90 năm ngày truyền thống ngành tuyên giáo: Tuyên giáo phải nhằm khai hóa văn minh cho dân tộc

01/08/2020 08:07 GMT+7

Mục đích đầu tiên và quan trọng nhất của công tác tuyên giáo là nhằm tham gia khai hóa văn minh cho cộng đồng dân tộc và thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Lịch sử của dân tộc ta mỗi khi qua những khúc quanh, đất nước bị xâm lăng hoặc sau khi chiến thắng, lúc hưng thịnh và lúc suy vong, ta có thể thấy mặt mạnh nổi trội là văn hóa trong giữ nước. Đặc biệt với vai trò quan trọng, dẫn dắt của công tác tuyên giáo nếu có cách làm khoa học.

Tuyên giáo phải vừa khoa học vừa chính trị

Mục đích đầu tiên và quan trọng nhất của công tác tuyên giáo là nhằm tham gia khai hóa văn minh cho cộng đồng dân tộc và thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa là sự nghiệp lâu dài vừa là trước mắt, vừa có tính chất khoa học vừa mang tính chính trị. Trong thực tế không ít trường hợp không tránh khỏi sự mâu thuẫn giữa tính khoa học và tính chính trị. Nên giải quyết thế nào? Phải dựa vào khoa học để làm căn cứ xác định và điều chỉnh các yêu cầu chính trị, chứ không phải ngược lại là lấy chính trị để bắt khoa học phải tuân theo, vì nếu vậy thì khoa học không còn là khoa học, và do đó các căn cứ để quyết định nhiệm vụ chính trị không còn đứng vững và chính trị chắc chắn sẽ bị chông chênh.
Chính vì lẽ đó mà nhiều việc trong đời sống xã hội đã bị chính trị hóa, kể cả khoa học và tư tưởng, ngôn luận. Mặt khác, cái lâu dài và cái trước mắt không phải lúc nào cũng thuận chiều nhau; khoa học định hướng cho lâu dài, nhưng chính trị nhiều lúc phải giải quyết yêu cầu bức xúc trước mắt. Trong trường hợp đó mục đích lâu dài phải được phân kỳ, có quá trình, có bước đi phù hợp hoàn cảnh thực tế. Chỉ có điều sự phân kỳ đó có giới hạn và không trái ngược với khoa học, có vậy chính trị mới có thể thành công bền vững.
Trường hợp khác, nếu bất chấp khoa học, thì chính trị sẽ mất tính khách quan, không còn sức sống tự nó, bị xơ cứng và giảm tính thuyết phục, giảm lòng tin, từ đó mà hỏng nền tảng. Ngay cả quan niệm chính trị cũng không nên khuôn lại trong giới hạn của vấn đề quyền lực và xử lý tình huống, mà phải có cách tiếp cận của khoa học chính trị, không áp đặt kiểu cai trị ngày xưa mà thuyết phục bằng cơ sở khoa học trong môi trường dân chủ xã hội.
Khai hóa văn minh mới là sự dẫn dắt thật sự có ý nghĩa với tiến trình lịch sử. Khi nào các cơ quan lãnh đạo cao nhất lấy sự nghiệp khai hóa văn minh làm nhiệm vụ chính trị hàng đầu, mục tiêu cao nhất thì các mâu thuẫn giữa chính trị và khoa học sẽ không còn nhiều, thậm chí rất ít, chỉ là chuyện kỹ thuật.
Lâu nay nhiệm vụ chính trị quy định công tác tuyên giáo, còn công tác tuyên giáo thì tập trung phục vụ chính trị, nặng về tuyên truyền, quán triệt. Ngay cả lý luận đáng lý là một khoa học thì cũng do chính trị quy định. Không ít lý lẽ được sinh ra từ yêu cầu chính trị trước mắt. Công tác tuyên giáo là tư duy và ngôn luận. Tư duy không thể không có tự do và theo đó ngôn luận cũng vậy. Nếu công tác tuyên giáo hoàn toàn lệ thuộc, bị thụ động một chiều, mất đi tính tự do và sáng tạo, cũng có nghĩa là mất đi sức sống và tính thuyết phục, do vậy mà trở nên xơ cứng, từ đó không đạt được kết quả như mong muốn. Trong thực tế, rất nhiều trường hợp, ưu và khuyết điểm của nhiệm vụ chính trị là sự tác động, bắt nguồn, dẫn đến ưu khuyết điểm của công tác tuyên giáo. Theo lý thuyết thì tuyên giáo có quyền đề xuất những vấn đề khác với chủ trương của chính trị, thậm chí là ngược lại, và như vậy sẽ góp phần làm cho chính trị đúng đắn hơn.

