23 địa phương tái phát dịch tả lợn châu Phi

11/07/2019 09:54 GMT+7

Dịch tả lợn châu Phi diễn biến rất phức tạp, lây lan nhanh và cập nhật mới nhất đã có trên 3,3 triệu con lợn bị tiêu hủy. Đáng lưu ý, dịch tả lợn châu Phi có xu hướng tái phát trở lại ở nhiều địa phương.

Sáng nay, 11.7, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị bàn về các giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi, nhằm giới thiệu các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học hiệu quả, cũng như điều chỉnh, thống nhất một số giải pháp mới, hiệu quả trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại các địa phương.
Theo thống kê mới nhất của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), dịch tả lợn châu Phi đã được ghi nhận xảy ra tại 4.442 xã, 513 huyện của 62 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy đã tăng lên trên 3,3 triệu con. Đến thời điểm hiện tại, Ninh Thuận là tỉnh duy nhất chưa bị dịch tả lợn châu Phi tấn công.
Đáng lưu ý, dịch tả lợn châu Phi có xu hướng tái phát trở lại ở nhiều địa phương sau một thời gian dài không ghi nhận có lợn chết vì dịch. Theo thống kê, cả nước có 106 xã thuộc 23 tỉnh, thành phố có các ổ dịch đã trải qua 30 ngày, nhưng sau đó lại phát sinh trở lại các ổ dịch mới.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, dịch tả lợn châu Phi đã trải qua 160 ngày được phát hiện chính thức tại Việt Nam, tính từ khi ổ dịch đầu tiên được giám định tại Hưng Yên. Bộ NN-PTNT ghi nhận, trong suốt nhiều năm qua, chưa có một loại dịch nào gây tác hại lớn, khó khăn và vất vả cho việc phòng, chống dịch như dịch tả lợn châu Phi vừa qua.
Ông Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh, thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gây ra rất nặng nề, khi ổ dịch bùng phát chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, liên quan trực tiếp đến sinh kế của người nông dân. Bên cạnh đó, khoản kinh phí các địa phương chi cho công tác phòng chống dịch là rất lớn, số kinh phí này vượt quá ngân sách dự phòng của nhiều địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, qua tổng kết từ thực tiễn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học hiện là vũ khí duy nhất để giúp các hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi lớn phòng ngừa dịch tả lợn châu Phi trong thời điểm này. Bởi theo khảo sát, dịch chủ yếu xảy ra ở các nông hộ nhỏ lẻ, quản lý, kiểm soát kém, còn đối với các sơ sở chăn nuôi công nghiệp kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào, sử dụng các chế phẩm sinh học khử trùng tiêu độc, thì vẫn an toàn trước dịch bệnh.
“Không còn con đường nào khác, ngành chăn nuôi lợn phải sống chung với vi rút dịch tả lợn châu Phi để tính toán các bước phát triển trong tương lai, dịch bệnh này không quá đáng sợ nếu nắm vững và áp dụng đúng các nguyên lý phòng ngừa”, ông Cường nói.
Cũng theo Bộ NN-PTNT, để bảo vệ ngành chăn nuôi lợn, Bộ đã huy động các doanh nghiệp chăn nuôi lợn, trung tâm lưu giữ giống lớn triển khai các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn giống cụ kỵ, ông bà, sẵn sàng phục vụ cho việc khôi phục và phát triển sản xuất của các địa phương khi có điều kiện. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã chỉ đạo và tổ chức xây dựng được 821 vùng, cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.