Ăn sương ngủ gió: Phận đời 'ẩn mình'

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
26/02/2021 06:30 GMT+7

Nhiều người ở ĐBSCL ví nghề nuôi tôm nội đồng là tháng ngày 'ăn sương ngủ gió'. Nhiều người trong nghề xem con tôm là 'đầu cơ nghiệp' với bao niềm vui lẫn nỗi buồn, cũng đều từ con tôm...

Qua hai thập kỷ với những kết quả ấn tượng về sản lượng tôm nuôi trồng mà ĐBSCL đóng góp vào thị trường trong nước và xuất khẩu (số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ riêng năm 2019, sản lượng tôm nuôi cả nước đạt 899.840 tấn; trong đó sản lượng tôm từ ĐBSCL là 753.512 tấn, chiếm 83,7%), không thể không nhắc đến những người nông dân ĐBSCL ẩn mình ở vùng quê “hai mùa mưa nắng” nuôi tôm nội đồng (nuôi tôm nhờ hệ thống kênh, mương nội đồng).
Bám trụ 20 năm qua, người nuôi tôm ở H.Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) và H.Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã đối mặt không ít khó khăn, gian khổ mà trước hết là cuộc sống “ăn sương ngủ gió”.
Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng cho biết H.Mỹ Xuyên là 1 trong 5 huyện trọng điểm nuôi tôm của Sóc Trăng. Khuất sau các căn nhà cấp bốn hướng ra mé kênh Cà Lăm tại ấp Bình Hòa, xã Gia Hòa 2 (H.Mỹ Xuyên), “hệ sinh thái” nhà nông vẫn hoạt động hết công suất: người cho tôm ăn, người đang ủi đất chuẩn bị vụ mùa, người đang coi sóc liệu căn chòi của mình có đủ chịu được mùa mưa sắp tới hay không...

Ngày đêm giữ chòi

Ở ngã ba sông Bạc Liêu - rạch Vàm Lẽo có những con kênh rạch xẻ ngang dọc, chằng chịt. Quanh khu vực này, hầu như nhà nào cũng có vài công đất, lấy nghề nông làm nguồn sinh kế chính. Trên các thửa ruộng ngày thường hiu quạnh, thấy lác đác những căn chòi được dựng tạm bợ. Không ai biết chòi xuất hiện vào khoảng thời gian nào, nhưng hình ảnh của nó gắn liền với nếp sinh hoạt của nông dân Tây Nam bộ.
Nghe kể, thuở còn độc canh cây lúa, trời nóng oi hay mưa không kịp vuốt mặt, nông dân đều “chịu trận” trên “đồng không mông quạnh”. Lúc này, vài người nghĩ kế dựng chòi trú ẩn. Chòi được cất khá đơn giản, được lợp bằng lá dừa nước xé đôi, đã phơi khô trước đó chừng chục ngày.
Từ khi con tôm thành đối tượng nuôi chủ lực, để ý người ta dựng chòi ngày một nhiều để bảo quản thức ăn, thuốc men, máy móc nuôi tôm... Ngó ai kéo lá vào ruộng, tất bật xuống mương lôi lên các cây tầm vông, trâm bầu ngâm, người dân hay kháo nhau chuẩn bị vần (đổi) công, làm phụ. Trong chòi thường kê một bộ ván nhỏ để cho khách bộ hành hay bà con làm ruộng cạnh bên ghé chơi, lắm lần không vắng cuộc “trà dư tửu hậu”, cùng nhau đờn ca vọng cổ. Nhiều người, nhất là những hộ có vuông (ao, hồ) tôm xa nhà, lại ở chòi như ngôi nhà chính bất kể đêm ngày.
Quê ngoại tôi tại khu vực xã Gia Hòa 2 (H.Mỹ Xuyên). Thuở nhỏ, khi chưa có điện thoại thông minh và điện thắp sáng, đôi lần chập tối, tôi theo người lớn “đi vuông” (thăm đồng). Đi ngang chòi nào cũng thấy cây đèn dầu mập mờ; người giữ chòi tay vừa đập muỗi, tay rà đài (radio) tìm kênh cải lương, xen lẫn tiếng ếch nhái kêu... Xa xa trong đêm tối vẫn thấy những đốm đèn khác lập lờ, báo hiệu cũng có người đang thăm tôm.
Hôm mùng 6 Tết Tân Sửu, sau mấy tiếng đồng hồ hết chài tôm coi độ lớn ở vuông này, lại đắp sình tránh nước tràn vào ao đang cải tạo ở bên kia, anh Lê Văn Lục (31 tuổi, ngụ xã Gia Hòa 2) cũng được nghỉ ngơi, đôi tay chai sạn lau hai gò má sạm đen, quày quả vài món bánh trái ra bộ ván trong chòi. Anh Lục có chừng 5 công đất để nuôi tôm thẻ chân trắng, mừng húm vì vụ rồi mới trúng tôm, trả hết nợ nần. Anh kể nhà mình cách đó chừng cây số, nhưng chỉ về để tắm rửa, ăn uống. Phần lớn thời gian anh ở lại chòi.
Ăn sương ngủ gió: Phận đời 'ẩn mình'1

