40 năm chịu oan sai: ‘Ba ơi, nỗi oan của ba đã được giải’

04/04/2019 15:13 GMT+7

Sáng 4.4, Viện KSND (VKS) Tây Ninh trao quyết định đình chỉ điều tra cho 7 nạn nhân 40 năm chịu oan sai đằng đẵng.

Ngồi trong khuôn viên VKS Tây Ninh, bà Võ Thị Thương (94 tuổi), một trong 7 nạn nhân bị tù oan - kể lại chiều ngày 3.4 bà đang cúng giỗ bố chồng bỗng giật thót mình khi nghe con là ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng nhỏ; cũng là nạn nhân oan sai) thông báo có quyết định đình chỉ điều tra cho cả 7 người trong vụ án cướp “5 chỉ vàng” xảy ra tại ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, H.Trảng Bàng (Tây Ninh) năm 1979.
Chân tay run rẩy, bà Thương víu vội mép giường ngồi xuống lấy vạt áo lau nước mắt. “Có thật không chèn?”, bà hỏi con.
Bà Võ Thị Thương nhận quyết định đình chỉ điều tra Ảnh: Trung Hiếu
Như để trấn an mẹ và cũng là để chắc chắn cho mình ông Dũng vội lấy chìa khóa xe ra UBND xã Minh Tân, H.Dầu Tiếng (Bình Dương) để nhận tờ giấy thông báo cuộc hẹn của VKS Tây Ninh gửi.
Cầm tấm giấy thông báo trên tay, ông Dũng đọc đi đọc lại cả chục lần. “Đọc đến đâu mắt tôi nhòe đến đó. Nước mắt cứ chảy dài”, ông Dũng chia sẻ. 30 phút sau ông mới đọc hết tấm giấy mời ông và 6 người còn lại trong vụ án năm xưa đúng 8 giờ sáng 4.4 ra trụ sở VKS tỉnh Tây Ninh nhận quyết định đình chỉ điều tra.
Về tới nhà, ông Dũng lấy tấm giấy mời đọc cho vợ con nghe như để chứng minh trước nay mình bị oan. Sau đó, ông đi thuê taxi mất 1 triệu đồng để sáng 4.3 cùng mẹ đi Tây Ninh “nhận giấy minh oan” dù điều kiện không khá giả.
Ông kể muốn mẹ mình - bà Võ Thị Thương - được “nở mày nở mặt”; được ngẩng cao đầu với hàng xóm láng giềng; muốn mẹ mình đường đường chính chính nhận quyết định như một công dân thật sự sau 40 năm mang thân phận bị can.
Sao y quyết định đình chỉ điều tra năm 1984 Ảnh: Trung Hiếu
4 giờ sáng 4.4, ông Dũng có mặt ở nhà mẹ, thắp nén nhang lên bàn thờ và đặt tấm giấy mời trước di ảnh cha là ông Nguyễn Thành Nghị, rồi khấn: “Ba ơi, cuối cùng nỗi oan của ba cũng được giải. Quyết định này lúc sống ba không được nhận thì nay con với má đi nhận thay ba. Ba yên nghỉ nha ba!”.
Khấn xong, ông tự trách mình nếu như ngày ấy ông không sợ chết và cố chịu đòn tra tấn độc ác sẽ không khai vống để ba mẹ mình phải chịu tù oan. Chính lời khai của ông đã khiến ba mẹ ông phải vào tù và đến khi ba ông mất năm 2013 vẫn chưa được minh oan.
“40 năm rồi chúng tôi đi đường chỉ biết cúi mặt nhưng từ nay sẽ khác…”, ông Dũng nghẹn ngào nói và kể mẹ ông dù năm nay 94 tuổi, bệnh tật liên miên nhưng vẫn một mực theo xe từ Bình Dương đi Tây Ninh với lý do: “Tao phải đi để thay mặt ba bây nhận giấy giải oan. Nhận xong qua bên kia thế giới gặp và nói cho ba bây biết để ổng yên lòng”.
ĐỒ HỌA: CẨM TIÊN
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.