Ai bồi thường án oan cho ông Huỳnh Văn Nén?

04/12/2015 09:52 GMT+7

Trong vụ việc ông Huỳnh Văn Nén bị tù oan, ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường? Liệu việc xác định trách nhiệm hình sự hay xử lý kỷ luật, buộc hoàn trả tiền bồi thường trong vụ việc này có đơn giản?

Trong vụ việc ông Huỳnh Văn Nén bị tù oan, ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường? Liệu việc xác định trách nhiệm hình sự hay xử lý kỷ luật, buộc hoàn trả tiền bồi thường trong vụ việc này có đơn giản?

Đại tá Phạm Thật bắt tay và xin lỗi ông Huỳnh Văn Nén - Ảnh: Quế Hà
Theo TS.Lê Minh Hùng, giảng viên trường Đại học Luật TP.HCM, dư luận đã một phần nhẹ nhàng, ông Huỳnh Văn Nén cũng một phần an ủi khi các cơ quan tố tụng đã tổ chức xin lỗi ông về những năm tù oan nghiệt. Bên cạnh đó, trách nhiệm bồi thường lẫn trách nhiệm pháp lý của nhà nước, của từng cá nhân gây hàm oan cũng phải được thực hiện.
Theo quy định của pháp luật, người bị oan sai trong tố tụng hình sự được đòi bồi thường thiệt hại do bị oan. Cơ quan tiến hành tố tụng làm oan sai có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị oan. Những người tiến hành tố tụng gây oan sai có trách nhiệm hoàn trả cho Nhà nước một phần khoản tiền bồi thường cho người bị oan. Tùy trường hợp, những người này có thể còn phải chịu trách nhiệm pháp lý thích hợp theo quy định của pháp luật.
Cơ quan sau cùng làm oan sai phải bồi thường
Quá trình tiến hành tố tụng hình sự trải qua các giai đoạn khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án và cơ quan nào sau cùng làm oan sai thi cơ quan đó phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Ở vụ án “Vườn điều” năm 1993, ông Nén bị TAND tỉnh Bình Thuận kết án 5 năm tù giam về tội “không tố giác tội phạm”. Do cấp phúc thẩm tuyên hủy án để điều tra lại sau đó CQĐT kết luận ông Nén không phạm tội, nên TAND tỉnh Bình Thuận là cơ quan (sau cùng) làm oan sai cho ông Nén, là cơ quan chịu trách nhiệm phải bồi thường. Tương tự, trong vụ án giết bà Nguyễn Thị Bông, TAND tỉnh Bình Thuận tuyên ông nén có tội, cấp Giám đốc hủy án điều tra lại, sau đó CQĐT Công an tỉnh Bình Thuận kết luận ông Nén không phạm tội “giết người”, “cướp tài sản”.
Như vậy, trong cả hai vụ án trên, cơ quan tiến hành tố tụng sau cùng làm oan sai cho ông Nén đều là TAND tỉnh Bình Thuận. Theo pháp luật, đơn vị này sẽ chịu trách nhiệm giải quyết việc bồi thường cho ông Nén (điểm a, c khoản 1 Điều 32 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước-gọi tắt Luật TNBT của NN).
Quyền của ông Nén sau khi được minh oan
Ông Nén là nạn nhân của hoạt động tiến hành tố tụng gây oan sai. Thiệt hại của ông Nén bị oan, sai trong cả hai vụ án là rất lớn, cần phải được bồi thường. Để đảm bảo lẽ công bằng, khôi phục tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người bị oan trong tố tụng hình sự, pháp luật quy định những thủ tục cần thiết để khắc phục những thiệt hại vật chất, tinh thần cho ông.
Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Xuân Sơn xin lỗi ông Huỳnh Văn Nén - Ảnh: Quế Hà
Theo đó, ông Nén được trả lại sự trong sạch, xóa vết tích oan án. Cụ thể, TAND tỉnh Bình Thuận có trách nhiệm xin lỗi và cải chính cho ông Nén. Về thủ tục, ông Nén có quyền yêu cầu TAND tỉnh Bình Thuận tổ chức xin lỗi, cải chính và cơ quan kết án sai phải tiến hành xin lỗi, cải chính. Việc xin lỗi đã được các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận thực hiện đúng thủ tục vào ngày 3.12. Tiếp theo, TAND tỉnh Bình Thuận tiếp tục đăng trên một tờ báo trung ương và một tờ báo địa phương trong ba số liên tiếp theo yêu cầu của người bị thiệt hại hoặc đại diện hợp pháp của họ.

Việc xác định trách nhiệm hình sự hay xử lý kỷ luật và buộc gánh chịu trách nhiệm hoàn trả tiền bồi thường trong vụ việc này là không đơn giản, và rất có thể không có ai phải chịu trách nhiệm hình sự cũng như trách nhiệm hoàn trả tiền cho ngân sách. Đây cũng là một trong những bất cập của pháp luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cần được sớm sửa đổi, hoàn thiện

