48 năm - Lời khẩn thiết từ trận tập kích kinh hoàng

Trương Quang Nam
Trương Quang Nam
25/07/2018 05:00 GMT+7

Ngày 1.5.1970, hàng loạt máy bay Mỹ bất ngờ ập đến tập kích các đơn vị làm nhiệm vụ trên đường 16 - tuyến giao thông chiến lược vượt Trường Sơn... Hàng loạt thanh niên xung phong và bộ đội đã ngã xuống.

Khắc khoải về trận tập kích 48 năm trước
Đúng ngày Quốc tế Lao động 1.5.1970, hàng loạt máy bay Mỹ bất ngờ ập đến tập kích các đơn vị làm nhiệm vụ trên đường 16 - tuyến giao thông chiến lược vượt Trường Sơn từ H.Lệ Thủy (Quảng Bình) qua Quảng Trị và sang Lào. Hàng loạt thanh niên xung phong và bộ đội đã ngã xuống...
Đường 16 là một trong bốn tuyến đường ngang vượt Trường Sơn tại đất Quảng Bình chi viện cho chiến trường miền Nam. Vì sát giới tuyến quân sự tạm thời và là con đường tiếp cận ngắn nhất với vĩ tuyến 17 nên có vai trò rất quan trọng. Trên tuyến có nhiều địa điểm tập kết kho lương thảo, thiết bị nên trở thành những tọa độ lửa bị bắn phá ác liệt.
Lời kể của những người đi chôn cất
Sau khi tiếp nhận lời khẩn cầu vào cuộc xác minh về thảm trận “1.5.1970” tại khu vực Bang nằm trên đường 16 (thuộc xã Kim Thủy, H.Lệ Thủy), tôi đã lật giở nhiều tài liệu lịch sử nhưng không thấy có thông tin nào nhắc đến trận oanh tạc đó. Với sự trợ giúp của anh Hoàng Gia, Trưởng đài truyền thanh - truyền hình Lệ Thủy và thầy giáo Ngô Mậu Tình, chúng tôi đã gặp một số “nhân chứng sống” của trận chiến; mặc dù tuổi đã cao nhưng tất cả còn minh mẫn.
Ông Lê Ngọc Viếng, nguyên Phó chủ tịch UBND H.Lệ Thủy thời kỳ đó, nhớ lại: “Đúng ngày 1.5, mình bị địch tập kích bất ngờ xuống địa điểm trên. Ban Thường vụ Huyện ủy và Thường trực Ủy ban phân công tôi lên xã Trường Thủy lấy một đại đội dân quân vào Bang khắc phục hậu quả. Dù huy động anh em xách nước từ khe Bang để chữa cháy nhưng đến 9 giờ 30 (ngày 2.5.1970) thì đành bất lực. Người chết và bị thương rất nhiều; người chết được xe vào chở mang ra ngoài”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hồ Tân Cảnh, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Quảng Bình, cho biết chưa nắm được thông tin trên và khẳng định sẽ xác minh lại, nếu đúng như thế thì cần phải báo cáo, đề xuất lên cấp trên để có những tưởng niệm xác đáng. Tương tự, ông Cao Ngọc Tành, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Quảng Bình, nói: “Thực sự có nhiều trận đánh ác liệt quá nên có thể bị bỏ qua; báo đài phát hiện thông tin là rất quý, hội ủng hộ. Những trận đánh như thế, cả bộ đội lẫn TNXP hy sinh như vậy đều nên có những tấm bia ghi công để tưởng nhớ”.   
Khi được hỏi về trận tập kích 1.5.1970, cựu thanh niên xung phong (TNXP) Lê Thị Xuân (68 tuổi, ở xã Xuân Thủy) nhớ lại: “Lúc đó tôi là dân quân xã Phú Thủy. Nhiều người chết lắm, họ còn trẻ, đa số người Nam Hà. Chúng tôi trực tiếp mai táng, đào hố chôn vào ban đêm khi hết pháo sáng. Thi thể được quấn băng với bạt”.
Còn ông Nguyễn Đức Nhậm (85 tuổi, Xã đội trưởng xã Mai Thủy thời kỳ 1965 - 1973) cho biết: “Sáng 1.5.1970 địch tập kích tại Bang, đánh vào tổng đội kho Bang, có 1 đại đội TNXP làm nhiệm vụ ở đó. Chúng tôi chôn cất 26 tử sĩ và sau này đã cất bốc các ngôi mộ vào Nghĩa trang liệt sĩ Mai Thủy”.
Tìm gặp ông Phan Văn Toại (84 tuổi, dân quân du kích có nhiệm vụ vào mai táng TNXP), ông kể: “Tôi ở bên trung đội đặc công của xã Mai Thủy, được điều lên Bang để thu dọn chiến trường. Trung đội Xuân Lai của tôi chôn 3 người đều là nữ và người ngoài miền Bắc. Vào nhận 8 giờ sáng 2.5 nhưng đến 16 giờ mới chôn được vì địch đánh dữ quá. Chúng tôi đào huyệt rất sâu, tôi đứng dưới đáy giơ tay lên mới ngang mặt đất, mỗi mộ chôn đều có bia gỗ”.
Ra đi khi chưa kịp nuốt miếng cơm
