40 năm chịu oan sai: Nạn nhân có được bồi thường trong thời gian 40 năm?

Trung Hiếu
Trung Hiếu
06/04/2019 10:00 GMT+7

Vụ 40 năm oan sai, 7 nạn nhận sẽ được bồi thường oan sai trong thời gian 3 năm 9 tháng 14 ngày bị tù oan, hay 40 năm mang thân phận bị can?

Sáng 4.4, Viện KSND Tây Ninh trao quyết định đình chỉ điều tra cho 7 nạn nhân 40 năm chịu oan sai đằng đẵng. Ông Thân Văn Danh, Trưởng phòng 8, Viện KSND (VKS) Tây Ninh chủ trì buổi làm việc và trao quyết định đình chỉ điều tra cho 7 nạn nhân 40 năm chịu oan sai.
Vụ án xảy ra đêm 26.7.1979. 8 người trong “đại gia đình” bị bắt oan liên quan đến vụ cướp 5 chỉ vàng ở áp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, H.Trảng Bàng (Tây Ninh).
Năm 1983, sau 3 năm 9 tháng 14 ngày bị bắt oan, 8 người này được thả. Tuy nhiên trong số này chỉ có mỗi ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng lớn) nhận được quyết định đình chỉ điều tra vụ án. Mới đây ông Dũng đã kiện Viện KSND tỉnh Tây Ninh và được bồi thường 615 triệu đồng.
Với việc trao quyết định đình chỉ điều tra cho 7 nạn nhân vào ngày 4.4, câu hỏi đặt ra ở đây các nạn nhân oan sai sẽ được bồi thường trong khoảng thời gian nào: 3 năm 9 tháng 14 ngày bị tù oan hay 40 năm mang thân phận bị can? Bởi theo các nạn nhân, nhiều lần họ đề nghị Viện KSND tỉnh Tây Ninh cung cấp quyết định đình chỉ vụ án nhưng không được đồng ý.
Do không bị tù oan, lại không được trao quyết định đình chỉ vụ án nên sau khi ra tù, 7 nạn nhân có cuộc sống hết sức khó khăn, bị làng xóm, người thân coi khinh, dị nghị. Nhiều người rơi vào cảnh “tan nhà nát cửa”, mất đất mất nhà, bỏ xứ mà đi, vợ chồng li dị, con cái sinh ra bị coi là “con của kẻ cướp”…

Phải bồi thường trong oan sai vòng 40 năm

Bàn về khía cạnh pháp lý này, theo luật sư Trịnh Vĩnh Phúc (Đoàn Luật sư TP.HCM), người bị oan muốn được bồi thường đầy đủ và quan điểm của ông thì thời gian oan sai phải được tính từ khi 7 người này bị bắt cho đến thời điểm được tống đạt quyết định đình chỉ vụ án vào ngày 4.4. Đây là thời gian 7 nạn nhân mới hết thân phận bị can và coi như họ đã bị tù oan.
“Trước đó rõ ràng họ chưa nhận được quyết định đình chỉ vụ án nên mới có việc Viện Kiểm KSND tỉnh Tây Ninh trao quyết định đình chỉ vụ án vào ngày 4.4”, luật sư Phúc nói.
Những quyết định đình chỉ vụ án mà VKS tỉnh Tây Ninh trao cho nạn nhân Ảnh: Trung Hiếu

Tuy nhiên, trong vụ việc này, theo luật sư Phúc, vẫn có khả năng tranh chấp pháp lý. Đó là Viện KSND tỉnh Tây Ninh trao quyết định đình chỉ được ký ngày 11.5.1983 và hướng bồi thường oan sai tính từ thời điểm bị bắt đến thời gian này

Luật sư Phúc phân tích cũng có thể Viện KSND tỉnh Tây Ninh cho rằng đến thời điểm năm 1983, 7 nạn nhân đã hết tư cách bị can rồi. Thế nhưng điều này rất bất hợp lý vì suốt một thời gian dài, 7 nạn nhân chưa nhận được quyết định đình chỉ và yêu cầu Viện KSND tỉnh Tây Ninh cung cấp nhưng không được. Và chính Viện KSND tỉnh Tây Ninh trước áp lực của dư luận, báo chí và cơ quan cấp trên, cụ thể là Viện KSND tối cao, mới tống đạt quyết định đình chỉ vụ án.

