23 chức danh lãnh đạo Nhà nước sẽ lấy phiếu giới thiệu tại Hội nghị T.Ư 3

Lê Hiệp
Lê Hiệp
06/07/2021 14:21 GMT+7

Hội nghị T.Ư 2 đã bỏ phiếu giới thiệu, lấy ý kiến với 27 chức danh lãnh đạo Nhà nước. Tại Hội nghị T.Ư 3 đang diễn ra, Bộ Chính trị đề nghị chỉ lấy phiếu với 23 chức danh lãnh đạo còn lại.

Phát biểu khai mạc Hội nghị T.Ư 3 sáng 5.7, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, tại Hội nghị T.Ư 2 (3.2021), Ban Chấp hành T.Ư đã xem xét, quyết định giới thiệu nhân sự các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và cho ý kiến giới thiệu nhân sự đảm nhiệm 24 chức danh lãnh đạo khác của các cơ quan nhà nước.
Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV (tháng 3 - 4.2021), Quốc hội đã bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và bầu hoặc phê chuẩn đối với 24 chức danh lãnh đạo khác của các cơ quan nhà nước.
Tại hội nghị này, Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành T.Ư xem xét, giới thiệu nhân sự theo hướng: đối với các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và 24 chức danh lãnh đạo khác của các cơ quan nhà nước đã được Hội nghị T.Ư 2 khoá XIII bỏ phiếu giới thiệu hoặc cho ý kiến thông qua với số phiếu tín nhiệm cao thì Ban Chấp hành T.Ư không tiến hành bỏ phiếu giới thiệu hoặc lấy ý kiến lại.
Đối với 23 chức danh còn lại chưa lấy phiếu giới thiệu tại Hội nghị T.Ư 2 và các chức danh có dự kiến thay đổi so với lần trước, Bộ Chính trị sẽ xin ý kiến T.Ư bằng phiếu trước khi chính thức giới thiệu để Quốc hội xem xét bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV.

27 chức danh đã bỏ phiếu giới thiệu tại T.Ư 2

Nếu T.Ư đồng ý với đề nghị của Bộ Chính trị thì 27 nhân sự cho các chức danh đã được bầu, phê chuẩn tại kỳ họp 11, gồm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và 24 chức danh khác sẽ không cần bỏ phiếu giới thiệu, lấy ý kiến lại.
Cụ thể, ngoài 3 vị trí lãnh đạo chủ chốt, 24 chức danh đã được bầu, phê chuẩn tại kỳ họp 11 vừa qua gồm:
Khối Chủ tịch nước có Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân.
Khối Chính phủ có: 2 Phó thủ tướng Lê Văn Thành, Lê Minh Khái; 12 bộ trưởng, trưởng ngành gồm Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng NNPT-NT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.
Khối Quốc hội có 3 Phó chủ tịch Trần Thanh Mẫn, Nguyễn Đức Hải và Nguyễn Khắc Định; 6 uỷ viên Thường vụ là Chủ nhiệm các uỷ ban, gồm: Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Lê Quang Huy; Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh và Tổng kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh.

Lấy phiếu 23 chức danh lãnh đạo trước khi trình Quốc hội

Theo cơ cấu hiện tại, ngoài 27 chức danh đã được Quốc hội bầu, phê chuẩn nói trên, còn 24 chức danh phải được Quốc hội phê chuẩn. 
Việc T.Ư chỉ lấy phiếu 23 chức danh có thể là do những thay đổi trong cơ cấu của các cơ quan lãnh đạo Nhà nước trong nhiệm kỳ mới. 
Cụ thể, khối Chính phủ còn 3 chức danh Phó thủ tướng (ngoài 2 vị đã được phê chuẩn tại kỳ họp 11); 10 bộ trưởng, trưởng ngành ở các vị trí Bộ trưởng Công an; Tư pháp; Kế hoạch -  Đầu tư; Giao thông Vận tải; Tài nguyên - Môi trường; Thông tin - Truyền thông; Lao động - Thương binh - Xã hội; Khoa học - Công nghệ; Y tế; và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Trong số 13 chức danh nói trên, chỉ có trường hợp Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình không vào Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII, do đó dự kiến sẽ không tiếp tục được giới thiệu đảm nhiệm chức vụ này trong khóa tiếp theo.
Còn lại, những người hiện đang giữ các chức danh nói trên đều trúng cử Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII, do đó, dự kiến sẽ tiếp tục giữ các chức vụ hiện tại.
Ở khối Quốc hội, 9 chức danh sẽ được xin ý kiến T.Ư gồm: 1 phó chủ tịch Quốc hội, chủ tịch Hội đồng dân tộc, chủ nhiệm các Ủy ban: Quốc phòng An ninh, Tài chính Ngân sách, Về các vấn đề xã hội, Tư pháp, Kinh tế, Pháp luật, và Trưởng ban Dân nguyện.
Trong số này, Chủ nhiệm các Ủy ban Về các Vấn đề xã hội, Tư pháp, Kinh tế, Pháp luật và Trưởng ban Dân nguyện đều là Ủy viên T.Ư khóa XIII, do đó, dự kiến sẽ được giới thiệu tiếp tục đảm nhiệm các chức vụ này trong khóa mới.
Còn lại, các chức vụ: Phó chủ tịch Quốc hội hiện do ông Đỗ Bá Tỵ đảm nhiệm; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc hiện do ông Hà Ngọc Chiến đảm nhiệm; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh do ông Võ Trọng Việt đảm nhiệm; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách hiện do Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kiêm sẽ phải giới thiệu các nhân sự mới thay thế do những người đang giữ các chức danh này đã hết tuổi hoặc được bầu giữ vị trí khác.
Ngoài ra, theo quy định, còn 2 vị trí đứng đầu TADND tối cao, Viện KSND tối cao cũng sẽ được Quốc hội bầu vào kỳ họp tới, do đó cũng sẽ được T.Ư bỏ phiếu giới thiệu hoặc lấy ý kiến. 
Lãnh đạo của TAND tối cao hiện nay là ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng; còn Viện trưởng KSND tối cao là ông Lê Minh Trí, Ủy viên T.Ư.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.