Qua các nhân chứng tại Lệ Thủy có thể khẳng định về thảm trận 1.5.1970. Tuy nhiên, họ không hay biết và có manh mối gì về những TNXP hay bộ đội còn sống. Theo lời kể, số người chết lên đến cả trăm và có chi tiết đáng lưu ý là ngoài số liệt sĩ được chôn cất ở trong khu vực thì còn rất nhiều tử sĩ được xe vận tải chở ra hướng bắc (đối chiếu hướng và đi cùng tuyến đường 15 là phía tây H.Quảng Ninh - địa bàn giáp ranh với H.Lệ Thủy).
Thu thập số liệu từ Sở LĐ-TB-XH Quảng Bình cho thấy sự trùng hợp khi có đến 77 ngôi mộ liệt sĩ nằm tại các nghĩa trang ở Quảng Bình cùng có thời gian hy sinh là 1.5.1970; trong đó, 33 ngôi mộ ở Nghĩa trang liệt sĩ Mai Thủy (H.Lệ Thủy), 30 ngôi mộ ở Nghĩa trang liệt sĩ xã Vạn Ninh và Nghĩa trang liệt sĩ TNXP xã Vạn Ninh (H.Quảng Ninh), 13 ngôi mộ ở Nghĩa trang liệt sĩ Ba Dốc (TP.Đồng Hới), 1 ngôi mộ ở Nghĩa trang liệt sĩ xã Đức Ninh (TP.Đồng Hới).
Ông Viếng đang kể lại sự việc
Tìm đến Nghĩa trang liệt sĩ TNXP xã Vạn Ninh, tôi được các cựu TNXP xã dẫn gặp bà Trương Thị Thư là TNXP thuộc đơn vị C753 N119 P31 đóng trên đường 16. Bà kể lại: “Khi chuẩn bị ăn trưa thì máy bay đến thả bom, chết nhiều lắm. Đến buổi chiều quá đói nên ra phía ngoài xin cơm của bộ đội ăn. Đồng đội chết khi chưa kịp ăn, thảm khốc lắm”.
PV Thanh Niên cũng đã liên lạc với ông Nguyễn Xuân Chước (70 tuổi, Đại đội trưởng C753 N119 P31; hiện là Chủ tịch Hội Cựu TNXP P.Quảng Long, TX.Ba Đồn, Quảng Bình), ông cho biết: “Đơn vị tôi đóng ở Km 45 Lâm Xuân trên đường 16 - nơi có kho hàng tiếp viện; đơn vị có 180 người chủ yếu ở H.Quảng Trạch, H.Bố Trạch. Ngày 1.5.1970, vì bị lộ thông tin nên địch đánh từ ngoài Bang đánh vào. Đến 10 giờ sáng 2.5.1970 thì đánh đến Km 45. Lúc đó đơn vị vừa làm đường vừa chuyển gạo lên xe cho một đơn vị bộ đội trong nam ra nhận. Cùng thời điểm có một đơn vị công an vũ trang ở ngoài bắc vào đến, không ngờ trong đoàn có gián điệp nên khi 3 đơn vị tập trung lại một chỗ thì bị chỉ điểm cho máy bay đến đánh dồn dập. Đơn vị tôi chết 5 người, trong đó có đồng chí Hoàng Thị Đào, Đại đội phó, người xã Quảng Minh, TX.Ba Đồn; bộ đội chết nhiều, bị thương cũng nhiều, tôi cũng bị thương nặng ở hai mắt. Người chết được chôn tạm thời sau đó đưa ra ngoài, người bị thương được đưa ra bệnh viện ở Vạn Ninh, H.Quảng Ninh”.
Từ thông tin này, tôi tiếp tục lọc danh sách mộ liệt sĩ tại Sở LĐ-TB-XH thì cho kết quả có 17 liệt sĩ hy sinh đúng ngày 2.5.1970; trong đó có các liệt sĩ có tên như ông Chước kể. Các mộ phần đang nằm ở Nghĩa trang liệt sĩ TNXP xã Vạn Ninh, Nghĩa trang liệt sĩ Mai Thủy...
Bà Thư giới thiệu kỷ niệm chương TNXP do T.Ư Đoàn trao tặng năm 1999
Cần một công trình tưởng niệm
Thông tin từ các nhân chứng và tài liệu cho biết, trên tuyến đường 16, ngoài TNXP thì còn nhiều đơn vị làm nhiệm vụ như: vận tải, bộ đội. Riêng TNXP cũng có nhiều đại đội với lực lượng đến từ nhiều địa phương khác nhau, như: Quảng Bình, Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Hà (cũ), Hà Nam Ninh (cũ)...
Đến bây giờ, những người còn sống vẫn có kết nối, liên lạc với nhau. Một số nhóm có trở lại chiến trường xưa và mang nỗi niềm đau đáu bởi đường 16 đã bon bon nhưng đầy lạnh lẽo. Vì thế, khi nhắc đến đồng đội, ai cũng ngậm ngùi ứa nước mắt. Ai nấy ước nguyện có một công trình tưởng niệm trên tuyến.
Ông Chước nói thiết tha: “Mong muốn, nguyện vọng của anh em chúng tôi là thăm lại chiến trường xưa, nơi đồng đội mình nằm xuống. Năm trước tôi đã đi xe vào đến Bang rồi nhưng trong kia cầu chưa đi được nên phải quay ra. Cần có một công trình ở Bang để tưởng niệm các liệt sĩ”.
Còn ông Nhậm chia sẻ: “Mong muốn thì nhiều rồi, lẽ ra phải có một khu tưởng niệm tại Bang để sau này con cháu hiểu biết, tưởng nhớ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.