An toàn bay bị đe dọa

18/02/2012 03:31 GMT+7

Dọa có bom trên máy bay bị phạt tối đa 30 triệu đồng và cấm bay trong 1 năm; còn mở cửa thoát hiểm, quấy rối tiếp viên... mức phạt chỉ vài triệu đến hơn chục triệu đồng. Mức phạt không đủ sức răn đe đang khiến an ninh chuyến bay liên tiếp bị đe dọa.


Minh hoạ DAD

Những hành vi đe dọa an toàn bay thường thấy nhất thời gian qua là tự ý mở cửa thoát hiểm máy bay, sàm sỡ tiếp viên, gây rối trật tự, tung tin có bom đe dọa an ninh chuyến bay...

Mới đây nhất, trên chuyến bay VN1265 của Vietnam Airlines (VNA) từ Vinh đi TP.HCM chiều tối ngày 14.2, khi tới sân bay Tân Sơn Nhất, hành khách Lê Văn Thuận (Thanh Hóa) đã mở cửa thoát hiểm máy bay theo lời nhờ của một phụ nữ bế con nhỏ đang quấy khóc, để...  xuống cho nhanh. Hành khách này đã bị Thanh tra Bộ Giao thông vận tải (GTVT) xử phạt 15 triệu đồng.

Tăng cường tuyên truyền

Nhìn từ khía cạnh khác, theo một chuyên gia trong ngành hàng không, nhiều vụ vi phạm xảy ra gần đây cho thấy hành khách rất thiếu hiểu biết về mức xử phạt cũng như hậu quả do hành vi mình gây ra; hướng dẫn an toàn bay của tổ tiếp viên trước khi máy bay cất cánh đang bị xem nhẹ. Vì vậy, bên cạnh việc tăng mức xử phạt, cần đẩy mạnh hơn việc tuyên truyền quy định pháp luật về hàng không.

Trước đó, hồi đầu tháng 12.2011, hành khách Nguyễn Khắc Đại (Vĩnh Phúc) cũng bị xử phạt 15 triệu đồng vì mở cửa thoát hiểm máy bay trái phép. Vào tháng 11.2011, chuyến bay mang số hiệu VN1162 của VNA từ TP.HCM đi Hà Nội đã phải đổi máy bay, chậm khởi hành hơn 2 giờ đồng hồ do một nam sinh viên lần đầu tiên đi máy bay bất ngờ mở cửa thoát hiểm lúc chuẩn bị cất cánh. Hành khách Nguyễn Đức Duy (22 tuổi) - người vi phạm - cho biết định mở cửa nhìn ra bên ngoài cho... rộng hơn, thấy nút Open thì tưởng... nút mở cửa sổ.

Không chỉ khách nội “hồn nhiên”, VNA từng phải thực hiện giám sát đặc biệt với một vị khách lớn tuổi người Đài Loan trên chuyến bay VN581 từ Cao Hùng (Đài Loan) về TP.HCM hồi giữa tháng 11.2011. Sau khi máy bay cất cánh được khoảng 1 giờ, hành khách Chuang Wen (sinh năm 1930) khi đi tìm nhà vệ sinh đã tưởng cửa thoát hiểm là cửa nhà vệ sinh, nên mở nắp bảo vệ, nhấc cần gạt lên và cố ấn nút để mở cửa. Rất may, một hành khách ngồi gần đó đã kịp thời ngăn chặn.

Các hãng hàng không cũng đau đầu vì hành khách quậy do say rượu, sàm sỡ, gây rối tiếp viên, hút thuốc trong nhà vệ sinh, thậm chí cố ý mang vật nhọn lên máy bay, tung tin có bom. Mới đây, trên chuyến bay VN9513 từ Bắc Kinh đi Đà Nẵng của VNA, một nữ hành khách người Trung Quốc liên tục có hành động gây rối, tấn công tiếp viên hàng không từ khi cất cánh cho đến khi vào lãnh thổ VN. Hành khách này sau đó đã bị xử phạt 4 triệu đồng. Một hành khách khác là sĩ quan công an cũng từng bị phạt 2 triệu đồng do trêu ghẹo, sàm sỡ nữ tiếp viên…

