6 người nghi ngộ độc sau ăn pate chay: Hết thuốc giải độc

27/03/2021 06:19 GMT+7

Chiều 26.3, bác sĩ Trần Văn Sóng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), cho biết bệnh viện đã có báo cáo Sở Y tế về tình hình 4 ca nghi ngộ độc pate chay nhập bệnh viện này.

2 bệnh nhân không có thuốc giải độc

Theo đó, Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 có tiếp nhận 4 trường hợp nghi ngộ độc pate chay, đều là nữ. Theo lời người nhà, cả 4 trường hợp đều ăn đồ chay (bún riêu chay, chả chay, pate chay) tại miếu Chiêu Liêu (khu dân cư Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương). Trong số đó có pate chay bị hỏng nắp, có vị chua. Sau khi ăn pate chay, các bệnh nhân (BN) xuất hiện triệu chứng giống nhau: khó nói, yếu cơ, khó thở, diễn biến suy hô hấp nhanh. Hiện 4 BN được đặt nội khí quản, thở máy hỗ trợ hô hấp, điều trị tích cực tại khoa hồi sức - tích cực và chống độc, nghi ngộ độc Clostridium Botulinum.

Nhờ thuốc 8.000 USD, bệnh nhân ngộ độc pate Minh Chay đã cử động được

Tối 25.3, BV Bạch Mai đã chuyển vào BV Nhân dân 115 2 lọ thuốc giải độc có tên là Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) và 2 BN được tiêm thuốc giải độc. Cụ thể, BN C.N.H (53 tuổi, ngụ Bình Dương) sau tiêm hiện tiếp xúc hiểu, sức cơ tứ chi có cải thiện từ 1/5 lên 2/5, vẫn còn sụp mi. BN Đ.Đ.L.U (42 tuổi, ngụ Bình Dương) sau tiêm thuốc giải độc thì tiếp xúc hiểu, sức cơ tứ chi có cải thiện từ 2/5 lên 3/5, sụp mi, gọi hé mắt. BN T.T.N.Đ (43 tuổi, ngụ Bình Dương) hiện tiếp xúc được, gọi hé mắt, sức cơ tứ chi 3/5. BN T.N.K.N (22 tuổi, Bình Dương, cháu BN T.T.N.Đ) hiện gọi mở mắt chậm, sức cơ tứ chi 3/5, sụp mi.
Tuy nhiên, các BN trên vẫn trong tình trạng nặng. “Chỉ có 2 hộp thuốc giải độc tiêm cho 2 BN, 2 BN còn lại BV đang tính toán phương án thay huyết tương, lọc máu để thải độc phần nào hay phần đó”, lãnh đạo BV Nhân dân 115 cho biết.
Còn BN P.N.T.T (16 tuổi, ngụ Bình Dương) đang sau tiêm thuốc giải độc (do BV Bạch Mai đưa vào) tại BV Nhi đồng 2 thì sức cơ đã cải thiện ít, hiện vẫn thở máy. Như vậy, đến nay chùm ca bệnh 6 người nghi ngộ độc sau khi ăn pate chay, 4 người nhập viện BV Nhân dân 115, 1 người nhập viện BV Nhi đồng 2 và 1 người nhập viện BV Chợ Rẫy. Người nhập viện BV Chợ Rẫy là bà C.N.M (42 tuổi, ngụ Bình Dương) biến chứng nặng, người nhà xin đưa về và đã tử vong.

Bình Dương báo cáo gì ?

Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Bình Dương, ngày 20.3, bà C.N.H, bà C.N.M đến miếu Chiêu Liêu nấu bún riêu để ăn trưa. Khoảng 11 giờ 30 cùng ngày, có khoảng 25 - 30 người ăn là phật tử đang sinh hoạt tại miếu Chiêu Liêu. Miếu này do ông Cao Văn Phước chủ trì (ông Phước là cha của bà C.N.H và bà C.N.M). Sau bữa ăn, về nhà, bà C.N.H có biểu hiện chóng mặt, mờ mắt, cứng lưỡi, khó nuốt. Đến 6 giờ sáng 21.3, bà C.N.H được đưa đến BV đa khoa tư nhân Bình Dương. Đến 13 giờ cùng ngày, bà được chuyển đến BV Nhân dân 115 (TP.HCM). Bà C.N.M sau bữa ăn có triệu chứng tương tự được chuyển đến BV Chợ Rẫy và tử vong sau đó. Con của bà C.N.M là P.T.T.T được chuyển đến BV Nhi đồng 2 điều trị nghi nhiễm độc Botulinum Toxin. Người nhà BN C.N.H thông tin, bà C.N.M là người đi chợ mua các nguyên liệu để nấu bún riêu, trong đó có chả, pate chay.

Truy nguồn gốc

Liên quan các trường hợp nguy kịch do độc tố Botulinum tại tỉnh Bình Dương, ngày 26.3, Cục ATTP (Bộ Y tế) có công văn đề nghị Sở Y tế tỉnh Bình Dương khẩn trương chỉ đạo và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tại địa phương thông báo rộng rãi cho cộng đồng, để người dân đã từng đến tham dự bữa trưa ngày 20.3 tại miếu Chiêu Liêu đến khai báo tại cơ sở y tế gần nhất. Đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường về sức khỏe, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Cục trưởng Cục ATTP, Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo liên ngành T.Ư về ATTP cũng có văn bản đề nghị Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT) chỉ đạo đơn vị chức năng của ngành nông nghiệp phối hợp cơ quan chức năng xác minh, điều tra nguyên nhân vụ việc; truy xuất nguồn gốc, tạm dừng việc lưu thông, sử dụng sản phẩm pate nghi ngờ gây ngộ độc và xử lý theo quy định của pháp luật.
Chủ trì miếu Chiêu Liêu và bà Lê Thị Cách (người làm công quả) thông tin bà C.N.H và bà C.N.M là người trực tiếp mua nguyên liệu và chế biến các món ăn gồm: bún riêu, cơm, khổ qua kho, đậu hũ kho, cà chua, chè thập cẩm, trà tắc. Hiện bà C.N.H đang nằm viện và bà C.N.M đã qua đời nên không xác định được nguyên liệu đã mua và nơi mua. Bà Cách cũng có dùng bữa trưa hôm đó và sức khỏe bình thường.
Ngày 26.3, Chi cục ATVSTP tỉnh Bình Dương phối hợp các chi cục chuyên môn thuộc Sở NN-PTNT, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49), Phòng Y tế, Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố của tỉnh tiếp tục điều tra thông tin liên quan đến vụ việc và lấy mẫu chả chay (bao gói kín) và pate chay trên thị trường và tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh để gửi xét nghiệm tìm vi khuẩn và độc tố của Clostridium Botulinum...

Nằm viện hơn một tháng mới biết bị ngộ độc pate Minh Chay

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.