3.000 cán bộ khí tượng thủy văn “đếm gió, đo mưa” khắp cả nước

03/10/2020 16:50 GMT+7

Ngành khí tượng thủy văn hiện có 3.000 cán bộ , viên chức trên khắp cả nước. Từ núi cao, rừng sâu cho đến chốn trùng khơi, họ thầm lặng "đếm gió, đo mưa" phục vụ dự báo hiệu quả, góp phần phòng, chống thiên tai.

Chiều 3.10, tại Hà Nội, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT) phối hợp với Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, Đại học TN-MT Hà Nội, Đại học TN-MT TP.HCM tổ chức kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam (3.10.1945 - 3.10.2020) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai của Chủ tịch nước tặng thưởng cho Tổng cục Khí tượng thủy văn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Hồng Hà đã tới dự lễ kỷ niệm.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, khẳng định trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, ngành Khí tượng thủy văn luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát và động viên kịp thời của Đảng, Nhà nước, Chính phủ.
Ông Trần Hồng Thái cho biết, từ một mạng lưới thưa thớt và ít ỏi, đến nay, với sự đầu tư của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ TN-MT, ngành Khí tượng thủy văn đã có một mạng lưới quan trắc khí tượng thủy quốc gia với 1.719 trạm, công trình, phương tiện đo khí tượng thủy văn.
Trong đó, nhiều trạm được tự động hóa với tỷ lệ 100% như trạm bức xạ, trạm đo mưa độc lập, trạm khí tượng cao không đạt; trạm hải văn đạt 77,8%; trạm đo mực nước tự động đạt 53%.
tran-hong-thai

Ông Trần Hồng Thái phát biểu tại buổi lễ

Ảnh Nhật Minh

Cũng theo người đứng đầu Tổng cục Khí tượng thủy văn, toàn ngành hiện có đội ngũ với 3.000 cán bộ, viên chức; trong đó gần 60% có trình độ đại học, trên đại học hiện đang công tác ở khắp các vùng miền trên cả nước.
“Đội ngũ những người làm khí tượng thủy văn dù công tác trong bất cứ giai đoạn nào luôn nêu cao tinh thần yêu nước, dũng cảm chiến đấu trên mặt trận bảo vệ Tổ quốc, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, từ núi cao, rừng sâu đến chốn trùng khơi thầm lặng đo từng con sóng, dõi từng con nước, đếm từng tia chớp phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng và an ninh của đất nước”, ông Thái nói.

Bão số 6 gió giật cấp 10 sắp đổ bộ miền Trung, tiếp tục gây mưa cực lớn

Dự báo thời tiết cùng lúc ở 700 địa điểm

Công tác dự báo khí tượng thủy văn liên tục có những bước phát triển vượt bậc, hiện nay công nghệ dự báo số đã được triển khai ứng dụng nghiệp vụ trong toàn ngành. Các mô hình khu vực phân giải cao như mô hình HRM của Đức, WRF của Mỹ, ECMWF của châu Âu… cùng với các hệ thống dự báo tổ hợp hạn ngắn và hạn vừa đã và đang được vận hành hiệu quả tại các đơn vị tác nghiệp; đã tiến hành dự báo tới khoảng 700 địa điểm cụ thể như thị trấn, thị xã, thành phố.
Đáng chú ý,  ngành cũng tăng cường các bản tin dự báo khí tượng thủy văn biển, đặc biệt là thời tiết biển khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước và phục vụ hiệu quả việc phát triển kinh tế biển.
Cũng theo ông Thái, ngành khí tượng thủy văn không ngừng mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế, góp phần đáng kể cho việc tăng cường về kỹ thuật, tài chính, trao đổi thông tin, đào tạo cán bộ và đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước. 
“Nhìn lại chặng đường 75 năm xây dựng và trưởng thành, những người làm công tác khí tượng thủy văn vô cùng phấn khởi, tự hào, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới. Với sự quan tâm chỉ đạo, chăm lo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, phát huy truyền thống tốt đẹp trong suốt 75 năm qua, chắc chắn ngành sẽ vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”, ông Thái bày tỏ. 

Cảnh báo rét đậm, rét hại trước 3 ngày

Theo Tổng cục Dự báo khí tượng thủy văn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong dự báo khí tượng thủy văn góp phần nâng thời gian dự báo bão, áp thấp nhiệt đới từ 24 giờ lên 36 giờ; đối với nhiều cơn bão có quỹ đạo ổn định đã dự báo trước từ 60 - 72 giờ.
Ngành đã dự báo kịp thời, khá chính xác cơn bão số 6 năm 2006 (Xangsane) đổ bộ vào TP.Đà Nẵng; cơn bão số 9 (Ketsana) năm 2009 đổ bộ vào Quảng Nam - Quảng Ngãi; cơn bão số 8 (Sơn Tinh) năm 2012 đổ bộ vào Thái Bình; cơn bão số 14 (HaiYan) năm 2013 đổ bộ vào Quảng Ninh; cơn bão số 2 (Rammasun) năm 2014 đổ bộ vào Quảng Ninh...góp phần quan trọng vào giảm thiểu thiệt hại. Đặc biệt, các đợt không khí lạnh gây rét đậm, rét hại được dự báo, cảnh báo trước từ 48 - 72 giờ.
Ngành khí tượng thủy văn hiện có 3.000 cán bộ, viên chức trên khắp cả nước. Từ núi cao, rừng sâu cho đến chốn trùng khơi, họ thầm lặng "đếm gió, đo mưa" phục vụ dự báo hiệu quả góp phần phòng, chống thiên tai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.