2 'lỗ hổng' vắc xin của Hà Nội

Lê Hiệp
Lê Hiệp
06/09/2021 08:38 GMT+7

Nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát ở Hà Nội rất cao và hậu quả khi dịch lây lan là rất lớn nếu như thủ đô không đẩy nhanh việc tiêm vắc xin, theo các chuyên gia.

Phần nổi của tảng băng

Từ hôm nay, 6.9, Hà Nội bước vào đợt giãn cách xã hội thứ 4, kéo dài tới ngày 21.9. Sau 3 đợt giãn cách, Hà Nội vẫn chưa thể "bóc tách hết F0 ra khỏi cộng đồng".
Số ca bệnh ghi nhận mỗi ngày trong 45 ngày qua từ vài chục đến hơn 100 ca. Tổng số ca bệnh Covid-19 tại thủ đô tới hết ngày 5.9 là 3.775 ca.
Số ca bệnh ghi nhận mỗi ngày thấp được cho là thành quả của việc Hà Nội “chấp nhận đau thương”, thực hiện việc giãn cách xã hội sớm và nghiêm ngặt. Tuy nhiên, đó chỉ mới là một góc nhìn.

Bộ Y tế: Nguồn vắc xin Covid-19 hiện rất hạn chế, chưa tiêm cho học sinh

Theo bác sĩ - tiến sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Đào tạo phát triển cộng đồng, con số ca bệnh hàng ngày có thể không phản ánh hết nguy cơ dịch bệnh tại Hà Nội.
“Số trường hợp F0 phát hiện được có thể chỉ là phần nổi của tảng băng những người đang mang mầm bệnh Covid-19 trong cộng đồng”, ông Tuấn nói, và cho rằng Hà Nội đang thiếu hệ thống giám sát dịch - tễ - bệnh kịp thời dựa trên sự tham gia chủ động của người dân để có thể đánh giá đầy đủ tình hình dịch bệnh.

Số trường hợp F0 phát hiện được có thể chỉ là phần nổi của tảng băng những người đang mang mầm bệnh Covid-19 trong cộng đồng

Bác sĩ, tiến sĩ Trần Tuấn

Theo ông Tuấn cho rằng, dịch Covid-19 tại Hà Nội (cũng như nhiều tỉnh, thành cả nước) đã chuyển sang "dịch nội sinh", mầm bệnh có thể ở bất cứ đâu trong cộng đồng. Các ổ dịch tại Hà Nội ghi nhận trong những ngày qua hầu hết đều không rõ nguồn lây. 
“Nguy cơ dịch tại Hà Nội lây lan rộng và gia tăng số ca nhiễm trong thời gian tới là rất cao. Với dịch nội sinh, việc thực hiện giãn cách thực chất chỉ kéo dài thời gian diễn biến của dịch bệnh mà thôi”, ông Tuấn nói thêm.

2 “lỗ hổng” vắc xin

Theo ông Tuấn, nguy cơ Hà Nội có thể xảy ra diễn biến đè nặng lên hệ thống y tế như TP.HCM là hoàn toàn có thể, nếu không triển khai phương án tiêm vắc xin kịp thời cho những đối tượng có nguy cơ bệnh nặng, và không triển khai đúng chiến lược hướng dẫn, chăm sóc tại nhà sớm và đúng.
Từ đó, ông Tuấn cho rằng, cần tập trung và ưu tiên vắc xin cho Hà Nội để đẩy nhanh mục tiêu 70% người dân được tiêm ít nhất 1 mũi, đặc biệt là những người cao tuổi và có bệnh nền - những đối tượng nguy cơ trở nặng cao khi nhiễm bệnh.
Ông Tuấn phân tích, nguy cơ dịch bùng phát ở Hà Nội là rất cao và hậu quả khi dịch bùng phát ở thủ đô sẽ rất nặng nề là 2 lý do chính cần tập trung vắc xin cho Hà Nội.