Cần tăng mức xử phạt

Một chuyên gia trong lĩnh vực an ninh hàng không cho biết việc mở cửa thoát hiểm khi đang bay rất khó, nhưng lại tương đối dễ khi máy bay dưới mặt đất nếu đủ sức khỏe và thực hiện đúng chỉ dẫn ghi trên cửa thoát hiểm. Trên thực tế, để mở được cửa thoát hiểm, hành khách sẽ phải nhấn nút, xoay cần gạt, chưa kể trước mỗi chuyến bay, tiếp viên đều có lưu ý đặc biệt với những hành khách ngồi gần cửa thoát hiểm, nên không thể có chuyện vô tình mở cửa. Khung xử phạt cho hành vi trên là 15 - 20 triệu đồng, nhưng theo đại diện một hãng hàng không, mức xử phạt này không thấm vào đâu so với thiệt hại mà hãng phải chịu. Điển hình như vụ hành khách Lê Văn Thuận mở cửa, để khắc phục sự cố cầu phao bị trượt bung, VNA đã phải hoãn lại kế hoạch bay và sửa chữa, cuốn lại phao trượt với chi phí khoảng 10.000 USD.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phan Xuân Đức, Phó tổng giám đốc VNA, cho rằng cần phải tăng mức xử phạt với các hành khách vi phạm để tăng tính răn đe. Tuy nhiên, theo ông Đức, khung xử phạt dù có tăng lên vài chục triệu đồng cũng không ăn thua so với thiệt hại mà hãng phải gánh chịu mỗi lần sửa chữa lên tới vài trăm triệu đồng. Thêm vào đó, việc xử phạt thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp không được phạt, nên vẫn phải “nghiến răng” chịu đựng khắc phục sự cố.

Thực tế từ tháng 7.2010, khung xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không theo Nghị định 60/CP đã được nâng lên đáng kể. Ví dụ như nếu dọa có bom, hành khách sẽ bị phạt 10 - 20 triệu đồng trong trường hợp máy bay đang ở dưới mặt đất, 30 triệu đồng nếu máy bay đã cất cánh, vi phạm nghiêm trọng có thể bị cấm bay trong vòng 1 năm. Tuy nhiên, mức phạt này vẫn không ngăn được các vụ vi phạm có xu hướng tăng thời gian gần đây.

Tại hội nghị về hàng không mới đây, ông Phạm Quý Tiêu, Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm Cục trưởng Cục Hàng không VN, cho rằng cần sửa đổi, bổ sung luật Hàng không và tăng mức xử phạt do hiện nay còn nhẹ. Đơn cử, hành khách tự ý mở cửa thoát hiểm chỉ bị phạt 15 triệu đồng, trong khi hậu quả liên đới là chuyến bay chậm hàng tiếng đồng hồ, ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác của hãng và hàng trăm hành khách khác, là những thiệt hại không thể tính toán hết.

Các hãng hàng không đều từ chối người bị cấm bay

Liệu người bị cấm bay do vi phạm ở hãng hàng không này có thể được bay ở các hãng hàng không khác không? Đại diện của Hãng hàng không Jetstar Pacific cho biết không thể như vậy được. Bởi vì khi có thông tin về việc hành khách bị phạt cấm bay từ Cục Hàng không VN, thì tất cả các hãng hàng không đều phải thực hiện, bất kể hành khách đó vi phạm ở hãng nào.

Những khách có hành vi phá rối, cản trở phi hành đoàn thực hiện nhiệm vụ, không tuân theo bất kỳ hướng dẫn nào của phi hành đoàn, có lời nói nào đe dọa, lăng mạ, sỉ nhục đối với phi hành đoàn; hành xử gây khó chịu, bất tiện, gây thiệt hại hoặc thương tật cho các hành khách khác, cho phi hành đoàn sẽ bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn, kể cả việc cách ly. Hành khách có thể bị buộc rời khỏi máy bay hoặc bị từ chối vận chuyển tiếp tại bất kỳ điểm đến nào và có thể bị khởi kiện do những hành vi vi phạm trên máy bay.

Mai Vọng

Mỹ, Anh có thể phạt tù hành khách quấy rối

Luật pháp liên bang Mỹ quy định các hình phạt nặng đối với hành khách có hành vi quấy rối, đe dọa an toàn trên máy bay. Theo Công ty tư vấn luật LegalWatch, nếu một hành khách có hành động ảnh hưởng đến chuyến bay, hãng hàng không có thể báo cáo lên Cục Hàng không liên bang. Nếu bị khởi tố, người vi phạm có thể đối mặt án phạt dân sự và hình sự. Mức phạt dân sự có thể lên tới 1.100 USD và mức phạt hình sự lên tới 10.000 USD/vi phạm tùy mức độ nghiêm trọng. Đối với các hành động như quấy rối, đe dọa tiếp viên hoặc hành khách khác, thủ phạm có thể chịu án tù giam lên tới 20 năm nếu không mang vũ khí và chung thân nếu mang vũ khí. Ngoài ra, tùy theo mức độ vi phạm, hành khách có thể bị cấm đi máy bay vĩnh viễn, theo CNN.

Trong khi đó, theo Hướng dẫn Hàng không của Anh được ban hành năm 1995, hành khách quấy rối trên máy bay có thể bị phạt từ 2.500 bảng đến mức không giới hạn hoặc tối đa 2 năm tù giam, tùy mức độ nặng nhẹ.

Văn Khoa

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.