Ẩn dật giữ rừng

Mạnh Cường
Mạnh Cường
01/06/2020 07:07 GMT+7

Sẽ chẳng có biến cố nào khiến người đàn ông phải bận tâm nữa sau 17 năm sống giữa 'đảo hoang'. Cuộc sống chỉ là những ngày dài ông gắn mình vào thiên nhiên và trở thành tai mắt của lực lượng kiểm lâm…

Sau biến cố gia đình, ông Mai Văn Hào (năm nay 60 tuổi) rời Thái Nguyên vào Quảng Nam chọn một đảo nhỏ giữa lòng hồ thủy điện Khe Diên (xã Quế Ninh, H.Nông Sơn, Quảng Nam) dựng căn nhà nhỏ sống “ẩn dật”, biệt lập với thế giới bên ngoài. Đã 17 năm trôi qua.

Từ bỏ cám dỗ bãi vàng

Đứng bên đường Đông Trường Sơn, hướng tầm mắt về lòng hồ, nhìn kỹ có thể thấy có ngôi nhà trên hòn đảo. Đây là nơi ông Hào đã trú ngụ suốt nhiều năm qua. Vì có hẹn trước, nên khi chúng tôi đến nơi thì ông đã ngồi trên chiếc ghe nhỏ chờ sẵn. “Đường xa, nắng nóng thế này chắc cực lắm các chú nhỉ? Thôi lên ghe tôi chở qua nhà nghỉ cho khỏe”, ông chào khách bằng lời mời thân thiện.
Sau 30 phút vượt lòng hồ, chiếc ghe đã đưa chúng tôi đến ngôi nhà. Ai cũng bất ngờ vì thấy bên trong không thiếu thứ gì. Ti vi, tủ lạnh, máy quạt… Tất cả đều dùng điện từ máy nổ. “Tôi ở vậy chứ không thiếu thứ gì”, ông cười. Rồi ông trầm tư kể về cuộc đời mình.
Năm 1979, nhập ngũ tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc chống quân Trung Quốc xâm lược, đến 1982 xuất ngũ, ông về quê lập gia đình, sinh 3 con. Năm 1999, ông vào Quảng Nam với ý định đi tìm người cô thất lạc và tìm mộ liệt sĩ người thân. Nhưng cuộc đời đưa đẩy khiến ông “lạc” vào những bãi vàng tại Phước Sơn (vùng cao Quảng Nam) rồi lang bạt qua các bãi vàng. “Làm vàng và có gom được một chút ít, tôi về quê sinh sống. Tuy nhiên, khi trở về quê nhà thì hay tin vợ đã… có người khác. Tôi quyết định dứt áo ra đi”, ông nhớ lại.
Ẩn dật giữ rừng1

Ông Hào trầm tư kể về cuộc đời mình

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Sau biến cố ấy, ông quay lại “thủ phủ vàng” Phước Sơn. Có lần, ông “trúng mánh” đào được cả ký vàng. Có tiền, ông lại lâm vào những cuộc ăn chơi, nghiện ngập. Một ngày, ông nhận ra tương lai của mình không thể sống mãi ở những bãi vàng đầy cám dỗ nên âm thầm rút lui. Cuối năm 2003, ông đến xã Quế Ninh (H.Nông Sơn) dựng lều bên sườn núi giăng câu, thả lưới bắt cá, sống biệt lập.

Tay câu cá chình cừ khôi

Dù sống biệt lập, thỉnh thoảng ông Hào vẫn xuống trung tâm huyện để dò hỏi tin tức về người thân mà ông từng khởi sự đi tìm trước đó. Đến năm 2014, ông tình cờ biết được bà Mai Thị Sáu, người cô ruột thất lạc ở mảnh đất Quảng Nam, đang ở xã Quế Ninh. Nhiều lần qua lại thăm hỏi, ông cảm nhận được mối liên hệ gia đình từ bà Sáu. “Cô tôi có một người con gái không may mắc bệnh về thần kinh, nó đi làm thường bị chủ la mắng nên tôi bảo nó nghỉ việc về sống với tôi, cơm nước, thuốc men tôi lo. Rồi nó cũng nghe theo tôi vào sống giữa lòng hồ”, ông Hào kể. “Nó” mà ông Hào vừa nhắc chính là bà Nguyễn Thị Ba (56 tuổi) mà chúng tôi gặp khi đến thăm nhà ông ở giữa lòng hồ thủy điện.
Ẩn dật giữ rừng2

