Ai 'bảo kê' bãi xe lấn chiếm hàng ngàn mét vuông sông?: Mỗi lần kiểm tra, nhà xe đều biết trước!

31/03/2021 05:37 GMT+7

Trả lời câu hỏi về dư luận cho rằng bãi xe trá hình tồn tại nhiều năm là vì được bảo kê, bà Diễm nói: 'Lãnh đạo quận và Phòng quản lý đô thị quận hoàn toàn không có bảo kê. Đoàn kiểm tra còn bị đánh nữa mà...'

Thẩm quyền xử lý xe dù bến cóc đã được phân công rõ ràng nhưng cả sở chuyên ngành và chính quyền địa phương đều cho rằng khó xử lý? Đáng nói, những thông tin từ chính lực lượng chức năng cho thấy có nhiều dấu hiệu bất thường.
Nói về 2 bãi xe 391 và 397 Đinh Bộ Lĩnh (P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), một lãnh đạo Đội thanh tra giao thông (TTGT) số 3 (thuộc Thanh tra Sở GTVT TP.HCM) lắc đầu: “Họ đối phó với TTGT dữ lắm”. Theo vị này, mỗi khi TTGT phối hợp với Đội CSGT Hàng Xanh kiểm tra, nhà xe đều biết và tìm cách đối phó như cài cắm người theo dõi. “Khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng thì im thin thít nhưng khi lực lượng rời đi thì họ điều xe ra, mà mình thì không thể suốt ngày đứng một chỗ”, vị lãnh đạo Đội TTGT số 3 nói và cho biết thêm đang phối hợp với lực lượng CSGT mở đợt cao điểm xử lý 2 bãi xe này từ ngày 25.3 - 30.4. Trong ngày đầu ra quân thì xử lý được 3 vụ nhưng đến ngày thứ 2 đứng canh hơn 4 giờ chỉ xử lý được 1 trường hợp.

Khi người dân phản ánh, nếu UBND Q.Bình Thạnh xác định bãi xe không đảm bảo an ninh trật tự, không đúng quy hoạch, không đảm bảo giao thông, có vi phạm đón khách thì có thể đề nghị dừng kinh doanh cho đến khi đảm bảo yêu cầu theo quy định. Làm quyết liệt hay không phải do địa phương thực hiện

Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT TP.HCM

Trong 3 trường hợp bị phạt ngày đầu thì 2 trường hợp vi phạm thiếu dụng cụ thoát hiểm; chỉ 1 trường hợp vi phạm lỗi vận chuyển hành khách theo hình thức hợp đồng mà không có hợp đồng vận chuyển. Đội CSGT Hàng Xanh đã phạt chủ doanh nghiệp 12 triệu đồng và tước phù hiệu 2 tháng, phạt tài xế 900.000 đồng và tước GPLX 2 tháng. Vị này cho rằng thẩm quyền của TTGT khá hạn chế, không được kiểm tra bên trong bãi xe, còn bên ngoài thì phải phối hợp với lực lượng CSGT.
“Để làm triệt để thì phải phối hợp với chính quyền địa phương và chính quyền địa phương phải là đơn vị chủ động. Nếu địa phương muốn làm, chỉ cần nhắn tin một cái, chúng tôi luôn sẵn sàng”, lãnh đạo Đội TTGT số 3 cam kết và nhấn mạnh rất muốn làm bởi chính bản thân cũng “thấy nhột” khi trên địa bàn mình quản lý có tụ điểm nhức nhối như 2 bãi xe nêu trên.

Xe khách giao nhận hàng hóa ngay tại bãi đậu xe 391 Đinh Bộ Lĩnh, P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM

Ảnh: Sỹ Đông

Kiểm tra nhiều nhưng không phát hiện vi phạm ?

Trong khi đó, giải thích việc không xử lý dứt điểm hoạt động bãi xe nói trên, bà Vũ Thị Hội Diễm, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị Q.Bình Thạnh, cho rằng do lợi nhuận thu về quá lớn nên chủ bãi xe có nhiều hành vi bất chấp quy định pháp luật. Bên cạnh đó, tài xế cấu kết với chủ bãi xe, hành khách đi xe cũng muốn “được việc” nên phối hợp với chủ xe đối phó cơ quan chức năng.
Tính từ thời điểm Đội quản lý trật tự đô thị tách khỏi Thanh tra Sở Xây dựng (năm 2013) đến nay, bà Diễm có 8 năm theo dõi, kiểm tra, xử lý vi phạm của 2 bãi xe này và chứng kiến đủ chiêu trò đối phó của chủ bãi xe. Như lúc cưỡng chế năm 2014, có một số người trong bãi xe còn tấn công lực lượng thi hành công vụ, nhưng do thương tích nhẹ, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Rồi trong những lần kiểm tra sau này, cán bộ cũng bị hù dọa, khi công an phường xuống thì mọi việc mới êm xuôi.

