3 đột phá: con người, hạ tầng, thể chế

Anh Vũ
Anh Vũ
18/01/2019 04:51 GMT+7

Đó chính là 3 mũi nhọn mà theo các chuyên gia cao cấp của thế giới tại Diễn đàn kinh tế năm 2019, Việt Nam phải đặt ưu tiên hàng đầu để tiếp tục củng cố đà tăng trưởng nhanh, bền vững cả chất và lượng.

Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế năm 2019, lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính và Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình đã có cuộc đối thoại cấp cao thẳng thắn, chuyên sâu với một loạt các chuyên gia cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Châu Á (ADB).

3 mũi nhọn tăng chất và lượng

Mở đầu phần đối thoại, TS Vũ Thành Tự Anh (Đại học Fulbright VN) điểm lại một loạt kết quả nổi bật kinh tế năm 2018 như GDP tăng kỷ lục 7,08%, xuất siêu hơn 7 tỉ USD; lạm phát kiểm soát ở mức 3,5%... Tuy nhiên, ông cũng đặt câu hỏi cho Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình rằng phía sau những con số, VN cần làm gì để có động lực tăng trưởng mới, nhanh nhưng bền vững?
Theo ông Nguyễn Văn Bình, phát triển nhanh và bền vững là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. Trong đó có 3 đột phá: thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực. Chính nhờ xác định chủ trương và nêu rõ đột phá nên 30 năm Đổi mới VN đạt được nhiều thành tựu ấn tượng, đặc biệt trong năm 2018. Đến nay, 3 đột phá này vẫn còn nguyên giá trị, nhưng ông Bình lưu ý, trong mỗi giai đoạn phát triển phải có trọng tâm trọng điểm khác nhau: “Thế giới ngày nay là thế giới phẳng, hiện đại. Quốc gia này hơn quốc gia kia không phải ở lực lượng vật chất mà cạnh tranh với nhau để có một môi trường thể chế tốt nhất. Có thể chế tốt thì sẽ có nhà đầu tư, có thể chế tốt thì sẽ huy động được nguồn lực. Thể chế tốt sẽ có khoa học công nghệ”.
Khẳng định VN vẫn đang làm và đi đúng hướng, song con đường đó theo ông Bình cần phải được đi nhanh hơn, mạnh mẽ hơn nữa. Cụ thể, cần phải tiếp tục cải thiện thể chế tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn để thu hút nguồn lực. Đặc biệt, các hiệp định thương mại tự do VN đã, đang và sẽ ký. Chính phủ cũng phải xây dựng được môi trường pháp lý phát triển kinh tế số.
Đối với lĩnh vực hạ tầng, Trưởng ban Kinh tế T.Ư cho rằng, vừa qua đã có những bước tiến quan trọng, song cơ bản vẫn còn nhiều hạn chế, đơn cử như chi phí logistic quá cao thì không thể có sức cạnh tranh tốt, ổn định, bền vững. Hay chúng ta muốn có 4.0 thì hạ tầng về truyền thông, công nghệ thông tin phải đi trước một bước, hiện đang phát triển 4G thì phải tiến lên 5G. Do đó, cần nhiều cơ chế chính sách, đổi mới để làm tốt hơn.
Riêng về nguồn nhân lực, ông Bình lưu ý, chủ trương của Đảng xác định khoa học - công nghệ làm đột phá nhưng làm chưa được nhiều. Thời gian tới cần tập trung đưa lĩnh vực này thực sự là một động lực và đột phá cho tăng trưởng. “Tựu chung lại, trong 3 đột phá đó chúng ta phát triển mọi thành phần kinh tế để giữ đúng và phát huy vai trò của nó. Trong đó, kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng”, ông Bình khẳng định.

Đừng quá bi quan về chảy máu chất xám

Liên quan đến vấn đề nhân lực, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính nhận được câu hỏi về “nhức nhối chảy máu chất xám, nhân tài chạy từ khu vực công sang khu vực tư”. Ông Chính trấn an, không nên quá bi quan, lo lắng vì con người khi có môi trường làm việc tốt nhất, ai cũng sẽ biết hài hòa lợi ích đối với nơi mình làm, sinh sống và tạo điều kiện cho họ phát triển. Họ sẽ biết cách đáp lại những nơi đã chắp cánh, giúp họ thành đạt, tạo dựng thương hiệu, giá trị. Thừa nhận vừa rồi có một số người từ khu vực công chuyển sang tư, song Trưởng ban Tổ chức T.Ư khẳng định, nhà nước luôn có chính sách tạo lợi ích vật chất, tinh thần để họ có thể yên tâm cống hiến. “Người giỏi được đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử bằng cơ chế công khai, dân chủ, minh bạch. Họ cũng được tạo môi trường để làm việc, cống hiến... Điều lo ngại nhất là chúng ta không có người VN giỏi chứ không phải chảy máu chất xám”, ông Chính chia sẻ.
Giám đốc WB tại VN Ousmane Dione chia sẻ quan điểm này, ông cũng khẳng định vấn đề không phải là chảy máu chất xám mà điều đáng quan tâm hơn là làm thế nào cải thiện, nâng cấp con người VN tài năng hơn. Điều đó bắt buộc phải cải cách, nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục. “WB năm 2018 đánh giá chỉ số phát triển con người của VN đứng thứ 48/127 nước. Thứ hạng như vậy cũng đã là tốt, khi chúng ta thấy một đứa trẻ ở VN có 67% cơ hội để thành công khi chúng có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận hệ thống giáo dục, y tế tốt”, ông Ousmane Dione nói.
Ông Jonathan Dunn, Trưởng đại diện IMF tại VN, bổ sung: Con người luôn là yếu tố căn bản, quan trọng nhất. Chính vì vậy, VN cần phải lưu ý trong cải cách hệ thống giáo dục bằng cách đưa ra kế hoạch cụ thể, đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng thời đại công nghệ 4.0, kinh tế số. Phải cải cách từ các cấp học để đưa trình độ nhân lực tiến lên phía trước. Trưởng đại diện IMF cũng đánh giá, với những bất ổn của thế giới, chiến tranh thương mại nhưng VN đạt mức tăng trưởng xuất sắc cho thấy khả năng tự cường, chống chịu tốt tác động bên ngoài. “Các nhà đầu tư đang nhìn VN như điểm đến tiềm năng cho nguồn vốn của họ, tôi không nghi ngờ gì về khả năng hấp dẫn của VN. Ngay cả trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm thì các bạn vẫn có nhiều cơ hội”, đại diện IMF gửi thông điệp.