Tuyên giáo nhân lên sức mạnh chân chính

Trong dòng máu của dân tộc này đã có truyền thống yêu nước, văn hóa giữ nước hun đúc từ bao đời. Cái giỏi của những người lãnh đạo là đã biết phát huy tinh thần dân tộc, sức mạnh vô cùng lớn lao từ nhân dân. Ngày đó, mục tiêu và khẩu hiệu lớn nêu ra là “Dân tộc, dân chủ”. Nhiệm vụ chính trị đó phù hợp lòng dân, là mong muốn chính đáng và bức xúc của cả dân tộc. Nên tự nó, nhiệm vụ chính trị đã có sức mạnh hiệu triệu muôn người. Trong trường hợp ấy, bản thân chính trị đã có sức cảm hóa thuyết phục, đã là tuyên giáo rồi. Còn công tác tuyên giáo thì đã biết nhân lên sức mạnh của chính trị chân chính. Còn mục tiêu dân chủ? Ngày chưa giành được chính quyền ta hiểu vấn đề dân chủ tuy không sai nhưng chưa đầy đủ và quá đơn giản. Lúc đó, dân chủ được hiểu là lật đổ chế độ quân chủ của vua, xóa bỏ phong kiến và lập ra nhà nước dân chủ của nhân dân. Nếu chỉ có như vậy thì sau cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 về cơ bản đã giải quyết xong rồi. Nhưng trên thực tế thì vấn đề dân chủ còn rất nhiều việc chưa được giải quyết, thậm chí có những nội dung rất cơ bản thuộc về nền tảng vẫn chưa giải quyết được.
Bác Hồ có nói một câu nổi tiếng là, nếu nước độc lập mà dân không được hưởng tự do và hạnh phúc thì độc lập cũng chưa có nghĩa lý gì. Như vậy, theo tư duy của Người, độc lập là để cho nhân dân được tự do và hạnh phúc, tự do và hạnh phúc là mục đích của độc lập, chưa đạt được điều đó thì mục đích của độc lập vẫn chưa xong. Mà để có một xã hội thật sự dân chủ và nhân dân ai cũng được hạnh phúc thì còn rất gian nan.
Từ năm 1945 đến nay đã 75 năm, đã có những tiến bộ đáng kể trên tiến trình dân chủ, nhưng công bằng mà nói hãy còn ít và con đường vẫn còn rất xa. Tất nhiên nói khoảng cách xa gần ở đây là nói trong tư duy chậm đổi mới, chứ thực ra chỉ cần thay đổi cách suy nghĩ thì lập tức có thể tạo ra những bước tiến mang dấu ấn sâu sắc trong lịch sử phát triển của dân tộc. Mục tiêu dân tộc và dân chủ đã từng là sức mạnh của cả một dân tộc, hiện nay vẫn thế và lâu dài cũng vậy. Nếu một lúc nào đó bị sao nhãng, lơ là đối với mục tiêu này, không thường xuyên lo nghĩ và phấn đấu cho nó, thì sẽ mất sức mạnh bắt nguồn cội rễ từ lòng dân. Dân chủ đến bao nhiêu là thể hiện trình độ văn minh và tính nhân văn của xã hội. Dân chủ là bản chất tốt đẹp của xã hội tiến bộ. CNXH nhất quyết phải là một chế độ dân chủ thật sự.
(còn tiếp)
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.