17 người chết vì tai nạn trên 100.000 giấy phép lái xe được cấp mỗi năm

Mai Hà
Mai Hà
22/04/2019 15:29 GMT+7

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, đào tạo sát hạch giấy phép lái xe dù đã có những cải thiện trong thời gian qua, nhưng còn "quãng đường" rất xa so với Nhật, Đài Loan...

Sáng 22.4, Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia và Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) đã công bố chủ đề nghiên cứu năm 2019: “Thực trạng công tác đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ tại Việt Nam và giải pháp cải thiện”. Dự kiến kết quả sẽ được công bố vào tháng 2.2020.
Lý giải việc lựa chọn chủ đề đào tạo, sát hạch lái xe, theo ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, thời gian qua, chất lượng đào tạo sát hạch lái xe đã có nhiều bước tiến như chuẩn hoá sân tập lái, bổ sung các thiết bị mô phỏng tình huống đường dốc, sử dụng thiết bị chấm điểm tự động trong sát hạch lý thuyết, thực hành, tăng cường kiểm tra giám sát... 
Nghiên cứu đào tạo, sát hạch lái xe sẽ được công bố đầu năm 2020 Ảnh M.H
Phó chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông dẫn chứng, trước năm 1990, tỷ lệ người chết do tai nạn giao thông tại Việt Nam là 600 - 700 người/100.000 giấy phép lái xe mỗi năm, thì đến nay tỷ lệ chỉ còn 16 người chết/100.000 giấy phép lái xe. Tuy nhiên, theo ông Hùng, dù đã tiến bộ so với chính mình, nhưng nếu nhìn sang Nhật Bản thì chúng ta còn quãng đường rất dài khi tỷ lệ này tại Nhật chỉ ở mức 3 - 6 người chết/100.000 giấy phép lái xe.
“Các trung tâm đào tạo sát hạch giấy phép lái xe về cơ bản thực hiện khá nghiêm, nhưng vẫn còn dư luận về tình trạng "bao đậu", chạy bằng, khiến nhiều người có bằng xong vẫn không đủ tự tin tham gia giao thông. Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã chỉ đạo Bộ GTVT rà soát chương trình đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe, đảm bảo tính minh bạch. Với các dư luận về việc bao đậu, Bộ Công an cũng đã có những chuyên án điều tra”, ông Hùng khẳng định.
Theo ông Hùng, khi còn tai nạn giao thông thì nhiệm vụ của cơ quan quản lý là phải tiếp tục nghiên cứu các giải pháp an toàn hơn, trong đó có con người. Việc lựa chọn chủ đề đào tạo, sát hạch lái xe nhằm tổng hợp kinh nghiệm quốc tế như Nhật Bản, Đài Loan... trong quản lý chất lượng đào tạo và sát hạch lái xe trên thế giới, kết hợp phân tích các yêu cầu, thực trạng của Việt Nam, đề xuất các giải pháp hiệu quả hơn trong đào tạo, sát hạch lái xe.
Đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với VAMM trong nỗ lực nâng cao chất lượng các hoạt động an toàn giao thông. Ông Keisuke Tsuruzono, Chủ tịch VAMM, cho biết năm 2019 sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ đào tạo kiến thức về an toàn giao thông cho hơn 5 triệu người dân (tăng 130% so với năm 2018), đồng thời trao tặng 31.000 mũ bảo hiểm xe máy cho người dân trên toàn quốc.
Tính từ năm 2014, VAMA đã đào tạo, tuyên truyền an toàn giao thông cho 13 triệu học sinh, sinh viên, trao tặng 200.000 mũ bảo hiểm...
Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia và VAMM hôm nay cũng đã công bố kết quả cuộc thi làm phim về an toàn giao thông: “TÔI BIẾT - TÔI THAY ĐỔI” được triển khai năm 2018. Đây là một dự án rất thành công, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ với 103 tác phẩm dự thi từ nhiều đối tượng khác nhau, từ các nhóm làm phim chuyên nghiệp cho đến nhóm học sinh/phụ huynh trung học và nhóm sinh viên đại học, thông tin về cuộc thi đã tiếp cận gần 6,5 triệu người, tổng lượt xem cán mốc hơn 2 triệu lượt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.