“Thể chế, thể chế và thể chế”!

Khi được hỏi về cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh để tăng trưởng bền vững, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lại câu kết tinh trong cuốn “Vì sao chúng ta thất bại” và cho rằng vấn đề chính đang nằm ở “thể chế, thể chế và thể chế”. Thời gian qua, theo Thủ tướng, VN có tiến bộ phát triển nhờ cải cách thể chế, cải cách chính sách pháp luật. Việc lựa chọn ưu tiên nào đối với việc xây dựng thể chế sắp tới, Thủ tướng cho rằng, thứ nhất tiếp tục xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, thể chế để phục vụ cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; phát triển bao trùm, không để ai ở lại phía sau. Thứ hai, xây dựng nhà nước pháp quyền, đặc biệt nâng cao hiệu quả quản trị của nhà nước trong nền kinh tế thị trường, phục vụ nhân dân. Thứ ba, tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn, giải phóng sức sản xuất để mọi người dân, doanh nghiệp bung sức phát triển. Tất cả để thực hiện đúng với Hiến pháp năm 2013, quyền con người, quyền tài sản, quyền công dân phải được bảo vệ tốt nhất.
Phát biểu bế mạc diễn đàn, Thủ tướng lưu ý thêm, trong bối cảnh ngày nay đà tăng trưởng kinh tế không thể duy trì lâu dài nếu thiếu tính bền vững. VN vẫn luôn giữ vững nguyên tắc, phát triển nhưng không ai bị bỏ lại phía sau dù nông thôn hay thành thị, miền xuôi hay miền ngược... Năm 2019, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ đánh giá lại toàn bộ việc điều hành, trong đó tập trung 3 mục tiêu. Đầu tiên chỉ ra được các giá trị kế thừa, bài học hạn chế lớn để chấn chỉnh nghiêm túc. Tiếp đó, đẩy mạnh thực hiện Chính phủ số, Chính phủ hành động, liêm chính. Cuối cùng, đánh giá lại tiềm năng các ngành kinh tế, để xác định lại mục tiêu, trong đó lấy kinh tế số làm ưu tiên, làm động lực. “Chính phủ khẳng định, VN có thể vừa tăng trưởng nhanh vừa bền vững mà không phải đánh đổi 1 trong 2 mục tiêu. Tiềm năng của VN còn rất lớn, quan trọng là hơn 100 triệu người dân luôn nuôi dưỡng khát vọng độc lập, tự cường, thịnh vượng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
VN muốn trở thành “con hổ mới” của châu Á
Khi đang đứng ở trên thành công chính là lúc cần tĩnh tâm tư duy để xác định các vấn đề lớn mang tính cốt yếu, chiến lược, tạo nền tảng để phát triển cho giai đoạn tới. Bên cạnh những thành tựu, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế. Một quốc gia muốn hóa rồng, hóa hổ thì trước tiên phải duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. VN hiện đã đạt đến một trình độ phát triển kinh tế mà để tiếp tục tiến bước trở thành một nước có thu nhập cao hơn, cần phải có một sự đột phá trong chính sách. Chúng ta cần làm gì để VN không phải chỉ là “một con mèo nhỏ” mà phải trở thành “một con hổ mới” của kinh tế châu Á, như cách so sánh của GS Jay Rosengard, Đại học Harvard đã từng phát biểu tại Diễn đàn kinh tế VN lần thứ nhất, tháng 6.2017?
Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Ban Kinh tế T.Ư
 
Diễn đàn chất lượng mang tầm quốc tế
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời cảm ơn tới tất cả các đại biểu, chuyên gia nước ngoài và đánh giá cao sáng kiến, nỗ lực của Ban Kinh tế T.Ư đã đứng ra phối hợp cùng một số bộ, ngành chủ trì tổ chức diễn đàn. Thủ tướng khẳng định, diễn đàn có nhiều kiến nghị hữu ích cho VN. Ông cũng đặc biệt bị cuốn hút với chủ đề của diễn đàn “Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững”. Đây là cụm từ quan trọng, là lựa chọn chiến lược, xuyên suốt nhất quán của VN ngay từ năm 2016. Diễn đàn diễn ra trong 2 ngày 16 - 17.1. Đây là lần tổ chức có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Diễn đàn không chỉ thu hút, hội tụ trí tuệ của các chuyên gia, học giả trong nước mà còn quy tụ được hàng trăm chuyên gia nổi tiếng thế giới tới cùng trao đổi, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề kinh tế.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.