Ấm áp tình người trong đại dịch

18/08/2021 07:01 GMT+7

Bài viết Hành trình về quê của bé gái 10 ngày tuổi đã nhận được hàng trăm ý kiến phản hồi của bạn đọc.

Câu chuyện bé gái 10 ngày tuổi phải theo cha mẹ vượt hành trình hơn ngàn cây số bằng xe máy về quê để tránh dịch đã gây xúc động mạnh với bạn đọc, không chỉ vì nỗ lực vượt khó mà còn vì tình dân tộc, nghĩa đồng bào bao bọc nhau trong hoạn nạn.
Bài viết Hành trình về quê của bé gái 10 ngày tuổi kể về câu chuyện bé gái 10 ngày tuổi phải theo mẹ Già Y Tránh mới sinh mổ 10 ngày và cha Xồng Bá Xò vượt hơn nghìn cây số bằng chiếc xe máy cũ nát từ Bình Dương về quê miền núi Nghệ An để tránh dịch. Gia đình bé đã an toàn ở bản làng quê hương là nhờ tình yêu thương của muôn vạn tấm lòng. Chỉ một thời gian ngắn sau khi đăng tải trên Thanh Niên, bài viết đã nhận được hàng trăm ý kiến phản hồi của bạn đọc (BĐ).

Covid-19 sáng 18.8: Cả nước 293.301 ca nhiễm, 111.308 ca khỏi | TP.HCM kiến nghị hỗ trợ khẩn cấp 28.000 tỉ đồng

Thương nỗi vất vả của đồng bào

Đọc bài viết, nhiều BĐ cho biết “đã không cầm được nước mắt” vì thương cho những khó khăn, vất vả mà những người như gia đình bé gái phải gánh chịu. BĐ Công Nguyen Thanh viết: “Mình là đàn ông mà khi đọc bài viết này không cầm được nước mắt. Cảm ơn các bạn đã giúp đỡ cho hai vợ chồng...”. BĐ Thoa Huỳnh Thị Lệ xúc động: “Đọc mà rơi nước mắt. Mong sao dịch bệnh qua mau để không ai còn phải chịu thêm nỗi khổ nào nữa”.
Nhiều BĐ cảm phục với chuyến đi nhọc nhằn của vợ chồng anh Xò. “Khi rơi vào tâm thế khó, họ phải cố gắng để vượt qua. Chỉ mong mọi người đều được an toàn”, BĐ Huy Đức Nguyễn chia sẻ. Cùng góc nhìn, BĐ Nguyễn Tuấn Anh viết: “Tất cả đều vì cuộc sống mưu sinh. Vì đại dịch nên bắt buộc người dân phải quay về quê hương, mặc dù biết là nguy hiểm. Mong sao hết dịch để cuộc sống người dân đỡ khổ”.
Lăng kính Bạn đọc: Ấm áp tình người trong đại dịch1

Mẹ con sản phụ Già Y Tránh ở trạm dừng Đà Nẵng rạng sáng 31.7

ẢNH: TRẦN VƯƠNG

Cảm ơn những sẻ chia, đùm bọc

Khi hay tin câu chuyện vợ chồng anh Xò, nhiều người dân, đội tình nguyện, cảnh sát giao thông và chính quyền các địa phương dọc đường đi như Đà Nẵng, Quảng Bình đã chuẩn bị trước để giúp đỡ. Người mẹ được giúp đồ dùng, cháu bé được tặng sữa, người chồng được biếu tiền đi đường, xe máy mới. BĐ Thinh Duc cảm động trước lòng tốt của người dân: “Xúc động quá. Thương quá Việt Nam ơi! Tình nghĩa đồng bào, đạo lý truyền thống “thương người như thể thương thân” đã biểu hiện qua những tấm lòng của bà con đối với người chạy dịch”.
“Tôi đọc bài viết này mà không ngăn nổi xúc động về tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ đùm bọc yêu thương của người Việt trên mọi miền đất nước. Cầu chúc cho mọi người đều vui khỏe vượt qua đại dịch trọn vẹn”, BĐ Sinh Huy Cù viết. BĐ Biểu Nguyễn Đức nêu góc nhìn: “Đọc bài báo mà giàn giụa nước mắt. Thương cho cảnh đồng bào về quê trong thế bất đắc dĩ và cảm ơn những tấm lòng cao cả, những nghĩa cử nhân văn của mọi người. Qua hoạn nạn mới thấy tình dân tộc, nghĩa đồng bào thiêng liêng biết mấy”.
BĐ Gia Hoa Tran giản dị: “Tôi không có cơ hội để giúp đỡ những người về quê tránh dịch, chỉ biết viết lên đây những lời chia sẻ động viên và cảm thông sâu sắc đến họ. Phòng chống dịch còn dài lâu, hy vọng mỗi người dân chúng ta chung tay đồng lòng vượt qua đại dịch an toàn, khỏe mạnh”. Trong khi đó, BĐ Cù nèo nhận xét: “Một câu chuyện cổ tích ấm áp. Nhưng thật sự không mong muốn có hoàn cảnh thứ 2 như vậy”.

Dấu hiệu nào nên đưa trẻ đi xét nghiệm Covid-19 | BÁC SĨ ƠI số 7

Thật xúc động về tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau khi hoạn nạn, chia sẻ những lúc khốn khó của người Việt ta.
Ngô Văn Quế
Đọc mà thương những người về quê, cả những người đã cưu mang giúp đỡ họ. Xin trân trọng cảm ơn tất cả. Mong ai nấy đều bình yên.
Điền Gia Dũng
Ấm áp tình người. Mình vẫn kẹt ở Sài Gòn với con nhỏ, chồng thất nghiệp, tiền sắp hết, chỉ mong kiểm soát được dịch để còn đi làm. Covid‐19 làm ai cũng khổ, mong người dân có ý thức, tránh để lây lan.
Huyền Phạm
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.