“Dù là quyết định cũ nhưng được sao y vào ngày 2.4 và được trao ngày 4.4 sẽ được hiểu nạn nhân nhận được quyết định từ thời điểm tống đạt”, luật sư Phúc nhấn mạnh và khẳng định để đòi được bồi thường sẽ rất khó khăn, phức tạp trong thời gian tới.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho hay trong trường hợp khi ra tù mà 7 người này không được trao quyết định đình chỉ điều tra, mà việc trao quyết định đình chỉ điều tra mới diễn ra vào ngày 4.4.2019 thì nạn nhân cần đòi bồi thường thiệt hại trong khoảng thời gian 40 năm. Bởi vì khi chưa được trao quyết định đình chỉ vụ án, 7 người này vẫn mang thân phận bị can và bị ảnh hưởng, thiệt hại rất nhiều trong cuộc sống.

Luật bồi thường mới có nhiều điểm lợi cho người bị oan sai

Dù dự báo sẽ rất khó khăn trong việc nạn nhân đòi bồi thường nhưng theo luật sư Phúc, những điều khoản, quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 có nhiều điểm có lợi hơn cho người đòi bồi thường oan sai so với luật cũ.

Hầu hết nạn nhân trong vụ oan sai 40 năm nay đã già yếu và có cuộc sống khó khăn Ảnh: Trung Hiếu

Nếu thương lượng không thành công sẽ xảy ra 7 vụ kiện khác nhau

Luật sư Trịnh Minh Phúc cho hay trong trường hợp không thương lượng được và xảy ra kiện tụng sẽ phải có tới 7 vụ án đòi bồi thường oan sai diễn ra ở 7 phiên tòa, ở nhiều địa phương khác nhau.

Hiện tại ngoài một số nạn nhân ở Gò Dầu (Tây Ninh) thì một số nạn nhân còn lại ở H.Trảng Bàng (Tây Ninh), H.Dầu Tiếng (Bình Dương)…

Theo đó, những điều khoản của luật mới quy định cơ quan gây oan sai có trách nhiệm xác minh các thiệt hại theo đề nghị của người đòi bồi thường. Tức là ở đây cơ quan Viện KSND tỉnh Tây Ninh phải có trách nhiệm xác minh thiệt hại của nạn nhân trong việc giải quyết, thụ lý bồi thường trong quá trình thương lượng. “Tới khi bồi thường cần phải trải qua giai đoạn thương lượng, nếu không thành thì nạn nhân sẽ kiện ra tòa”, luật sư Phúc nói.

Luât sư Phúc cho biết thêm Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 có nhiều điểm mới như mở rộng phạm vi bồi thường, định mức bồi thường và giá trị bồi thường cao, tăng nhiều hơn so với luật cũ.

Một điểm nữa là Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định cho phép cơ quan bị bồi thường ứng tiền bồi thường cho nạn nhân. Theo luật sư Phúc, ở vụ oan sai này rất nhiều nạn nhân đã tuổi cao sức yếu, điển hình như bà Võ Thị Thương năm nay đã 94 tuổi, lại đau yếu triền miền nên cần phải được ứng ngay số tiền để hỗ trợ cuộc sống, chữa bệnh.

“Điều này khả thi và khi có yêu cầu thì cơ quan bị bồi thường oan sai phải thực hiện theo luật để hỗ trợ nạn nhân đau yếu chứ không thể chờ cho xong quá trình tố tụng kéo dài mới được nhận tiền”, luật sư Phúc cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.