Nhiều hiểm họa từ hệ thống sục khí ở vuông tôm

ẢNH: PHẠM THU NGÂN

Hai bên cửa chòi gió lùa vào thiu thỉu. Trong chòi, anh Lục bày biện bếp gas mini, vài cái chén, nồi, vài gói mì tôm..., cốt phòng khuya đói bụng. “Chưa tính đến gian khổ gió sương gì”, anh Lục nói: “Mà chỉ riêng ở mình ên (một mình) giữa đồng đã là chuyện lớn... Có nhiều cậu trai mới nuôi tôm không dám ngủ lại chòi vì sợ... cô đơn, rợn ngợp, xảy ra cơ sự gì cũng không ai hay biết; cũng có người “yếu bóng vía”, sáng về khăng khăng không muốn quay lại nữa vì đêm qua mới bị... ma hù”.
“Nhưng giữ chòi là để chăm tôm, bảo quản thuốc men và tránh chuyện người lạ gian ác đầu độc hầm (vuông) tôm của mình”, anh bộc bạch.

Tai nạn trên đồng

Anh Lục cũng buồn bã nhắc chuyện 3 năm trước, anh trai của anh không may chết đuối ở vuông tôm. Anh kể, có người nghe tiếng ùng ục dưới nước nhưng cứ nghĩ là cá lóc quậy nên thôi, chừng 15 phút sau đi rảo quanh thăm tôm mới phát hiện, thì anh trai anh đã mất.
Một người dân nuôi tôm ở ấp Hoàng Quân 2, xã Hưng Thành (H.Vĩnh Lợi) lắc đầu, bảo ban đêm đi cho tôm ăn, thăm nhá tôm (vó - PV) bị gió tạt xuống vuông là... chuyện thường tình, bởi “20 năm qua, có người nuôi tôm đã đánh đổi bằng cả sinh mạng mình”. Tại đây, người dân từng báo động nhau về chuyện ở đồng bị chóng mặt, tụt huyết áp té xuống vuông bị chết đuối, hay nhiều nhất là bị điện giật.
Ông P.M.M (cư dân nuôi tôm khu vực xã Hưng Thành) kể, hàng chục năm qua, có nhiều người bị giật bởi mô tơ (dùng để chạy quạt tạo ô xy trong vuông tôm) rò rỉ điện. Có người may mắn được người dân phát hiện nên tri hô, ứng cứu kịp thời; có người không may, tử nạn.
Ăn sương ngủ gió: Phận đời 'ẩn mình'2

Ủi đất chuẩn bị mùa vụ nuôi tôm mới

ẢNH: PHẠM THU NGÂN

Ông M. cũng nói, nuôi tôm là thách thức không nhỏ với hệ thống điện năng. Lúc trước, để chạy quạt trong vuông tôm, đa số hộ dân dùng máy dầu (hay máy nổ). Sau đó, chính quyền địa phương đóng nhiều tuyến điện, để tiết kiệm, người dân dần chuyển sang sử dụng điện bằng cách nối từ nhà dân ra.
UBND xã Hưng Thành cho biết tình trạng tai nạn điện trên đồng có xảy ra, nhưng hy hữu, chủ yếu vì người dân bất cẩn. Chẳng hạn, nhiều hộ móc, kéo điện vào vuông bằng những cây gỗ thay vì nên đặt ở những trụ bê tông; không thường xuyên kiểm tra, bảo quản dây, nguồn điện. Mỗi năm, phía điện lực và UBND xã đều đi từng ấp để tuyên truyền, phổ biến kiến thức an toàn sử dụng điện cho người dân.
Ngoài nỗi lo mô tơ rò rỉ điện, người dân cũng hay cảnh báo nhau phải thật cẩn trọng với hệ thống quạt chạy ô xy, bởi đã có nhiều trường hợp sơ sẩy để ống quần cuốn vào trục quay, hậu quả phải đánh đổi bằng da, thịt của mình. (còn tiếp)
Covid-19 làm giảm giá tôm
Tổng sản lượng tôm nuôi năm 2020 của 2 tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng chiếm tỷ trọng lớn trong sản lượng tôm nuôi toàn quốc (trong đó, Bạc Liêu là 187.998 tấn, Sóc Trăng là 187.939 tấn). Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng cho biết tỷ lệ đạt về sản lượng tôm công nghiệp của tỉnh hiện cao nhất toàn quốc, dù diện tích nuôi thấp hơn tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau.
Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu cũng cho biết đại dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ lĩnh vực tôm nuôi trồng khi làm giá tôm nguyên liệu giảm 15 - 20% so cùng kỳ. Tại khu vực ĐBSCL, giá tôm thẻ chân trắng giảm mạnh, có thời điểm ở mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua, chẳng hạn, loại 100 con/kg có giá dao động chỉ từ 68.000 - 70.000 đồng/kg.
Tại xã Hưng Thành, người dân nuôi tôm cho biết giá cả tôm biến động trong dịch Covid-19 nhưng ảnh hưởng không nhiều. Cụ thể, dịp Tết 2021, giá tôm ô xy (tức mua tôm sống) là 120.000 đồng/kg, giá tôm đá (tức tôm chết) dao động từ 110.000 - 113.000 đồng/kg. Riêng giá tôm nếu khi thử không phát hiện kháng sinh (để phục vụ xuất khẩu) sẽ được cộng thêm 6.000 đồng/kg.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.