60 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3.3.1959 - 3.3.2019): Can trường trên đỉnh Tây nguyên

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
03/03/2019 07:59 GMT+7

Trước khi chúng tôi lên Đồn biên phòng Sông Thanh, đại tá Phạm Cảnh Toàn, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội biên phòng Kon Tum, dặn đi dặn lại: “Lên đến nơi thấy mưa là phải rút ngay, kẻo phải nằm lại cả tuần”...

"Ruồi vàng, bọ chó, gió Đắk Glei"

Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Đào Đại Nghĩa là nhân viên vận động quần chúng của Đồn biên phòng (ĐBP) Sông Thanh (xã Đắk Blô, H.Đắk Glei, Kon Tum) có gần 20 năm bám trụ ở các buôn làng, núi rừng huyện miền núi biên giới Đắk Glei. Ngồi nói chuyện với tôi nhưng Nghĩa giấu tay dưới gầm bàn, do bàn tay bị sưng tấy, xám đen và lở loét. “Ruồi vàng đốt. Mỗi lần đi rừng tuần tra về là bị vậy. Ruồi vàng, bọ chó, gió Đắk Glei”, Nghĩa nói.
Buổi trưa ở ĐBP Sông Thanh, trung úy Nguyễn Thanh Hải vội vàng đẩy tôi vào phòng ở, đóng sập cửa: “Mở thế này, ruồi vàng nó ùa vào đốt chết”.
Đứng ở ĐBP Đăk Blô, H.Đăk Glei, nhìn về ngọn núi chìm trong biển mây phía đông bắc, đại úy quân nhân chuyên nghiệp Hoàng Văn Sùng bảo: “Khu vực này cao hơn mặt nước biển 1.800 m, còn ngọn núi Pêng Ơi (núi Cơm) kia thì với tay lên là... đụng trời. Đi theo dốc Pêng Hu mới tới Đồn Sông Thanh ẩn dưới núi Pêng Ay kia, giáp với Lào. Mấy hôm nay nắng mới đi xe 2 cầu vào tận nơi, mưa thì chỉ có cách đi bộ gần 20 km từ Trạm kiểm soát cửa khẩu Đắk Blo vào đồn. Sông Thanh khó khăn nhất trong các ĐBP của tỉnh. Mỗi năm chỉ có 2 - 3 tháng nắng, còn lại mưa suốt”.
Thượng tá Võ Thanh Sơn, quê Quảng Bình, chính trị viên ĐBP Sông Thanh, kể: Mưa, mây, sương, vắt với ruồi vàng là “đặc sản” ở đây. Mưa liên miên, có khi 3 - 4 tháng không thấy mặt trời. Lương thực, thực phẩm phải đi bộ 20 km ra trạm phía ngoài gùi cõng vào, tuần 2 lần và ai đi cũng phải mang theo tấm ván để buộc chân vượt sình.
60 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3.3.1959 - 3.3.2019): Can trường trên đỉnh Tây nguyên1
Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Đào Đại Nghĩa và đôi tay lở loét bởi ruồi vàng

Trồng rau, kiếm củi để dành

3 tháng nắng là khoảng thời gian hạnh phúc của bộ đội. Không chỉ mang hết quần áo, chăn màn ra phơi mỗi ngày, lính ta còn tập trung trồng rau, kiếm củi. Rau phơi khô, làm thức ăn trong 9 tháng còn lại; củi để dành.
180 km đi từ TP.Kon Tum lên đồn, bây giờ xe 2 cầu tay lái cứng đi đường quen ngày nắng cũng phải nửa ngày, thế nên mấy năm trước Chỉ huy Đồn Sông Thanh mỗi năm chỉ về Bộ chỉ huy duy nhất 1 lần để họp Đảng ủy. Đồn nằm heo hút giữa rừng, giáp với vùng rừng sâu núi thẳm. Có năm, đoàn thăm tặng quà chúc tết không vào được đồn, phải gọi đại diện đi bộ ra ngoài trạm để trao.
Quản lý hơn 18 km đường biên và 8 cột mốc giáp nước bạn Lào, nhưng ĐBP Sông Thanh là đồn duy nhất trong toàn tỉnh chưa có đường tuần tra biên giới, nên mỗi chuyến tuần tra phải chuẩn bị trước cả tuần. Ngoài tăng võng để ngủ nghỉ, phải mang lương thực thực phẩm, nồi niêu xoong chảo nấu ăn và nhất là dao rựa để phát cây bụi tìm đường mòn lên dốc. “Từ mốc 736 đến mốc 743, đi nhanh cũng phải 6 ngày. Mỗi tháng phải tuần tra đơn phương 2 lần. Mỗi quý tuần tra song phương 1 lần với đại đội bảo vệ biên giới 532 của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sê Kông (Lào). Ngoài ra còn phải nắm bắt, quản lý địa bàn”, thượng tá Võ Thanh Sơn nói.
Thượng tá Sơn nhập ngũ gần 30 năm nay nhưng vợ con vẫn ở Tuyên Hóa (Quảng Bình), mỗi năm phải xin chia phép làm 2 lần vào dịp tết và hè để sum vầy với vợ con. “Cách 1 năm thì ở lại trực tết 1 lần. Không dám kể chuyện gian khổ trong này kẻo mọi người lại lo lắng”, thượng tá Sơn chia sẻ.
Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng, Đồn trưởng ĐBP Sông Thanh, nhà ở TP.Vũng Tàu, cả năm về nhà 2 - 3 lần và vợ con không hề biết cuộc sống của anh ở nơi heo hút nhất Tây nguyên.
60 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3.3.1959 - 3.3.2019): Can trường trên đỉnh Tây nguyên2
Cán bộ ĐBP Sông Thanh và Chỉ huy Đại đội bảo vệ biên giới 532 thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sê Kông (Lào) thăm hỏi em Kay Si (thứ 3 từ phải qua) ẢNH: M.T.H

