Ấn Độ mong muốn tiếp tục hợp tác dầu khí với Việt Nam trên Biển Đông

Vũ Hân
Vũ Hân
03/08/2019 07:50 GMT+7

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S.Jaishankar bày tỏ, Ấn Độ mong muốn tiếp tục hợp tác dầu khí với Việt Nam trên Biển Đông tại cuộc gặp với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ngày 2.8 tại Thái Lan.

Trong khuôn khổ dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 và các hội nghị liên quan, ngày 2.8, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar.
Tại cuộc gặp, hai bên cho rằng, quan hệ hai nước đang phát triển rất tốt đẹp và nhất trí các biện pháp thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ, tăng cường các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư, nông nghiệp, y tế, hàng không, quốc phòng, an ninh; thúc đẩy hợp tác trên các diễn đàn đa phương, nhất là trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam và trong dịp Việt Nam và Ấn Độ cùng giữ cương vị Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Ấn Độ bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác về dầu khí với Việt Nam trên Biển Đông. Hai bên khẳng định lập trường chung về Biển Đông cam kết duy trì hoà bình, ổn định, tự do và an ninh hàng hải, giải quyết các vấn đề trên biển bằng biện pháp hoà bình phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982.

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Jaishankar tweet về cuộc gặp với Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, cho biết quan hệ truyền thống gắn bó giữa hai nước một lần nữa được tái khẳng định

Ảnh: Chụp màn hình 
Hiện một doanh nghiệp của Ấn Độ là ONGC cũng đang có hợp tác với Việt Nam khai thác dầu khí tại khu vực này.
Cùng ngày, Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 26 (ARF-26) với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao 27 nước cũng đã diễn ra. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự.
Tại diễn đàn, những diễn biến nghiêm trọng ở Biển Đông đã được đề cập. Nhiều bộ trưởng bày tỏ quan ngại trước những diễn biến phức tạp gần đây, trong đó có những sự cố nghiêm trọng xảy ra ở khu vực.
Theo đó, các bộ trưởng tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; đề cao luật pháp quốc tế và Công ước luật Biển 1982; kêu gọi kiềm chế, không quân sự hoá cũng như không có các hành động làm phức tạp tình hình; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông.
Ghi nhận một số tiến triển trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử (COC), các bộ trưởng nhất trí tình hình hiện nay càng đòi hỏi một COC hiệu lực, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Một lần nữa, tại hội nghị này, Phó thủ tướng đã nêu những quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên thực địa, bao gồm các hành động đơn phương và sự cố nghiêm trọng đang diễn ra ở Biển Đông, đặc biệt là những hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.