40 năm, giờ mới được làm người

01/11/2019 05:12 GMT+7

40 năm là quá nửa đời người, nhưng quá nửa đời người ấy cả một đại gia đình 8 người đã phải mang thân phận bị can.

Cho đến hôm qua, họ chính thức được cơ quan chức năng xin lỗi vì đã gây ra oan sai cho cả một gia đình.

Xin lỗi công khai, 7 người kết thúc 40 năm thân phận bị can trong oan khuất

Ngày 31.10, tại UBND xã Đôn Thuận, H.Trảng Bàng (Tây Ninh), Viện KSND (VKS) tỉnh Tây Ninh tổ chức buổi xin lỗi công khai 7 nạn nhân trong vụ án oan sai cách đây 40 năm ở Tây Ninh mà Thanh Niên từng phản ánh cách đây đúng 1 năm qua loạt bài Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất.
Bảy người được xin lỗi gồm các ông bà: Nguyễn Thành Nghị (sinh năm 1918, đã mất), Võ Thị Thương (94 tuổi), Nguyễn Văn Chiến (66 tuổi), Nguyễn Văn Dũng (Dũng nhỏ, 58 tuổi), Nguyễn Thị Ngọc Lan (73 tuổi), Nguyễn Thị Lan (66 tuổi), Hồ Long Chánh (67 tuổi). Trước đó, ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng lớn, 61 tuổi) đã được VKS tỉnh Tây Ninh công khai xin lỗi và bồi thường oan sai 615 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Dựa (phải) tặng hoa các nạn nhân (từ trái qua): ông Nguyễn Văn Chiến, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, ông Hồ Long Chánh, bà Nguyễn Thị Lan, ông Nguyễn Văn Dũng, cụ Võ Thị Thương và ông Nguyễn Công Trung (đại diện ủy quyền của các nạn nhân)

Ảnh: Độc Lập

Nỗi đau không thể bù đắp

Nói lời xin lỗi với các nạn nhân, ông Nguyễn Văn Dựa, Phó viện trưởng VKS tỉnh Tây Ninh, cho biết liên quan đến vụ 8 người bị oan sai, trước đây VKS tỉnh Tây Ninh từng tổ chức xin lỗi đối với ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng lớn). Đây là lần thứ hai cơ quan này xin lỗi công khai và với 7 người bị oan sai.

Giải quyết bồi thường cho nạn nhân ra sao?  

Điều mà các nạn nhân quan tâm chính là bồi thường oan sai. Trước đó, 7 nạn nhân đã nộp đơn yêu cầu bồi thường tới VKS tỉnh Tây Ninh với số tiền 5,4 - 12 tỉ đồng/người. Tuy nhiên, theo biên bản của VKS tỉnh Tây Ninh, số tiền dự kiến bồi thường từ 800 triệu đồng đến hơn 1 tỉ đồng/người. Đại diện VKS tỉnh Tây Ninh khẳng định dù có bồi thường bao nhiêu đi nữa vẫn không đủ để bù đắp mất mát mà nạn nhân phải gánh chịu trong suốt thời gian qua nhưng đến nay việc thương lượng giữa hai bên vẫn chưa thành.
Trả lời câu hỏi PV Thanh Niên liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dựa cho hay VKS tỉnh Tây Ninh đã đề nghị VKS tối cao tạm ứng kinh phí bồi thường cho nạn nhân và thương lượng bồi thường theo quy định. Do địa phương không được cấp ngân sách bồi thường nên việc tạm ứng bồi thường thuộc thẩm quyền của VKS tối cao sau khi có sự đồng thuận của Bộ Tài chính. “Thời gian này tôi chưa thể nói được số tiền và thời gian cụ thể các nạn nhân sẽ được nhận. Trách nhiệm của VKS tỉnh Tây Ninh là sẽ có đề nghị, tác động để các nạn nhân sớm được nhận tiền. Đến nay mọi việc đã được thực hiện, chỉ còn chờ bước bồi thường. Nếu việc bồi thường này chậm thì việc xin lỗi, bồi thường oan sai sẽ không trọn vẹn”, ông Dựa nói.
Liên quan đến trách nhiệm của những người gây ra oan sai, ông Dựa cho biết vừa qua CQĐT VKS tối cao thành lập đoàn công tác vào Tây Ninh xác minh, thậm chí làm việc với các điều tra viên để xảy ra oan sai. Nhưng đến thời điểm hiện tại, VKS tỉnh Tây Ninh chưa nhận được thông tin kết quả điều tra của VKS tối cao. Trách nhiệm của VKS tỉnh Tây Ninh là phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin cho đoàn công tác.
Theo ông Dựa, sự việc xảy ra ở thời điểm hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, đầy đủ nên có những sự việc đáng tiếc. Với trách nhiệm của một công chức hoạt động trong ngành pháp luật, ông Dựa tuyên bố về việc làm của cơ quan nhà nước đã gây oan sai. Sau đó, ông Dựa trình bày nội dung vụ việc cách đây 40 năm, tập trung vào việc điều tra, xử lý đã để xảy ra oan sai.