Nghĩa tình vùng biên

Tôi đến ĐBP Sông Thanh đúng dịp những ngày nắng tháng 3.2019. Chiều chưa tắt nắng, cán bộ chiến sĩ ùa ra vườn tăng gia chăm tưới rau củ, ao cá, chuồng gia súc, gia cầm. Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng kể: Đợt lũ cuối năm 2018, đồn bị mất 4 con bò, 13 con lợn và cả tấn cá nuôi, nhưng nhờ “tăng gia theo mùa” nên anh em ăn tết cũng không thiếu gì. Ở đây mưa dầm nên rau xanh không phát triển. Sản xuất tăng gia nhằm vào 3 tháng nắng: rau cải, bí đao, bí đỏ, rau lang... Sau đó, rau thì muối, bí thì chất vào kho ăn dần, đảm bảo cho cả đồn dùng quanh năm.
Mấy hôm ở ĐBP Sông Thanh, tôi được đi cùng để chứng kiến cán bộ đồn sang tận làng Đắk Ba, H.Đắk Chưng, tỉnh Sê Kông (Lào) thăm, trợ cấp em Kay Si (13 tuổi, học lớp 7). Bố của Kay Si là ông Nguyễn Phước, đã có thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ĐBP Đắk Blô (Kon Tum) và mất năm 2016 trong khi đi rừng. Gia đình Kay Si thuộc diện đói nghèo của làng Đắk Ba, nên sau khi ông Phước mất, ĐBP Sông Thanh (Đắk Glei) đã nhận đỡ đầu để chăm nuôi với hỗ trợ 500.000 đồng/tháng, từ đóng góp của cán bộ chiến sĩ trong đơn vị. ĐBP Sông Thanh còn nhận nuôi 2 học sinh khác là A Lực, 14 tuổi đang học lớp 9, Trường phổ thông dân tộc nội trú H.Đắk Glei. A Lực ở làng Penglang, xã Đắk Blô, H.Đăk Glei, có bố mất sớm, gia đình quá nghèo, nhưng em lại học rất giỏi; A Bạc, cũng ở làng Penglang, đang học lớp 7, Trường phổ thông cơ sở dân tộc bán trú Đăk Blô. A Bạc cũng được cán bộ chiến sĩ ĐBP Sông Thanh nhận nuôi dưỡng từ năm 2016, do gia đình đói nghèo, bố mẹ đau yếu.
Thượng tá Phim La, Đại đội trưởng Đại đội bảo vệ biên giới 532 thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sê Kông (Lào) đóng quân ở gần làng Đắk Ba (H.Đắk Chưng, Sê Kông), nói với tôi khi gặp nhau ở nhà cậu bé Kay Si: “Bộ đội ĐBP Sông Thanh sống nơi rừng thiêng nước độc, không có người dân. Khổ như vậy mà mỗi năm huy động, xin được các nhà hảo tâm bao nhiêu thực phẩm, quần áo, đồ dùng và đưa cả đoàn bác sĩ đến khám bệnh cho người dân Lào bên này”.
Lên Đắk Glei (Kon Tum), đến đâu cũng nghe chuyện về thiếu tướng Đinh Hồng Đe (72 tuổi, người dân tộc Giẻ Triêng, nguyên Phó tư lệnh Bộ đội biên phòng (BĐBP), đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XI và khóa XIII) ở xã Đắk Blô, H.Đắk Glei. Ông tên thật là A Đe, tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi và trưởng thành từ Phân đội trinh sát An ninh vũ trang (H9) tỉnh Kon Tum, tham gia các chiến dịch trên địa bàn Tây nguyên. Trong một lần hành quân, đơn vị bị máy bay Mỹ tấn công. Người đội trưởng có tên Đinh Đen (dân tộc H’rê, quê Quảng Ngãi) đã lấy thân mình che A Đe. Để nhớ ơn, A Đe tự nguyện đổi tên thành Đinh Hồng Đe (Đinh là họ, còn Hồng có nghĩa là máu của đội trưởng).
Sau ngày thống nhất, ông Đinh Hồng Đe được chuyển công tác sang CAND vũ trang (nay là BĐBP) và năm 1995 được bổ nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng BĐBP Kon Tum, trúng cử ĐBQH (khóa XI). Tháng 2.2004, đại tá Đinh Hồng Đe được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó tư lệnh BĐBP, phong quân hàm thiếu tướng. Năm 2009, thiếu tướng Đe nghỉ hưu. Năm 2011, ông lại được tín nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh và lần thứ hai trúng cử ĐBQH (khóa XIII).
Trong suốt những năm công tác, ông đã cùng các thế hệ BĐBP Kon Tum vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục, lối canh tác lạc hậu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng cuộc sống mới ấm no theo chủ trương của Đảng và chính sách của nhà nước. Người Giẻ Triêng ở các xã Đắk Long, Đắk Blô không quên công của ông và BĐBP giúp dân xây dựng cuộc sống mới. Bên cạnh đó, dưới sự chỉ huy của ông, chủ trương xây dựng hệ thống giao thông hình xương cá tỏa đi các ĐBP, các xã dọc biên giới từ H.Ngọc Hồi đến Sa Thầy được triển khai thực hiện, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.