Các ổ dịch trên địa bàn Hà Nội hầu hết đều không rõ nguồn lây

Trần Cường

Với tình hình dịch bệnh chuyển sang dịch nội sinh, cùng với mật độ dân cư cao, hạ tầng cơ sở khiến người dân không đảm bảo được giãn cách xã hội ngay cả khi chỉ thực hiện các hoạt động thiết yếu, khiến một khi dịch bùng phát ở Hà Nội sẽ lây lan rất nhanh.
Bên cạnh đó, một khi dịch bệnh bùng phát tại Hà Nội, thì việc phong tỏa để ngăn chặn chắc chắn sẽ diễn ra. “Khi thủ đô bị ảnh hưởng thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều mặt khác và ảnh hưởng sẽ nặng nề, lâu dài hơn”, ông Tuấn phân tích.
Cùng quan điểm này, Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng về nguyên tắc, vắc xin cần được ưu tiên cho những nơi có nguy cơ cao. Những thành phố như Hà Nội, TP.HCM là những nơi rất đông dân, mật độ dân cư cao nên việc sớm tiêm vắc xin là cần thiết.
“Hà Nội đông đúc quá. Thứ 2 là kinh tế. Hà Nội và TP.HCM đều là những đầu tàu cho nên dồn vắc xin cho Hà Nội và TP.HCM là đúng. Ở những khu vực nông thôn thì việc giãn cách xã hội, thực hiện "5K" cũng dễ hơn”, ông Nga phân tích.

Ưu tiên vắc xin Covid-19 cho Hà Nội nhằm sớm đạt độ phủ dân số, đặc biệt là nhóm đối tượng người cao tuổi, người có bệnh nền, được các chuyên gia cho rằng cần sớm thực hiện để bảo vệ thủ đô

Đậu Tiến Đạt

Tuy nhiên, ông Nga cũng cho rằng, “lỗ hổng vắc xin” của Hà Nội không chỉ ở độ phủ thấp (theo Sở Y tế Hà Nội hiện nay mới đạt 32% dân số) mà còn ở chỗ tỷ lệ đối tượng nguy cơ (người cao tuổi, người có bệnh nền) còn thấp hơn do thời gian đầu triển khai tiêm vắc xin Hà Nội không ưu tiên tiêm cho đối tượng này.
“Cần phải ưu tiên vắc xin cho Hà Nội, đồng thời phải sớm tiêm cho người cao tuổi và người có bệnh nền. Điều này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho bệnh viện nếu dịch xảy ra với nhóm nguy cơ cao”, ông Nga nói.
Tiến sĩ Trần Tuấn cũng chỉ ra "lỗ hổng" này trong chiến lược vắc xin của Hà Nội khi cho biết, trong những hướng dẫn đầu tiên của Bộ Y tế xếp đối tượng người cao tuổi và người có bệnh nền ở đối tượng ưu tiên thứ 7, nhưng đến khi Thủ đô triển khai tiêm vắc xin thì đối tượng này bị loại khỏi danh sách ưu tiên, tới mãi sau này mới đưa vào diện được ưu tiên. 

"Trên thế giới, đây là đối tượng ưu tiên tiêm hàng đầu vì tỷ lệ trở nặng và tử vong cao nếu nhiễm bệnh", ông Tuấn phân tích.
Bộ Y tế ngày hôm qua, 5.9, cũng đã có văn bản nhắc nhở về việc này.

Bộ Y tế nói gì về cấp phép vắc xin ngừa Covid-19 NanoCovax?

Bảo vệ thủ đô

Bên cạnh những lý do về nguy cơ dịch bệnh bùng phát, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cũng cho rằng, một lý do để tập trung vắc xin cho Hà Nội chính là việc thủ đô là nơi tập trung những thiết chế quan trọng hàng đầu của đất nước.

Việc Hà Nội đóng cửa và tê liệt vì dịch được cho là sẽ ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế xã - hội thủ đô và nhiều tỉnh lân cận

Trần Cường

“Hà Nội gần như cái não, đầu mối của đất nước. Tất cả cơ quan trung ương, cơ quan đầu não, những cơ quan phải ban hành quyết định hệ trọng nhất đều đóng ở đây. Do đó, nếu thủ đô khó khăn sẽ ảnh hưởng đến điều hành công việc chung, nền quản trị chung của đất nước”, ông Dũng nhìn nhận.
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng cho rằng, về mặt kinh tế, Hà Nội cũng là một trung tâm, thị trường lớn. “Một khi Hà Nội tê liệt sẽ ảnh hưởng rất lớn tới bên ngoài. Thành thử nên ưu tiên Hà Nội. Hà Nội trở lại cuộc sống bình thường được thì như là động lực để kinh tế, thị trường có cầu, kinh tế ăn theo phát triển”, ông Dũng phân tích.
Từ góc nhìn này, tiến sĩ Trần Tuấn cho rằng, trong điều kiện nguồn lực về vắc xin hạn chế thì cần phải tính đến hiệu quả. Việc ưu tiên vắc xin cho những vùng nguy cơ cao như Hà Nội là đúng theo chỉ định dịch tễ. "Việc tập trung vắc xin Covid-19 cho Hà Nội vào lúc này theo đúng các chỉ định khoa học chính là một biện pháp đạt hiệu quả cao nhất, vì chúng ta sẽ rút ra được những bài học sớm nhất cho các tỉnh, thành khác", ông Tuấn phân tích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.