500 người trúng cử đại biểu Quốc hội XV, 1 người không được xác nhận tư cách

Lê Hiệp
Lê Hiệp
10/06/2021 17:29 GMT+7

Cuộc bầu cử Quốc hội ngày 23.5.2021 đã bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội khóa XV nhưng 1 trường hợp không được xác nhận tư cách "vì không bảo đảm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội".

Không xác nhận tư cách 1 người trúng cử

Chiều 10.6, Hội đồng Bầu cử quốc gia tổ chức họp báo công bố Nghị quyết về kết quả bầu cử và danh sách người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.
Báo cáo nhanh về kết quả bầu cử Tổng thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường, tổng hợp báo cáo của các địa phương, tổng số cử tri cả nước hơn 69,5 triệu, tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu là gần 69,3 triệu (đạt 99.60%).
So với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, ông Cường so sánh, tổng số cử tri của cuộc bầu cử lần này nhiều hơn 2,037 triệu cử tri và số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu cũng nhiều hơn gần 2,2 triệu cử tri, cao hơn 0,25% so với nhiệm kỳ trước.
Thông tin về kết quả bầu cử ĐBQH khoá XV, ông Cường cho biết, trong cuộc bầu cử ngày 23.5.2021, cử tri cả nước đã bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội khóa XV.
Tuy nhiên, quá trình xem xét xác nhận tư cách người trúng cử theo quy định của pháp luật, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã quyết định không xác nhận tư cách của 1 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV vì không bảo đảm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật tại đơn vị bầu cử số 1 thuộc tỉnh Bình Dương.
Do đó, Hội đồng Bầu cử quốc gia xác định có 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV (đạt 99,8%). Nghị quyết của Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng công bố 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.
Tuy nhiên, ông Cường không thông tin người trúng cử không được xác nhận tư cách tại tỉnh Bình Dương là ai.

194 đại biểu chuyên trách, 4 người tự ứng cử trúng cử

Trong danh sách 499 được công bố chính thức, có 194 đại biểu do các cơ quan, tổ chức ở T.Ư giới thiệu trúng cử, gồm 11 người cơ quan Đảng; 3 người thuộc cơ quan Chủ tịch nước; 126 người thuộc cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; 15 người thuộc khối Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ (gồm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an).
Cũng trong danh sách những người trúng cử có 12 người thuộc khối quân đội (cơ quan Bộ, các quân khu, quân chủng, binh chủng và lĩnh vực trọng yếu); 2 người thuộc Bộ Công an; 22 người thuộc cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên. TAND tối cao; VKSND tối cao và Kiểm toán Nhà nước mỗi nơi 1 người.
Danh sách trúng cử còn có 301 người do các cơ quan, tổ chức ở địa phương giới thiệu có 301 người trúng cử. Có 4/7 người tự ứng cử trúng cử nhiệm kỳ này.
Tính riêng số đại biểu hoạt động chuyên trách, theo ông Cường, ở T.Ư có 126 trúng cử còn ở địa phương là 67 người.

Trình độ chuyên môn cao hơn nhiệm kỳ trước

Phân tích danh sách người trúng cử theo cơ cấu, trình độ cho thấy, trong 499 người có 151 là nữ (30,26%). Đại biểu là người dân tộc thiểu số là 89 người (17,84%); đại biểu trẻ dưới 40 tuổi là 47 người (9,42%).
14 đại biểu là người ngoài Đảng (2,81%); 203 người là đại biểu khóa XIV tái cử hoặc đã từng là đại biểu Quốc hội các khóa trước (40,68%). 296 người lần đầu tham gia Quốc hội (59,32%).
Xét về trình độ chuyên môn, có 392 người trình độ trên đại học (78,55%), trong đó trình độ tiến sĩ là 144 người, thạc sĩ là 248 người; đại học là 106 người (21,24%). Chỉ 1 người có trình độ dưới đại học (0,20%).
Ngoài ra, còn có 12 người trúng cử có học hàm giáo sư (2,40%) và 20 người học hàm phó giáo sư (4%).
Đánh giá về kết quả trên, ông Cường cho rằng, cơ cấu thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV đã giảm đại biểu kiêm nhiệm làm việc trong các cơ quan hành pháp, tư pháp, tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách.
Dù tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách chưa đạt 40% so với quy định nhưng theo ông Cường, lần đầu tiên trong các nhiệm kỳ Quốc hội, tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trúng cử cao, đạt 38,6% tổng số đại biểu Quốc hội.
Tuy nhiên, so với yêu cầu về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trong luật Tổ chức Quốc hội thì còn thiếu 1,4%. Trong quá trình hoạt động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, điều chỉnh để bảo đảm tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đạt 40% theo quy định.
Vẫn theo ông Cường, các cơ cấu kết hợp như tỷ lệ đại biểu trẻ tuổi, đại biểu là người dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử đều đạt hoặc vượt so với chỉ tiêu đặt ra. Đặc biệt, cũng lần đầu tiên trong các nhiệm kỳ Quốc hội, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là phụ nữ đạt trên 30% - cao nhất từ trước đến nay.
Tương tự, trình độ chuyên môn của những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV cao hơn so với nhiệm kỳ trước (tỷ lệ trên đại học đạt 78,56%, cao hơn 16% so với khóa XIV).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.