Sẽ rào chắn, cưỡng chế phần đất lấn sông trong quý 2/2021

Liên quan đến bài viết Ai “bảo kê” bãi xe lấn chiếm hàng ngàn mét vuông sông? đăng trên Thanh Niên ngày 30.3, chiều cùng ngày, Phó chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh Hồ Phương đã có văn bản phản hồi về việc xử lý vi phạm tại 2 khu đất số 391 và 397 Đinh Bộ Lĩnh...
Theo văn bản này, chính quyền địa phương dự kiến trong quý 2/2021 sẽ rào chắn phần đất lấn sông ở 391 Đinh Bộ Lĩnh (454 m2) và cưỡng chế phần đất lấn chiếm sông ở 397 Đinh Bộ Lĩnh (khoảng 800 m2).
Bà Diễm cho hay UBND Q.Bình Thạnh thành lập đoàn liên ngành bao gồm cả Thanh tra Sở GTVT, CSGT kiểm tra nhiều lần về phòng cháy chữa cháy, thu tiền giữ xe quá giá, an ninh trật tự nhưng không phát hiện lỗi vi phạm để xử phạt. Nhiều chủ xe còn cung cấp hợp đồng thuê xe, người trên xe nói mình không phải là khách đi xe tuyến cố định. Trong khi đó, Thanh tra Sở GTVT thì nói rằng khi xe ra ngoài đường thì họ mới xử lý được, trong bãi xe thuộc thẩm quyền của quận và phường.
“Họ lách bằng nhiều cách như chạy xe ra khỏi địa phận thành phố mới thu tiền, hoặc khi đoàn kiểm tra đến thì lùa khách xuống”, bà Diễm nói. Do không phát hiện được vi phạm nên đến nay Q.Bình Thạnh chưa đề nghị thu hồi giấy phép kinh doanh. Trong các năm qua, Q.Bình Thạnh thỉnh thoảng kiểm tra đột xuất hoạt động của 2 bãi xe này để bắt quả tang nên không gọi công an đi cùng. Vị này cho rằng công an phường hoàn toàn có đủ thẩm quyền xử lý về an ninh trật tự, xe ra vào mất an toàn giao thông.
Về giải pháp xử lý 2 “bãi xe trá hình” nêu trên, UBND Q.Bình Thạnh đã giao công an quận, UBND P.26 phối hợp với Thanh tra Sở GTVT, CSGT tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm mất an ninh trật tự, an toàn giao thông tại khu vực này. Sở GTVT đã giao các đơn vị liên quan nghiên cứu tổ chức giao thông và lắp đặt camera quan sát kết hợp xử phạt qua hình ảnh tại khu vực trước 2 bãi xe này.
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về việc dư luận cho rằng bãi xe trá hình tồn tại nhiều năm là vì được bảo kê, bà Diễm nói: “Lãnh đạo quận và Phòng quản lý đô thị quận hoàn toàn không có bảo kê. Đoàn kiểm tra còn bị đánh nữa mà. Nếu có bảo kê thì sao bị đánh” và cho biết lãnh đạo quận chỉ đạo rất quyết liệt, còn Đội quản lý trật tự đô thị cũng muốn xử lý dứt điểm vì “màu cờ sắc áo”.

Quyết liệt hay không phải do địa phương

Trước sự phân trần của địa phương rằng khó xử lý hoạt động bến xe trá hình của 2 bãi xe thì ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT TP.HCM), viện dẫn điều 55 Thông tư số 12/2020 của Bộ GTVT nhìn nhận, 2 bãi xe 391 và 397 Đinh Bộ Lĩnh (P.26, Q.Bình Thạnh) đã vi phạm về không đảm bảo an toàn giao thông, mất an ninh trật tự, tổ chức đón trả khách tại bãi xe trái quy định. UBND TP.HCM đã thống nhất giao trách nhiệm xử lý xe và bãi xe hoạt động không đúng quy định (thường gọi là “xe dù bến cóc”, bến xe trá hình) về cho UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức, nên trách nhiệm chính xử lý bãi xe này thuộc UBND Q.Bình Thạnh. Riêng Thanh tra Sở GTVT và lực lượng CSGT sẽ hỗ trợ xử lý các lỗi liên quan đến các phương tiện vi phạm trong kinh doanh vận tải như: gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng đã ký, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách…

Sở GTVT “điểm mặt” 2 bãi xe lấn sông

Mới đây (18.3), Sở GTVT TP.HCM tiếp tục gửi văn bản đề nghị UBND Q.Bình Thạnh chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng ô tô trên địa bàn quản lý, nhất là 2 bãi đậu xe nói trên; đồng thời xử lý nghiêm các sai phạm, nhất là tình trạng xe hợp đồng trá hình và các điểm đón, trả khách không đúng quy định. Đây không phải lần đầu tiên Sở GTVT đề nghị Q.Bình Thạnh mạnh tay xử lý hoạt động vi phạm của 2 bãi xe nêu trên. Từ năm 2016 - 2020, Thành ủy và UBND TP.HCM có ít nhất 8 văn bản chỉ đạo về việc xử lý dứt điểm các bến xe trá hình, cho thấy sự quyết liệt của chính quyền TP.HCM.
Để xử lý bãi xe trên, theo ông Hải, UBND Q.Bình Thạnh có thể tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra về các điều kiện kinh doanh, bảo vệ môi trường, lấn chiếm kênh rạch để xử lý chủ bãi xe nếu có vi phạm. “Khi người dân phản ánh, nếu UBND Q.Bình Thạnh xác định bãi xe không đảm bảo an ninh trật tự, không đúng quy hoạch, không đảm bảo giao thông, có vi phạm đón khách thì có thể đề nghị dừng kinh doanh cho đến khi đảm bảo yêu cầu theo quy định. Làm quyết liệt hay không phải do địa phương thực hiện”, ông Hải nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.