Nhìn cuộc đời bằng thơ

21/10/2008 22:27 GMT+7

Nơi nào có anh thì nơi ấy rôm rả, bằng hữu có niềm vui. Đơn giản chỉ vì anh có biệt tài kể chuyện đời, kể chuyện người, kể chuyện làng... bằng thơ đầy cuốn hút.

Người đó là Phạm Vân Hiền, sinh năm 1954, ở làng Chánh An, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Người quê còn gọi anh bằng cái tên Phạm Hiến, do thân sinh đặt từ khi mới chào đời. Học ban Toán - Lý, khóa 1, trường Cao đẳng Sư phạm Quy Nhơn (cũ). Tốt nghiệp về quê dạy học được 14 năm, từ 1976 - 1990 thì nghỉ, anh rẽ sang nghề buôn bán và phất lên giàu có.

Biệt tài kể chuyện bằng thơ của anh phát xuất từ thời còn đi học. Anh làm thơ để cho vui, để giải tỏa những muộn phiền cuộc sống... Thơ anh dung dị, đời thường, những ai từng ở quê nghe như thấy có mình trong mỗi câu thơ: Lớn lên từ gốc mì gốc rạ/Tôi yêu quê nhà yêu quá tuổi thơ/Lượm củi gai tre chui rúc bụi bờ/Quậy vũng bùn dơ bắt con cá trạch/Kho mặn để dành ăn giáp chợ phiên/Ngày tháng qua dần cuộc sống vươn lên/Nhưng dễ gì quên lũy tre mái rạ/Rau lang mắm cua tan bao vất vả/Cá đồng kho rim, thấm cả buổi chiều/Thương bà mẹ già lụm khụm chắt chiu/Nuôi đàn gà con lo sợ  quạ diều/Đời mẹ khổ sở đã nhiều/Đời con có chữ con yêu dân cày/Giờ con bưng bát cơm đầy/Thương người quê cũ dạn dày nắng mưa.

Một hôm lên Quy Nhơn gặp các bạn thơ, tình cờ có tiến sĩ Chu Thị Thơm từ Hà Nội vào, nghe anh đọc bài này đã nhờ anh chép tay mang về làm kỷ niệm. Nghe đâu sau đó bài này được đăng trên mấy báo, tạp chí ở thủ đô!
Vợ chồng anh có 4 đứa con, khi con gái đầu lên 25 tuổi vẫn chưa chịu lấy chồng, anh bèn làm bài thơ tặng con: Yêu từ trẻ nhỏ người già/Đến cô gái đẹp lại là càng yêu/Dại gì mà sống buồn thiu/Không vui để sống không yêu để tàn/Cứ yêu trong sáng đường hoàng/Ta càng thành thật người càng yêu ta... Không lâu sau, con gái anh lên xe hoa, anh vừa vui vừa nghẹn ngào: Vai mẹ gánh cả đời con/Một đời mẹ đã tảo tần/Gánh gồng xuôi ngược chợ gần chợ xa/Những hôm trưa trật về nhà/Tiền xe mẹ để mua quà cho con/Nhìn lưng đòn gánh nhẵn mòn/Con sờ vai mẹ vẫn còn u chai... Ngày con áo cưới theo chồng/Mẹ bảo lưng còng đi họ khó coi/Để ba con tiễn được rồi/Mẹ đi lẩm cẩm sợ đời con xui/Xe lăn mẹ đứng ngậm ngùi/Con đi con cũng sụt sùi mẹ ơi...

Ngày hai họ chung vui, anh mạn phép xin đọc bài này (nhan đề Vai mẹ gánh cả đời con) tặng con gái, chú rể nghe bỗng khóc rưng rức khiến hai họ đều khóc theo!

Anh không nghiện rượu, nhưng thời còn trai trẻ, những cốc rượu đế quê anh như là chất xúc tác để... thơ ra ào ào. Anh bảo có rượu mình làm thơ hoành tráng hơn, có lúc xuất thần mà ngay cả sau khi mình tỉnh lại ngồi nghĩ mãi vẫn không tài nào ứng đáp được: Say cho lộ nét tài hoa/Say cho quên kiếp người ta trần truồng/Say cho chạm cõi vô thường/Say cho quên cả cái khuôn mặt mình...

