'Ăn chi mà ác': Những dấu hiệu nào được coi là dấu hiệu hình sự?

04/11/2015 18:59 GMT+7

(TNO) Trong trường hợp ở Trung tâm bảo trợ xã hội Nghệ An, giám đốc trung tâm đã có sai phạm là chi sai nguyên tắc nhưng cần làm rõ mục đích, động cơ và số tiền chiếm hưởng cá nhân (nếu có).

(TNO) Trong trường hợp ở Trung tâm bảo trợ xã hội Nghệ An, giám đốc trung tâm đã có sai phạm là chi sai nguyên tắc nhưng cần làm rõ mục đích, động cơ và số tiền chiếm hưởng cá nhân (nếu có).

Trong những vụ việc tương tự như vụ "sai phạm gần 800 triệu đồng ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An", một số chuyên gia về pháp lý cho rằng việc xử lý cần căn cứ từ xác định trách nhiệm cá nhân, làm rõ số tiền "bị ăn chặn" được sử dụng vào việc gì ?, mục đích và động cơ ? những cá nhân nào được hưởng lợi ?...
Khu nuôi dưỡng người tâm thần tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An - Ảnh: Khánh Hoan
Liệu có thành tội danh? 
Một lãnh đạo của Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết, việc "ăn bớt" tiền cấp quần áo, thuốc men, chăn màn....của người bệnh là có dấu hiệu phạm tội hình sự. Tuy nhiên, về tội danh thì cần phải điều tra, xem xét hành vi của những người có trách nhiệm.
Nếu những người có trách nhiệm quản lý tiền của trung tâm như giám đốc, thủ quỹ có hành vi hợp thức hồ sơ chứng từ, nâng khống suất ăn, nâng khống số tiền chi mua quần áo, chăn màn, thuốc men... thì có dấu hiệu của tội "tham ô tài sản".
Nếu những cán bộ khác của trung tâm kê khống các khoản chi, mua giá thấp mà kê giá cao, mua ít thức ăn mà kê mua nhiều thức ăn... để hạch toán và rút tiền của trung tâm thì có dấu hiệu phạm tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Trong trường hợp ở Trung tâm bảo trợ xã hội Nghệ An, giám đốc trung tâm đã có sai phạm là chi sai nguyên tắc nhưng cần làm rõ mục đích, động cơ và số tiền chiếm hưởng cá nhân (nếu có).
Bữa cơm được phản ánh bị ăn chặn và cảnh người bệnh bị đối xử tệ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An  - Ảnh từ facebook Đàm Lan Anh
Luật sư Phạm Hoài Nam (thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng một trung tâm xã hội hoạt động dựa vào nguồn tiền ngân sách cấp hằng năm và kinh phí từ một số nhà hảo tâm tự nguyện đóng góp. Nguồn tiền này được dùng cho hoạt động chi tiêu, mua sắm hằng ngày của trung tâm và thuộc trách nhiệm quản lý của người đứng đầu trung tâm.
Luật sư Nam nhận xét số tiền gần 800 triệu đồng "đã được truy thu", chứng tỏ ban giám đốc trung tâm đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để thực hiện hành vi ăn chặn số tiền đó. Hành vi này đủ cơ sở cấu thành tội “Tội tham ô tài sản” theo điều 278 Bộ luật Hình sự.
Không thể xử lý hình sự nếu không có yếu tố vụ lợi
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM) lại nhận xét nếu các cán bộ, nhân viên ở một cơ quan nào chỉ có hành vi sai phạm trong việc chi sai mục đích mà không có yếu tố vụ lợi, không cố ý chiếm đoạt số tiền này làm của riêng, thì không thể xử lý hình sự mà chỉ xử lý về mặt hành chính.
Còn nếu những người này lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình mà có hành vi chiếm đoạt gần 800 triệu đồng thì đủ cấu thành tội "tham ô tài sản", sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 278 BLHS, với khung hình phạt là “bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình”.
Trả lời PV Thanh Niên Online, ông Nguyễn Xuân Phú, Giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội Nghệ An, thừa nhận đã có sai phạm. Ông Phú khẳng định mình "không tư túi" số tiền gần 800 triệu đồng trong vòng 5 năm qua.
Theo ông Phú, do điều kiện trung tâm quá khó khăn nên đã lạm chi chế độ mặc, trang bị đồ dùng sinh hoạt cho người tâm thần, người già neo đơn tại trung tâm cho các khoản chi khác của trung tâm.
Còn theo kết luận của Thanh tra Sở LĐ-TB-XH Nghệ An, từ năm 2011 đến nay, Trung tâm bảo trợ xã hội Nghệ An đã sai phạm gần 800 triệu đồng trong việc chi trả chế độ ăn uống, mua sắm quần áo, chăn màn và các dụng cụ sinh hoạt cho những người đang được nuôi dưỡng tại trung tâm.
Số tiền này đã được truy thu.
Khánh Hoan
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.