‘5 triệu yen trong thùng loa’ là của một người Nam Phi?

27/04/2015 21:12 GMT+7

(TNO) Người phụ nữ tới Công an Q.Tân Bình làm đơn nhận lại 5 triệu yen Nhật được xác đinh bà Phạm Thị Ngọt (40 tuổi, ngụ H.Hóc Môn).

(TNO) Người phụ nữ tới Công an Q.Tân Bình (TP.HCM) làm đơn nhận lại 5 triệu yen là bà Phạm Thị Ngọt (40 tuổi, ngụ H.Hóc Môn).

Bà Ngọt đang vẻ lại hình máy nghe nhạc mà bà nghi ngờ ông Caleb giấu tiền trong đó - Ảnh: Công NguyênBà Ngọt đang vẻ lại hình máy nghe nhạc mà bà nghi ngờ ông Caleb giấu tiền trong đó - Ảnh: Công Nguyên
Chị Huỳnh Thị Ánh Hồng, người nhặt được 5 triệu yen - Ảnh: Lam Ngọc
Tối 27.4, tiếp chúng tôi trong ngôi nhà tại xã Xuân Thới Đông, H.Hóc Môn (TP.HCM) bà Ngọt trình bày: “Tôi nghi ngờ 5 triệu yen mà chị Hồng nhặt được trong chiếc thùng loa năm trước là của chồng tôi. Vì vậy tôi đã làm đơn gửi đến TAND và Công an Q.Tân Bình tạm hoãn việc trả tiền cho cô ấy”.
Theo bà Ngọt, chồng bà tên Afolayan Caleb (48 tuổi, quốc tịch Nam Phi). Từ năm 2003 đến 2005, ông Caleb dạy tiếng Anh và phụ bán ô tô tại Nhật Bản. Sau đó ông Caleb đến VN du lịch và ở lại dạy học. Năm 2009, ông Caleb tới ấp Xuân Thới Đông 2, xã Xuân Thới Đông ở. Năm 2012, bà Ngọt và ông Caleb kết hôn. Trong những năm ở VN, ông Caleb ba lần chuyển nhà (Q.1, Q.12 và H.Hóc Môn).
Cuối năm 2012, ông Caleb bị bệnh nằm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy và có nói cho bà Ngọt biết về việc ông có 6 triệu yen Nhật cất trong thùng hay để đâu đó trong nhà, nhờ bà kiếm giúp để lấy tiền chữa bệnh. Bà Ngọt về nhà tìm khắp nơi nhưng không thấy. Đến 6.2013, ông Caleb phải trở về nước lo chuyện gia đình, bà Ngọt ở lại trông nhà. Ngày 1.9.2013, bà Ngọt dọn dẹp nhà cửa và phát hiện máy nghe nhạc cũ của ông Caleb bị hỏng. Một số người mua ve chai hỏi mua nhưng bà Ngọt không bán. Khoảng tháng 11.2013, bà Ngọt đưa máy nghe nhạc này cho ông Hòa (anh họ của bà, ở Q.Bình Tân) để sử dụng.
Cuối tháng 3.2014, tình cờ bà Ngọt đọc trên mạng thấy bài viết “Tỉ phú ve chai” nên nghi ngờ tiền đó là của chồng mình.
Bà Ngọt gọi cho ông Hòa hỏi cái máy nghe nhạc nhưng ông Hòa nói bán ve chai. Sau đó, ông Hòa và bà Ngọt tới Công an Q.Tân Bình trình báo.
“Hiện tại tôi đã báo cho chồng tôi, ổng sẽ sớm làm đơn trình báo và chứng minh số tiền đó là của ổng. Hiện tại tôi chỉ chờ ông về lại VN giải quyết”, bà Ngọc cho biết.
Khi hỏi về nguồn gốc và phương thức vận chuyển 6 triệu yen về VN, bà Ngọt nói: “Tôi chỉ nghe chồng tôi kể chứ chưa bao giờ thấy số tiền đó, cũng như chưa từng hỏi về số tài sản của ông”.
 
Chiều 27.4, trao đổi với PV Thanh Niên Online về một số tình huống pháp lý phát trinh trong vụ “Tỉ phú ve chai”, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, người nộp đơn yêu cầu muốn nhận tài sản phải chứng minh số tiền trên là thuộc sở hữu hợp pháp. Người phụ nữ cho rằng số tiền này là của chồng mình thì phải chứng minh được nguồn gốc cũng như phương thức gửi tiền. Nếu gửi qua ngân hàng phải có chứng từ của ngân hàng, nếu gửi bằng các phương thức khác cũng phải có đầy đủ chứng từ hợp pháp.
Một vấn đề mà luật sư Chánh lưu ý đó là nếu xác định đây là ngoại tệ gửi từ nước ngoài về thì nhất định phải được gửi theo con đường hợp pháp. Tức là phải thông qua ngân hàng, hoặc nếu gửi bằng đường khác cũng phải được khai báo với cơ quan chức năng.
"Mọi cách thức chuyển tiền từ nước ngoài về VN bất hợp pháp đều không được công nhận, thậm chí còn có thể bị xử lý hình sự", luật sư Chánh khẳng định.
Theo luật sư Chánh, nếu vận chuyển bất hợp pháp số tiền lớn như vậy qua biên giới thì người chuyển tiền có thể bị khởi tố theo Điều 154 Bộ luật Hình sự về tội "vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.