Ấm áp lớp học tình thương

22/09/2012 12:44 GMT+7

Nhiều năm qua, hàng chục em bị thiểu năng trí tuệ ở TP.Vĩnh Long đã biết đọc, biết viết nhờ vào lớp học tình thương của cô Nguyễn Thị Huỳnh Nga. Cô Nguyễn Thị Huỳnh Nga, cựu giáo viên Trường tiểu học Chu Văn An (TP.Vĩnh Long) đã gắn bó với việc dạy phổ cập từ 13 năm nay. Đến năm 2009, khi có quyết định nghỉ hưu và phòng học cũ được đập đi để xây dựng lại, cô Nga đã xin chuyển lớp về tại nhà mình.

Lớp học có 26 em là 26 cảnh đời. Các em chủ yếu cư ngụ trên địa bàn P.8 (TP.Vĩnh Long) và các phường lân cận. Chiếm 2/3 lớp là những em thiểu năng trí tuệ, bệnh tật; còn lại là các em vì gia đình quá nghèo, phải đi kiếm sống nên không có điều kiện đến trường. Lớp có nhiều hoàn cảnh đặc biệt. Bé Minh Anh (5 tuổi), mồ côi cả cha lẫn mẹ bị nhiễm HIV, hiện đang sống với người bà già yếu và phải mưu sinh mỗi ngày bằng việc đi bán vé số hoặc đi xin; hay như em Phạm Văn Dương (17 tuổi) bị sốt bại não từ năm học lớp 3… Các em được cô Nga tìm kiếm và vận động về lớp học tình thương này.

 Nhờ cô Nga dạy dỗ, nhiều em bị thiểu năng đã biết đọc, biết viết
Nhờ cô Nga dạy dỗ, nhiều em bị thiểu năng đã biết đọc, biết viết - Ảnh: Hương Giang

Cô Nga dạy ghép từ lớp 1 đến lớp 5. Lớp học từ 7 - 10 giờ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần. Khi học đến lớp 5, cô sẽ đăng ký cho các em thi tốt nghiệp tiểu học. Vì đặc điểm riêng của lớp, xen vào các giờ học cô Nga cho lớp tập thể dục, vẽ tranh, chơi trò chơi, kể chuyện, ăn bánh kẹo… để các em cảm thấy vui vẻ, thoải mái. Được dạy dỗ các em, thấy các em chăm ngoan và chịu học hành là niềm vui của cô giáo đã gần bước sang tuổi 60 này. Lớp học được duy trì bằng nguồn kinh phí của chính cô, gia đình và bạn bè đóng góp. Tập vở, sách bút của các em đều được miễn phí hoàn toàn.

Cô Nga tự hào cho biết nhiều em xuất phát từ lớp học tình thương này đang học ở những bậc cao hơn. Hiện nay, có 2 em đang theo học lớp 8; 3 em lớp 9 và 1 em lớp 12. Ngày 1.6 vừa qua, 10 em trong lớp đã tham gia hội thi vẽ tranh dành cho người khuyết tật do TP.Vĩnh Long tổ chức và đã đạt được 1 giải ba, 1 giải khuyến khích. Các em trong lớp, dù chậm phát triển nhưng đã biết đọc, viết và có thể làm toán. Chị Ngọc Nga, mẹ của Tống Long (22 tuổi) không giấu được niềm vui khi nói về con mình: “Từ lúc đi học, Long đã nói chuyện nhiều hơn; đọc, viết được và biết tiếp mẹ làm việc nhà”. Khi được hỏi về mơ ước sau này, em Ngọc Trinh (14 tuổi, theo học lớp đã hơn 4 năm nay) trả lời thật hồn nhiên: “Lớn lên con muốn làm giám đốc, để có thiệt nhiều tiền giúp đỡ người nghèo”.

Nói về nguồn động lực để có thể kiên trì dạy dỗ các em hơn 10 năm qua, cô tâm sự: “ Các em vì nhiều lý do nên không thể cắp sách tới trường như nhiều bạn bè cùng trang lứa. Tôi duy trì lớp học này với mong muốn mang đến cho các em niềm vui và giảm bớt đi sự bất hạnh. Việc làm của tôi rất nhỏ nhoi nhưng hy vọng đóng góp được phần nào”.

Ông Nguyễn Trung Dân, Phó chủ tịch UBND P.8, cho biết: “Cô Nga là người cống hiến, tận tụy với nghề dù không nhận được chế độ bồi dưỡng nào. Địa phương luôn quan tâm và hỗ trợ cho lớp học tình thương của cô. Chúng tôi đã kiến nghị Phòng Giáo dục TP.Vĩnh Long bố trí một phòng rộng khoảng 40 m2 - 60 m2 trong Trường tiểu học Chu Văn An cho lớp học này để thuận tiện cho việc dạy và học”. 

Hương Giang

>> Lớp học tình thương
>> Vào rừng mở lớp học tình thương
>> Hoa hậu Thế giới khánh thành lớp học tình thương
>> Cô giáo Nhật trong lớp học tình thương
>> Trao tiền xây dựng lớp học tình thương tại trà vinh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.