Ai phải bồi thường oan sai ?

Chiều 27.10, Quốc hội thảo luận tổ về dự án luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Một trong những nội dung thu hút nhiều ý kiến là tiền bồi thường oan sai lấy từ đâu và ai sẽ phải bồi thường...

Lấy tiền thu hồi từ các vụ án tham nhũng để bồi thường
Đó là quan điểm của Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình. “Dư luận đặt vấn đề là, tiền nhân dân đóng thuế không phải để chi cho chuyện các ông làm sai. Thế giới họ không làm vậy mà lập ra một quỹ riêng từ tiền thu ở các vụ tham nhũng, buôn lậu, buôn ma túy”, ông Bình nói và kiến nghị nên xem xét phương án này để giải quyết vấn đề lấy ngân sách ra chi trả.
Theo ông Bình, luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (TNBTNN) hiện đã đặt ra vấn đề thu lại tiền bồi thường với các mức như bao nhiêu tháng lương…, nhưng thu của ai thì chưa rõ. “Tôi từng kiến nghị cơ quan nào làm sai thì phải bồi thường. Nếu oan sai do lỗi ở khâu điều tra thì ông điều tra phải đền, nếu do truy tố thì ông viện kiểm sát phải đền. Còn trường hợp sai ở khâu xét xử thì đó là lỗi của tòa”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu.
Đại biểu (ĐB) Dương Ngọc Hải (TP.HCM) cho rằng, quy định cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại như hiện hành sẽ giúp bồi thường thuận lợi. Bên cạnh đó, việc cơ quan có cán bộ công chức gây oan sai phải có trách nhiệm bồi thường để ràng buộc trách nhiệm của cán bộ, giúp họ nhận thức được việc làm sai trái của mình. ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cũng đồng tình cơ quan nào gây ra oan sai thì phải chịu trách nhiệm bồi thường. “Như vậy sẽ nâng cao trách nhiệm cơ quan đó trong quản lý cán bộ, tránh tình trạng "quýt làm, cam chịu", người này làm sai, người khác phải bồi thường”, ĐB Khánh nói.
Có hiện tượng “chùn tay” trong phòng chống tội phạm
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, luật TNBTNN rất phức tạp và cực kỳ quan trọng, nên khi xây dựng phải đảm bảo cân bằng cả quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong tham gia hoạt động về hành chính và tố tụng; đảm bảo thúc đẩy hoạt động bình thường của cán bộ, công chức, chức danh tố tụng và cơ quan nhà nước. “Nếu nghiêng về một trong hai bên thì cũng rất khó. Tôi cho rằng cơ quan soạn thảo (Bộ Tư pháp) phải mời Bộ Công an, TAND tối cao, VKSND tối cao để cùng rà soát lại cụ thể, phải rà từng chữ, từng trường hợp cụ thể chứ tôi thấy tờ trình nói một đằng, dự thảo nói một nẻo”, bà Nga nói và cho biết sau khi có Nghị quyết 388 (2003) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan, thì việc tố tụng dường như được thực hiện cẩn thận hơn, nhưng cũng có hiện tượng chùn tay, không dám quyết liệt trong phòng chống tội phạm.
Liên quan đến nội dung dự án luật quy định về TNBTNN đối với các thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra cho cá nhân, tổ chức trong ba lĩnh vực: quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án, ĐB Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, cho rằng dự luật chưa bao quát hết các phạm vi, lĩnh vực phải bồi thường, trong khi điều này đã được Hiến pháp quy định. Theo ĐB Cầu, việc mở rộng bồi thường ngoài bảo đảm tính bao quát, thể chế hóa đầy đủ tinh thần của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật còn nhằm gia tăng trách nhiệm của nhà nước. “Chúng ta mà ngại bồi thường thì kỷ luật hành chính của nhân viên nhà nước sẽ rất lèo nhèo. Phải mở rộng bồi thường mới làm chuyển biến được, kể cả cá nhân và tổ chức khi thực thi công vụ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm chống lạm quyền, chống thiếu trách nhiệm đối với nhân dân”, ĐB Cầu nói.
Đề xuất mở rộng thêm đối tượng được trợ giúp pháp lý
Thảo luận tổ cho ý kiến đối với dự án luật Trợ giúp pháp lý sửa đổi chiều 27.10, nhiều ĐB bày tỏ băn khoăn bởi diện người được trợ giúp pháp lý quy định trong dự luật sửa đổi lại thu hẹp hơn so với quy định của các luật hiện hành. Cụ thể, dự luật chỉ quy định người "có hoàn cảnh khó khăn về tài chính" hoặc "trẻ em bị buộc tội" mới thuộc diện được trợ giúp pháp lý, đồng thời không luật hóa tất cả những người đang được trợ giúp pháp lý khác như người bị nhiễm chất độc hóa học; người tham gia tố tụng hình sự là người chưa thành niên.
Theo nhiều ĐB, việc thu hẹp diện được trợ giúp pháp lý dẫn đến một số đối tượng trong cùng một nhóm người yếu thế không được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý, tạo sự thiếu nhất quán trong chính sách xã hội của nhà nước và có thể gây ra những tác động tiêu cực trong xã hội. Do vậy, nhiều ĐB đề xuất bổ sung vào dự luật nhiều đối tượng được trợ giúp pháp lý và xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý.
Trường Sơn
Đề nghị xem xét lại việc bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén
Dẫn chứng một số trường hợp bị oan sai, gây bức xúc nhưng việc bồi thường lại bị kéo dài như trường hợp ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), bà Lê Thị Nga đề nghị phải xem xét lại quy trình giải quyết. Theo bà Nga, hai vụ việc oan sai tương tự nhau nhưng mức bồi thường lại rất khác nhau. Cụ thể, vụ ông Nguyễn Thanh Chấn đã được giải quyết xong với mức đền bù 7,2 tỉ đồng nhưng vụ ông Huỳnh Văn Nén lúc đầu thỏa thuận bồi thường hơn 10 tỉ đồng, sau đó rút xuống còn 2,6 tỉ đồng. Bà Nga cho rằng cần xem lại cách tính bồi thường, vì ông Chấn ngồi tù oan 10 năm bồi thường 7,2 tỉ đồng nhưng tại sao ông Nén ngồi tù 17 năm lại chỉ bồi thường 2,6 tỉ đồng? “Đề nghị Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao xem xét lại trường hợp này, tránh kéo dài quá lâu thời gian giải quyết bồi thường”, bà Nga nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.