Hôm CLB thơ Xuân Diệu mời các nhà thơ lớn đến nói chuyện thơ ở Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh Bình Định, hết thảy các thành viên CLB đều ngồi chăm chú lắng nghe. Riêng anh thì khò thẳng giấc trên dãy ghế phía phòng bên cạnh, nhà báo Quang Khanh, Chủ nhiệm CLB đến dựng dậy trách móc, anh mắt nhắm mắt mở, thều thào: Còn chờ mất có chờ không/Đời ta là một dòng sông không bờ/Cơn say chạm bến hư vô/Đường về quán tính hồn thơ dạt dào/Nháp bài thơ giữa trăng sao/Đến khi tỉnh rượu ho lao nửa bài...

Vợ anh tên Hồ Thị Tuyết Anh, năm nay 49 tuổi, thùy mị, nết na. Mỗi khi đi xa, nhớ vợ, anh đọc: Vợ mà lại gọi bằng anh/Thế là mình phải chấp hành làm em/Làm em thì mặc làm em/Lúc có hơi hèm trở lại làm anh...

Những năm trước, anh đưa gia đình lên thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát mở tiệm tạp hóa mưu sinh. Biệt tài kể chuyện thơ của anh khiến mấy bà, mấy chị trong thị trấn mê tít. Tiệm hàng càng ngày càng đông khách. Khắp trị trấn, đi đâu hỏi anh, ai cũng tường tận. Dạo này anh bị bệnh, phong độ giảm sút, có chị đến mua hàng thấy vậy tỏ ra quan tâm: "Chu cha, hổm rày sao thấy anh trai yếu dzữ?". Anh phân bua một cách hóm hỉnh: Bây giờ ta yếu vô cùng/Có nhiều bộ phận phải dùng gấp đôi/Bây giờ ta đã già rồi/Ta đứng không nổi ta ngồi ta chơi... Chị kia nghe vậy mặt bỗng đỏ bừng, trả tiền rồi rút lẹ.

Tết về lại quê cũ thăm bạn, vợ bạn mới gặp liền khóc lóc kể tội chồng bỏ nhà đi theo bồ. Anh nói mạn phép đọc vài câu thơ chúc xuân: Đừng dùng hàng ngoại người ta/Phải về dùng lại hàng nhà mới ngon/Hàng ngoại mẫu mã tuy hơn/Nhưng bao bì quá không còn độ phê/Người quê phải giữ chân quê/Đi đâu cũng phải nhớ về ao ta/Ao nhà tuy thiếu bông hoa/Nhưng mà nguồn nước rất là vệ sinh.

Những câu thơ ví von chuyện nhà bạn y như thật khiến ông chồng từ bỏ thói lăng nhăng, chí thú về làm ăn nuôi vợ con. Chị vợ từng lo mất chồng một thời ấy sau đó hậu tạ anh nhà thơ làng một bữa nhậu hoành tráng!

Mỗi ngày xem truyền hình, đọc báo thấy có nhiều chuyện tréo ngoe, nghĩ thời cuộc lắm khi "đồng tiền làm mờ nhân ảnh", anh bỗ bã với vợ: Người sao người chẳng giống người/Giống con hổ dữ gầm gừ nai con/Ăn đi mạnh được sinh tồn/Ta hy sinh xác cho hồn quy tiên/Kiếp này tiền bạc lụy phiền/Cõi tiên ba thứ bạc tiền không chơi... Vợ anh gằn giọng: "Ông này đúng là rỗi hơi!".

Những ông chồng mê hát karaoke thuộc nằm lòng những câu thơ này của Vân Hiền: Hôm qua đi hát oke/Ông đi răng đủ ông về thiếu răng/Thấy trống bà xã lại nhăn/Ông ơi sao mất cái răng đâu rồi/Thôi thôi nhỏ nhỏ bà ơi/Anh em mời quá nên tôi uống ào/Chả biết nó say lúc nào/Ra hè tôi xổ lộn nhào rớt răng/Gặp mấy con chó háu ăn/Giành lộn nó nuốt cái răng tôi rồi...

Nơi nào có anh thì nơi ấy rôm rả, bằng hữu có niềm vui và dành những sự tán thưởng không ngớt. Đơn giản chỉ vì anh có biệt tài kể chuyện đời, kể chuyện người, kể chuyện làng... bằng những vần thơ cuốn hút. Nghe một lần nhớ mãi!
Chia tay người viết bài này, anh với theo: Mê thơ mê cả nhà thơ/Tai qua nạn khỏi cũng nhờ trời tha/Nếu đem mổ xẻ thơ ta/Không vui thì cũng lòi ra cái tình...

Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.