TS.Lê Minh Hùng, giảng viên trường Đại học Luật TP.HCM

Được bồi thường các thiệt hại về vật chất, tinh thần do bị kết án oan gồm: thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, thiệt hại về tinh thần do bị kết án oan, thiệt hại về sức khỏe bị xâm phạm nếu có, thiệt hại do tài sản bị xâm phạm nếu có (theo quy định tại các Điều 45, 46, 47, 49 Luật TNBT của NN), chi phí đi lại kêu oan…
Để được bồi thường ông Nén cần làm đơn yêu cầu gửi cho TAND tỉnh Bình Thuận và hai bên thương lượng, thỏa thuận số tiền bồi thường. Trường hợp không thỏa thuận được, ông Nén có quyền khởi kiện TAND tỉnh Bình Thuận ra TAND cấp huyện nơi ông Nén cư trú, làm việc hoặc nơi xảy ra thiệt hại để buộc TAND tỉnh Bình Thuận bồi thường.Tiền bồi thường lấy từ ngân sách nhà nước.
Dù trách nhiệm bồi thường oan, sai cho ông Nén là TAND tỉnh Bình Thuận nhưng luật lại quy định nguồn tiền để bồi thường trong trường hợp này là tiền từ ngân sách nhà nước. Khi có quyết định, bản án giải quyết bồi thường có hiệu lực, TAND tỉnh Bình Thuận chuyển hồ sơ đề nghị trả tiền bồi thường cho người bị oan sang Sở Tài chính cùng cấp để cơ quan này kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và chuyển kinh phí để TAND tỉnh Bình Thuận thực hiện việc bồi thường.
Luật quy định những người gây oan sai cho ông Nén có nghĩa vụ hoàn trả khoản tiền cho ngân sách nhà nước nhưng theo khoản 2 Điều 56 Luật TNBT của NN thì những người làm oan sai cho người khác trong tiến hành tố tụng hình sự không bị buộc phải hoàn trả tiền bồi thường nếu họ có lỗi vô ý.
Trường hợp điều tra viên biết rõ ông Nén không phạm tội mà vẫn quyết tâm đưa ông này vào vòng lao lý thì hành vi của người này mới có lỗi cố ý. Nếu vì thiếu sót nghiệp vụ, nôn nóng lập công dẫn đến sai sót, chưa làm tròn trách nhiệm thì hành vi có lỗi vô ý. Những người khác dựa trên kết quả của điều tra viên trên, nhưng do thiếu sót, chưa xem xét đầy đủ các nội dung, chứng cứ liên quan nên đã kết tội oan sai cho ông Nén, thì hành vi của những người đó là vô ý. Theo đó, thì những người tiến hành tố tụng trong trường hợp này rất có thể sẽ không bị buộc phải chịu trách nhiệm hoàn trả, trừ điều tra viên thì có thể bị buộc phải hoàn trả nếu chứng minh được lỗi của người này là cố ý.
Trách nhiệm hình sự của người gây oan sai
Người làm oan sai cho ông Nén chính là điều tra viên trong vụ án, kiểm sát viên đã phúc cung vụ án, Thủ trưởng – người ký Bản kết luận điều tra, Lãnh đạo Viện KSND - người ký cáo trạng truy tố, kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa, thẩm phán chủ tọa, thẩm phán và các hội thẩm nhân dân tham gia xử sơ thẩm.
Ngoài việc phải hoàn trả tiền cho cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường (nếu có), tùy theo tính chất của hành vi làm oan sai mà người làm oan sai còn có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý thích hợp về hành vi của mình, có thể là bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, việc xác định trách nhiệm hình sự hay xử lý kỷ luật và buộc gánh chịu trách nhiệm hoàn trả tiền bồi thường trong vụ việc này là không đơn giản, và rất có thể không có ai phải chịu trách nhiệm hình sự cũng như trách nhiệm hoàn trả tiền cho ngân sách. Đây cũng là một trong những bất cập của pháp luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cần được sớm sửa đổi, hoàn thiện.
Dù thế nào đi nữa, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do kết án oan sai đối với ông Nén cũng phải được TAND tỉnh Bình Thuận thực hiện. Dù muộn màng, nhưng đó cũng là kết thúc “có hậu” cần bàn và phải được thực hiện nhanh chóng, chủ động của TAND tỉnh Bình Thuận đối với ông Huỳnh Văn Nén.
Tóm tắt vụ án
Ngày 23.4.1998, bà Lê Thị Bông (SN 1932) bị giết tại nhà ở xã Tân Minh.
Ngày 17.5.1998, Huỳnh Văn Nén bị bắt.
Ngày 31.8.2000, TAND tỉnh Bình Thuận tuyên phạt Nén mức án chung thân về tội giết người, cướp tài sản.
Năm 2000, anh Nguyễn Phúc Thành (người cùng xóm với Nén, khi đó là một phạm nhân đang thực hiện án phạt tù ở Trại giam Sông Cái) đã có đơn tố cáo người giết chết bà Bông không phải Nén, mà là người khác có tên Nguyễn Thọ, nhưng không được xem xét.
Ngày 24.10.2014, Viện KSND tối cao có kháng nghị giám đốc thẩm bản án giết người của TAND tỉnh Bình Thuận.
Ngày 12.11.2014, TAND tối cao đã ra quyết định giám đốc thẩm vụ án giết người của Huỳnh Văn Nén và yêu cầu trả hồ sơ điều tra lại theo thủ tục chung. Viện KSND tỉnh Bình Thuận đã gia hạn tạm giam Huỳnh Văn Nén hai lần. Sau 8 tháng tạm giam để điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận vẫn không tìm ra được chứng cứ mới để buộc tội ông Nén.
Ngày 22.10.2015, Viện KSND tỉnh Bình Thuận có quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đối bị can Huỳnh Văn Nén với lý do cho Nén tại ngoại để chữa bệnh.
Ngày 28.11.2015, Cơ quan CSĐT có quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với Huỳnh Văn Nén.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.