Án tham nhũng kéo dài, đối tượng bỏ trốn bất thường

19/11/2017 09:32 GMT+7

Nhiều vụ án hình sự bị trả, án dân sự bị hủy, án tham nhũng kéo dài, trước khi truy tố đối tượng tham nhũng đã bỏ trốn...

Nhiều vụ án hình sự bị trả, án dân sự bị hủy, án tham nhũng kéo dài, trước khi truy tố đối tượng tham nhũng đã bỏ trốn và các “kỳ án oan” được nhiều ĐB tập trung chất vấn Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình trong sáng 18.11.
ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) nêu 4 hạn chế liên quan đến điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án với các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn như thời hạn kéo dài, có vụ khởi tố từ năm 2014 nhưng đến nay chưa kết thúc. Đáng chú ý có những trường hợp bỏ trốn ra nước ngoài ngay tại thời điểm chưa khởi tố như Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh. Ngoài ra, tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung rất cao, kết quả xử sơ thẩm chưa được dư luận đồng tình, nhất là việc xác định tội danh, có dấu hiệu chuyển từ tội tham ô sang tội cố ý làm trái, việc thi hành thu hồi tài sản tham nhũng cũng rất thấp. Bà Nga cũng đề nghị Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, Bộ trưởng Công an làm rõ tình trạng này.
Theo Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, việc điều tra kéo dài, không thu hồi được tài sản tham nhũng, trách nhiệm thuộc về cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án.
Tham gia trả lời, Ủy viên Bộ Chính trị - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng một số đối tượng tham nhũng bỏ trốn trước truy tố, do thời điểm này chưa áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, Bộ Công an đã tiến hành truy bắt và nếu phát hiện có bao che sẽ kiên quyết xử lý.
Tranh luận thêm về phần trả lời này, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng vừa qua có nghịch lý những người chưa bị ngăn chặn xuất nhập cảnh đi trót lọt, sau đó mới biết họ có tội. Nhưng có những trường hợp doanh nhân bị cấm xuất nhập cảnh 1 năm mà không có tội danh gì. Có doanh nhân nước ngoài cũng bị cấm xuất cảnh 2 năm, về nước đi bầu cử cũng không được trong khi không có tội danh.
Làm rõ thông tin “chạy” tiền làm đại biểu Quốc hội
Dù không phải là vấn đề được ĐB chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đã bất ngờ yêu cầu Chánh án thông tin cho ĐB và người dân rõ vì sao HĐXX không cho bà Châu Thị Thu Nga khai tiếp khi đề cập đến việc chi tiền để chạy vào Quốc hội.
“Việc chủ tọa dừng không cho khai tiếp là vì nội dung này đã được tách ra thành vụ án khác và theo quy định thì được phép, như nhiều vụ án khác. Nếu xuất hiện tình tiết mới mà không có quyết định tách án thì phải làm rõ nhưng khi đã tách ra thì HĐXX được phép không đề cập nữa”, ông Nguyễn Hòa Bình trả lời và thông tin thêm là vấn đề này được thể hiện rõ trong biên bản, hồ sơ vụ án chứ không có gì phải giấu giếm.
“Bà Nga khai chi tiền nhằm 2 mục đích. Hai phần là chi cho hội đồng bầu cử địa phương để vào được danh sách ứng viên. Một phần là chi cho báo chí vì ở thời điểm đó nhiều báo viết bà Nga có bằng tiến sĩ mà không đi học. Về cách chi, bà Thu Nga nói thông qua một doanh nhân buôn vàng có quan hệ rộng, nên đã chủ động gặp và nhiều lần đưa tiền ở quán cà phê, mỗi lần 100.000 - 200.000 USD”, ông Bình nói. Tuy nhiên, theo Chánh án, việc này chỉ 2 người biết với nhau, không có chứng cứ. Còn theo biên bản đối chất với doanh nhân này thì anh ta nói có quen biết bà Thu Nga nhưng không nhận tiền. “Việc cơ quan điều tra tách vụ việc này ra là cần thiết. Tôi biết cơ quan điều tra đang tích cực để có một phiên tòa khác về nội dung này”, ông Bình nói.
Liên quan các vấn đề xét xử, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết thêm trong quá trình xét xử, theo dõi quyết định khởi tố, tòa án nhận được sự hợp tác của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đối với các vụ việc tòa khởi tố ngay tại tòa. Ông lấy ví dụ như vụ Trịnh Xuân Thanh, đầu năm nay tòa đã khởi tố bổ sung bị cáo trong phiên tòa xét xử phúc thẩm về hành vi tham ô. Cách đây 2 ngày, các cơ quan chức năng đã họp và đang điều tra theo hướng này, ngoài Trịnh Xuân Thanh thì khởi tố bổ sung 3 bị can khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.