượng tàu vận chuyển, khai thác cát rất lớn, có khi bắt tới 8 tàu một lúc. Tuy nhiên, ông Đức “than” rằng trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn do địa bàn, phương tiện, sóng gió lớn. “Nó theo dõi mình, tàu hải đội xuất kích, 10 chuyến thì bị lộ gần hết, may chăng thì được 1 chuyến. Quanh mỗi đồn BĐBP đều có người “vệ tinh” của họ canh gác và báo động. Hơn nữa, sự phối hợp các lực lượng trong kiểm tra, kiểm soát chưa chặt chẽ và hiệu quả không cao”, ông Đức phân trần.
Tàu “bạch tuộc” đang bơm cát biển hút trộm lên san lấp mặt bằng ở Nhà Bè (TP.HCM)
Thượng tá Đức cho biết thêm, vừa rồi UBND H.Cần Giờ có văn bản gửi UBND TP.HCM kiến nghị chế tài xử lý hình sự việc khai thác cát trái phép; đồng thời làm chòi canh để chốt trực ngoài biển ở Cồn Ngựa. Trong cuộc họp liên ngành, BĐBP cũng báo cáo đề xuất, kiến nghị UBND TP.HCM rà soát lại văn bản, đánh giá hành vi vi phạm để có thể khởi tố, xử lý hình sự nhằm thể hiện tính răn đe.

tin liên quan

Ào ạt rút ruột biển Cần Giờ
Bất chấp việc TP.HCM đã đóng các mỏ khai thác cát trên địa bàn hơn 1 năm qua, hàng chục tàu hút cát vẫn ngày đêm ngang nhiên quần thảo băm nát vùng biển H.Cần Giờ.
Còn đại tá Nguyễn Hồng Dũng, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (BĐBP TP.HCM), cho biết năm 2016 BĐBP TP.HCM đã phát hiện xử lý 20 vụ với 41 đối tượng, xử phạt gần 2 tỉ đồng, tịch thu hơn 5.600 m3 cát. Năm 2017, phát hiện xử lý 29 vụ với 80 đương sự, xử phạt hơn 1,4 tỉ đồng, tịch thu hơn 1.100 m3 cát. “Với lợi nhuận từ khai thác cát trái phép như hiện nay thì việc xử lý hành chính chưa đủ nặng. Mỗi phương tiện chứa được từ 600 - 700 m3 cát, thì tàu chỉ hút trong khoảng một tiếng rưỡi. Phạt hành chính chỉ vài chục triệu đồng thì họ nộp bình thường, chả ăn thua gì cả”, đại tá Dũng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.