3 chàng trai Nepal 'phượt' 100 nước bằng xe đạp đến Việt Nam

13/02/2016 09:24 GMT+7

Gác lại mọi sự nghiệp, Amrit, Shankar và Ajit – 3 chàng trai người Nepal quyết định bắt đầu hành trình phượt qua 100 quốc gia bằng xe đạp, kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường và phòng chống HIV/AIDS.

Gác lại mọi sự nghiệp, Amrit, Shankar và Ajit – 3 chàng trai người Nepal quyết định bắt đầu hành trình phượt qua 100 quốc gia bằng xe đạp, kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường và phòng chống HIV/AIDS.

Từ trái sang phải: Amrit Baral, Shankar Poudel và Ajit Baral - Ảnh: Bùi ThưTừ trái sang phải: Amrit Baral, Shankar Poudel và Ajit Baral - Ảnh: Bùi Thư
Chỉ trong vòng 5 tháng, cả 3 đã đạp xe qua 9 nước và đến Việt Nam ngay trong dịp Tết Nguyên Đán.
Thoát khỏi vùng an toàn để đeo đuổi lý tưởng
Sau trận động đất hồi tháng 4.2015 tại Nepal, Amrit đã tham gia vào chương trình cứu trợ những nạn nhân bị thương, cung cấp thuốc men để họ vượt qua cơn khủng hoảng. Trong khoảnh khắc nhìn thấy những ngôi làng bị sụp đổ, mùi của chết chóc và tang thương ngập tràn khắp nơi, Amrit đã nhận ra mạng sống của con người vô cùng mong manh.
Ba chàng trai phượt xuyên 100 quốc gia và những người bạn tại Sài Gòn. (Ảnh: Bùi Thư)Ba chàng trai phượt 100 quốc gia và những người bạn tại Sài Gòn - Ảnh: Bùi Thư
Anh nói: “Chúng ta đều sẽ chết cả nhưng điều đáng sợ là ta không biết khi nào lưỡi hái của Thần Chết sẽ cắt qua ta. Trong suốt chuỗi hoạt động tại những làng bị ảnh hưởng bởi cơn động đất, một ý nghĩ sượt qua tâm trí và tôi biết mình phải làm điều gì đó, không chỉ cho quê hương Nepal mà cho cả thế giới. Tôi phải mang thông điệp, tri thức và sự thấu hiểu của mình tới mọi nơi. Và thế là tôi lên kế hoạch bắt đầu hành trình đạp xe xuyên 100 quốc gia”.
Nghĩ là làm, Amrit lên kế hoạch kỹ lưỡng cùng hai người bạn là Shankar Ajit trong vòng 1 năm. Anh từ bỏ công việc ổn định tại bệnh viện, quẳng lại sau lưng mọi lời cản ngăn của bạn bè, tiến hành đạp xe khắp các quận nghèo ở Nepal và các nước khác. Cho tới tận bây giờ, khi đã rời đi được 5 tháng, nhiều người bạn của Amrit vẫn nhắn tin khuyên nhủ anh trở về với công việc, đừng điên khùng làm những chuyện không phải của mình.
Amrit khi còn là bác sĩ cứu trợ trong trận động đất tháng 4.2015 - Ảnh: NVCCAmrit khi còn là bác sĩ cứu trợ trong trận động đất tháng 4.2015 - Ảnh: NVCC
“Khi ấy tôi chỉ cười và nói những gì mình nghĩ. Tôi đã sống quá lâu trong vùng an toàn nhàm chán của bản thân. Một ngày làm việc từ 7 giờ sáng tới tận 10 giờ tối và không có nổi thời gian dành cho những nguyện vọng của chính mình. Chúng ta thích kiếm tiền, muốn nước mình lớn mạnh bằng cách bùng nổ những cuộc tranh chấp dầu mỏ mà không nhận ra trái đất đang bị đe dọa bởi ô nhiễm môi trường. Rồi một ngày, chúng ta sẽ giết hại lẫn nhau vì nguồn nước sạch”, Amrit trầm ngâm lý giải.
Mất hành lý, phải ngủ trên quốc lộ
Đến mỗi quốc gia, Amrit và hai người bạn đều tổ chức chiến dịch vận động mọi người thu gom rác và thực hiện những buổi thuyết trình về cách thức phân loại rác và phòng chống HIV. Như ở Colombo, thủ đô của Sri Lanka, Amrit và hai người bạn đã tổ chức chiến dịch dọn dẹp vệ sinh cho bãi biển. Những người dân địa phương thấy người nước ngoài đến dọn vùng biển của đất nước họ, liền đến giúp một tay.
Ajit nhớ lại: “Các bãi biển hầu như bị ô nhiễm nặng. Rác thải quá nhiều khiến các sinh vật như rùa bị chết vì mắc phải bao ni lông, túi nhựa. Ba chúng tôi cùng nhau dọn dẹp và kêu gọi sự giúp đỡ của những người dân ở đó. Sau đó chỉ họ cách xử lý rác với 3R – Reduce (cắt giảm), Reuse (tái sử dụng) và Recycle (tái chế)”.