40 năm sau ngày bị bắt oan, ông Dũng (Dũng nhỏ) và bà Lan (thứ 3 từ trái sang) giờ mới dám đàng hoàng về quê hương thăm người thân

Ông Dựa cho hay để xảy ra vụ oan sai, nhục hình có phần lỗi của VKS tỉnh Tây Ninh và VKS H.Trảng Bàng. Trong quá trình điều tra, những người liên quan không thực thi đúng pháp luật trong việc thu thập chứng cứ; đã dùng nhục hình, bức cung... “Thời gian giam giữ gần 4 năm là quá dài; đem lại nỗi đau dai dẳng cho các nạn nhân. Đến nay đã gần 40 năm và đó là nỗi đau không gì có thể bù đắp được. Đặc biệt những người bị oan sai đều có quan hệ xã hội, cha mẹ, bạn bè nên nỗi nhục càng lớn trong thời gian dài gần 40 năm”, ông Dựa nhìn nhận và chia sẻ, trong số 7 người bị oan sai đến nay có người đã mất. Đây chính là nỗi đau của gia đình, người thân trong suốt thời gian bị xem là tội phạm.
“Trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, hôm nay trước mặt nạn nhân và người dân, đoàn thể, thay mặt lãnh đạo VKS tỉnh Tây Ninh và cơ quan tố tụng trước đây, tôi gửi lời xin lỗi chân thành nhất của ngành kiểm sát Tây Ninh đến các nạn nhân”, ông Dựa nói.

“Tôi tha thứ cho tất cả”

Trong phần phát biểu tại buổi xin lỗi, ông Nguyễn Công Trung, người được ủy quyền đại diện cho 7 nạn nhân, đưa ra một loạt câu “giá như”: giá như việc xin lỗi diễn ra sớm hơn thì cụ Nguyễn Thành Nghị không phải chết trong sự đau xót, uất hận khi chưa được minh oan; giá như việc xin lỗi, bồi thường diễn ra sớm hơn thì cụ Võ Thị Thương (94 tuổi) không trở thành người phụ nữ chịu sự oan sai mà theo ông là lớn tuổi nhất VN... “Hôm nay đại diện cho những người được xin lỗi, tôi mong rằng sự chân thành của VKS tỉnh Tây Ninh sẽ được biến thành hành động khắc phục những cái “giá như, không đáng có”. Tôi đề nghị ngay sau buổi xin lỗi này, VKS tỉnh Tây Ninh mau chóng xúc tiến để nạn nhân nhận tiền tạm ứng bồi thường theo quy định”, ông Trung nói.
Phát biểu tại buổi xin lỗi, ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng lớn) tâm sự khiến ai có mặt ở hội trường đều chạnh lòng: “Ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận là nơi mà chúng tôi được sinh ra và cũng là nơi chôn vùi tuổi trẻcuộc sống của chúng tôi”. Theo ông Dũng, khi ông đến hội trường dự buổi xin lỗi, rất nhiều người dân thắc mắc vì sao vụ án kéo dài suốt 40 năm mới được tổ chức xin lỗi... Nhưng điều mà ông cảm thấy bức xúc là những người gây ra oan sai hiện đang sống tại địa phương lại không có mặt để xin lỗi nạn nhân. “Đó là hai ông công an Phùng Văn Tiết và Nguyễn Văn Rứt hiện đang sống ở tại mảnh đất này, có đủ tư cách tham gia buổi xin lỗi để khẳng định đã gây ra oan ức cho chúng tôi. Tôi không hiểu được tại vì sao không mời được họ”, ông Dũng nói và cho rằng: “Những người không có liên quan lại xin lỗi chúng tôi mà những người gây ra hậu quả nghiêm trọng lại không chịu trách nhiệm gì. Đó là điều không thể chấp nhận được”.

Tâm sự ngày trở về trong sạch sau 40 năm oan sai của người cựu binh Tây Ninh

“Tôi tha thứ cho tất cả, tha thứ những gì người ta đã làm. Bởi tôi không muốn những đớn đau mà tôi và gia đình đã trải qua lại đến với họ”, cụ Võ Thị Thương móm mém vừa nhai trầu vừa trả lời khi được hỏi cụ có tha thứ cho những người đã gây ra oan sai không. Cụ Thương kể, suốt đêm trước ngày được xin lỗi, cụ không thể ngủ; các con cháu của cụ cũng thức trắng đêm chỉ mong cho trời mau sáng... Bởi họ đã mỏi mòn đợi chờ ngày này suất gần 40 năm qua, để chính thức được là người lương thiện, dù vốn dĩ họ đã là người lương thiện.
Mời bạn đọc xem video và toàn cảnh vụ án oan sai trên thanhnien.vn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.