4.000 khách hàng “sập bẫy” huy động vốn đa cấp

08/10/2016 07:39 GMT+7

Phương, Toàn và Phú quảng bá công ty của mình cần hợp tác kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, kêu gọi những cá nhân tham gia ký kết hợp đồng của công ty thì phải đầu tư hơn 10 triệu đồng mới được cấp mã.

Bắt giam bộ sậu lãnh đạo chủ chốt Công ty cổ phần Phương Thái An
Hôm qua (7.10), Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50 - Bộ Công an) phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (PC46 - Công an tỉnh Đồng Nai) tiến hành bắt, khám xét đối với Nguyễn Thị Minh Phương (36 tuổi, ngụ P.Tân Hòa, Biên Hòa, Đồng Nai) - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phương Thái An (trụ sở ở đường Đồng Khởi, KP.3, P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa, Đồng Nai), Phạm Thanh Toàn (45 tuổi, ngụ Đồng Nai) - Tổng giám đốc, Hồ Đình Phú (25 tuổi, ngụ Đức Trọng, Lâm Đồng) - Giám đốc kinh doanh, cùng về tội “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Theo điều tra ban đầu của C50, Phương cầm đầu đường dây này, còn Toàn và Phú có vai trò giúp sức đắc lực cho Phương trong việc lừa đảo 4.000 khách hàng với hình thức huy động vốn lãi suất cao trái phép. Các bị can nói trên không hề đầu tư, kinh doanh bất cứ mặt hàng, sản phẩm nào để sinh lời mà chỉ dùng tiền của người sau để trả cho người trước khi tham gia vào hệ thống này.
Từ đầu năm 2016, Phương, Phú và Toàn góp vốn thành lập Công ty cổ phần Phương Thái An. Sau đó, các bị can thuê người lập website hero8.org và thiết kế cách thức hoạt động theo mô hình do Phương nghĩ ra, đồng thời kêu gọi mọi người tham gia. Hoạt động hệ thống website của công ty là do Phú phụ trách.
Theo hồ sơ, Phương, Toàn và Phú quảng bá công ty của mình cần hợp tác kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, kêu gọi những cá nhân tham gia ký kết hợp đồng của công ty thì phải đầu tư hơn 10 triệu đồng mới được cấp mã. Trong đó có hơn 2 triệu đồng là phí tham gia do hệ thống đặt ra và 8 triệu đồng là tiền đầu tư ban đầu. Mỗi cá nhân sẽ được nhận tiền sau 3 tháng đầu tư là 40 triệu đồng, chia làm 18 đợt, lợi nhuận ước tính 130%/tháng. Tiền lãi suất sẽ được công ty trả qua tài khoản ngân hàng. Quá trình làm việc, các bị can này thường xuyên họp bàn và đưa ra ý kiến thống nhất trong việc triển khai các gói huy động vốn khác nhau. Các bị can sử dụng số tiền chiếm đoạt được tiêu xài cá nhân.
Với hình thức huy động vốn lãi suất cao như vậy, công ty đa cấp này đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của 4.000 khách hàng với tổng số tiền khoảng 140 tỉ đồng.
Hiện C50 vẫn đang phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra làm rõ hành vi của các bị can trên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.