Khi leo lên những bản làng xa xôi trên núi ở Lào và Myamar, cả ba chứng kiến hơn 400 hộ dân sống ở đấy xả rác tràn ngập xung quanh nhà, xuống các thung lũng. Amrit, Sankar và Ajit tiếp tục huy động mọi người gom rác. Arit hứng khởi kể lại, có rất nhiều đứa trẻ thích chạy đến giúp: “Công việc dù rất mệt, rất khó khăn khi phải thay đổi thói quen của một cộng đồng, nhưng tôi thật sự rất thích công việc này”.
Amrit, Shankar và Ajit cùng người dân thu gom rác - Ảnh: NVCCAmrit, Shankar và Ajit cùng người dân thu gom rác - Ảnh: NVCC
Trong suốt 5 tháng lang bạt khắp nơi để truyền đi thông điệp, cả ba gặp phải không ít khó khăn. Mỗi lần đến vùng biên giới, cả ba đều bị bắt lại và hầu hết cảnh sát đều cho là điên rồ khi đạp xe qua đất nước họ. Nhưng cũng nhờ những bài báo, giấy tờ và có kế hoạch cụ thể nên ‘ba chàng lính ngự lâm’ nhanh chóng được thả và được cho phép lưu hành.
Giăng lều ngủ trong rừng, ngủ trên những quốc lộ và ăn uống vội vã là chuyện thường ngày mà cả ba phải trải qua để giảm bớt phần nào chi phí trong suốt cuộc đạp xe. Thế nhưng vẫn có những tình huống ‘dở khóc dở cười’ diễn ra như khi đến Bangkok (Thái Lan) và Myamar, Amrit mất hết hành lý, mất cả máy chụp hình, quần áo. Khi đạp xe ở Lào thì Ajit bị té gãy mất răng cửa và chấn thương bả vai. Khi xin tài trợ ở những hãng xe đạp, cả ba đều bị từ chối vì các hãng xe chỉ muốn quảng bá thương hiệu trong các sự kiện thể thao chứ không phải là những dự án vì môi trường.
‘Người tốt còn nhiều và họ là động lực’
Sau những phút lặng đi vì bao nhiêu khủng hoảng, khó khăn ập đến và cả ba cảm thấy đơn độc trên con đường vận động vì cuộc sống của mọi người, Amrit kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về những người tốt đã giúp đỡ các anh. Khi bị mất hành lý ở Thái, có người khách du lịch đã mua tặng anh ba lô, khi đến một nhà thờ ở Ấn Độ, vị giám mục đã cho cả ba chỗ ở và trước khi lên đường đi Maldives, ông ấy cho 2.000 USD để làm lộ phí.
“Như khi chúng tôi đến Việt Nam, anh Nguyễn Duy dù chỉ quen biết qua mạng đã cho chúng tôi chỗ ở, mẹ anh đã nấu nhiều món thật ngon. Trên hành trình của mình, chúng tôi gặp được nhiều người bạn tuyệt vời. Có một cô họa sĩ trẻ người Pháp tình cờ gặp ba lần: ở Sri Lanka, Thái Lan và Campuchia. Cô ấy đi khắp nơi để khơi dậy niềm yêu thích nghệ thuật của mọi người. Cô ấy vẽ tranh, trang trí tường và khi ai đó giúp chúng tôi đồ ăn, tiền bạc và cho cả 4 chúng tôi chỗ ở”, Amrit hào hứng kể.
Trên đường đi, xe đạp có trục trặc gì cả ba đều phải tự sửa để tránh nảy sinh thêm chi phí - Ảnh: NVCCTrên đường đi, xe đạp có trục trặc gì cả ba đều phải tự sửa để tránh nảy sinh thêm chi phí - Ảnh: NVCC
Những khi cùng cực, Amrit, Shankar và Ajit nghĩ đến những người nhiễm HIV. Cả ba bị ám ảnh bởi con số tự tử của người mang bệnh thế kỷ và điều đó thôi thúc họ tiếp tục kế hoạch của mình: “Không phải ai bệnh cũng hành nghề mại dâm hay sử dụng ma túy. Ở Campuchia, có nhiều nhà sư bị nhiễm HIV do thiết bị y tế trong bệnh viện không được khử trùng đúng cách. Vì vậy, không ai đáng bị kỳ thị, bị xem như súc vật và đuổi khỏi nhà. Họ có thể còn cống hiến được cho xã hội, chúng tôi đã đến Agape Home ở Thái Lan – ngôi nhà dành cho trẻ bị nhiễm HIV để học cách hoạt động ở đó và áp dụng cho dự án của mình. Chúng tôi không thể nào bỏ cuộc, những người tốt chúng tôi gặp là động lực để tiếp tục mọi thứ”.
Khi trò chuyện với ba con người này, niềm tin chưa phút nào nguội tắt trong đáy mắt họ. Chỉ cần có người chạy đến giúp, có người để ý và coi trọng việc họ làm là đủ để họ tiếp tục hành trình đạp xe kêu gọi xuyên 100 quốc gia của mình. Như lời Arit nói khi chào tạm biệt: “Chúng tôi không thể nào bỏ cuộc, những người tốt chúng tôi gặp là động lực để tiếp tục và tin vào mọi thứ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.