Buổi chiều, ông thả lưới bắt cá dưới lòng hồ

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Từ lúc dọn về ở trong ngôi nhà giữa hồ, hai anh em sướng khổ có nhau. Công việc nặng nhọc do ông Hào lo, còn bà Ba giúp khoản cơm nước, dọn dẹp. Sợ bà Ba ở một mình cũng chán, hằng ngày ông hướng dẫn bà cách bơi ghe, thả lưới. Cũng nhờ có bà, những con heo, đàn gà ông Hào mua bên ngoài mang về giờ sinh sản, nhân giống đông đúc trên đảo. “Từ bỏ phố để đến nơi hoang vắng, u buồn sinh sống không phải quyết định dễ dàng. Nhưng, mình cũng lớn tuổi rồi, cuộc sống đôi khi chỉ cần có vậy, cảm thấy vui là đủ!”, bà Ba cười nói.
Sau khi dựng ngôi nhà nhỏ giữa lòng hồ, ngoài thời gian thả lưới, ông Hào tìm hiểu thêm về đặc tính của loài cá chình. Ông đóng thuyền nhỏ bằng nhôm, ngày ngày ngược xuôi khắp lòng hồ câu cá chình đem bán… Cuộc sống cứ thế lặng lẽ trôi qua. 17 năm, đủ biến ông thành một tay câu cá chình cừ khôi, rành rẽ đặc tính của loài cá này, con nước ra sao, vùng nào có nhiều cá… “Loài cái này không dễ bắt. Phải tính được độ ẩm, nhiệt độ, áp suất của nước mỗi khi muốn đi câu. Có khi cả nửa tháng tôi mới đi một lần. Ngày nào trúng mánh thì kiếm 5 - 7 triệu đồng là chuyện thường. Có đêm tôi câu được gần 50 kg cá chình, kiếm được cả mấy chục triệu đồng. Có nghề này, hai anh em tôi sống khỏe ở đây”, ông Hào nói.
Ẩn dật giữ rừng3

Bà Nguyễn Thị Ba cũng theo anh họ vào sống “ẩn dật” giữa lòng hồ

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

“Tai mắt” của kiểm lâm

13 năm trước, ở H.Nông Sơn xảy ra vụ phá rừng quy mô gây rúng động dư luận Quảng Nam.
9 bị can bị khởi tố bắt giam, trong đó có nhiều cán bộ đóng vai trò giữ rừng. Sau sự việc đó, cơ quan chức năng đã ráo riết vào cuộc, nạn phá rừng có giảm, nhưng vẫn chưa triệt để.
Ngôi nhà của ông Hào ở lòng hồ Khe Diên nằm trên “cửa ngõ” ra vào các khu rừng đầu nguồn. Mọi nhất cử nhất động của lâm tặc khó lòng qua mặt ông. “Tôi ở đây gần 17 năm, ai lạ ai quen ra vào đây tôi đều biết cả. Phát hiện có người lạ, nghi lâm tặc vào phá rừng, tôi chỉ cần bốc điện thoại gọi là cán bộ kiểm lâm có mặt ngay. Vì vậy lâm tặc đừng hòng phá rừng ở khu vực này”, ông quả quyết.
Ở vào địa thế hợp lý, nhiều lần ngôi nhà của ông Hào được chọn là nơi tổ chức các cuộc họp lên kế hoạch truy quét lâm tặc của lực lượng kiểm lâm Nông Sơn. Sống ở đây nhiều năm, nắm kỹ địa hình lòng hồ, ông cũng được cán bộ kiểm lâm tin tưởng giao nhiệm vụ lái ghe đưa các đoàn đi kiểm tra, bảo vệ rừng.
Ẩn dật giữ rừng4

Bà Ba cho đàn gà ăn

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Ông Mai Văn Dưỡng, Phó giám đốc Ban Quản lý khu bảo tồn Nông Sơn, cho hay nơi ông Hào đang cư ngụ cũng thuộc địa phận khu bảo tồn. Theo quy định, ông không được ở tại đó. Nhưng ông Hào đã ở đấy từ khi Ban quản lý chưa… thành lập. Trước kia, huyện có cử lực lượng đi truy quét, xử lý các lán trại dựng trái phép trên lòng hồ thủy điện Khe Diên, riêng lán trại ông Hào do có “lịch sử” lâu dài nên được giữ lại. Lực lượng chức năng đã ghi nhận ông Hào không làm ảnh hưởng đến rừng, hằng ngày chỉ đi thả lưới, câu cá. “Hiện nay, Ban quản lý chưa thành lập được trạm chốt trên lòng hồ, nên nhờ ông Hào trông coi ghe để tuần tra. Phần nữa, khi phát hiện ai xâm phạm đến rừng, ông ấy sẽ thông tin ngay cho ban quản lý để kịp thời xử lý”, ông Dưỡng nói.
Khi chúng tôi hỏi chuyện liệu có dự định về lại quê cũ Thái Nguyên hay không, ông Hào lắc đầu dứt khoát: “Tôi sống ở đây quen rồi, về đó cũng không biết làm gì. Con cái giờ đã khôn lớn, lập gia đình hết nên không phải vướng bận. Chúng nó cũng hay vào đây thăm tôi, lần nào vào cũng khuyên tôi về quê để chúng chăm sóc nhưng tôi không chịu. Đời tôi đã gắn với nơi này!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.