13 điều sai lệch về Covid-19 đang lan truyền trên mạng xã hội

Bích Ngân
Bích Ngân
10/06/2021 15:03 GMT+7

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) lưu ý người dân cần kiểm chứng những thông tin liên quan dịch bệnh Covid-19 sai sự thật lan truyền trên mạng xã hội .

Ngày 10.6, HCDC cho biết trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhất là khi có sự xuất hiện của các biến chủng virus mới, trong khi ngành y tế và các ban ngành đoàn thể đang tích cực thực hiện các biện pháp cần thiết để kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh, thì trên mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều những thông tin về dịch bệnh sai sự thật, chưa được kiểm chứng.

Tối 10.6: Thêm 61 ca Covid-19 tại 6 địa phương, TP.HCM có 20 bệnh nhân

Nín thở hơn 10 giây có thật là không mắc Covid-19 ?

Hiện nay, mạng xã hội lan truyền thông tin “Cách nhanh nhất để tự nhận biết mình không mắc Covid-19 là nín thở trong 10 giây trở lên mà không ho hay cảm thấy khó chịu”, theo HCDC, đây là thông tin sai sự thật.
Thực tế, các triệu chứng phổ biến của Covid-19 là ho khan, mệt mỏi và sốt. Một số người có thể tiến triển nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như viêm phổi. Cách tốt nhất để xác định bạn có nhiễm vi rút gây nhiễm Covid-19 hay không là xét nghiệm.

Tắm nước nóng có thể diệt 'virus Corona' ?

Theo thông báo của HCDC, tắm nước nóng sẽ không ngăn bạn nhiễm Covid-19. Nhiệt độ cơ thể bình thường của bạn duy trì trong khoảng 36,5oC đến 37oC, bất kể nhiệt độ của bồn tắm hay vòi hoa sen. Trên thực tế, tắm nước quá nóng có thể có hại vì bạn có thể bị bỏng.
Theo HCDC, cách tốt nhất để bảo vệ bạn khỏi Covid-19 là thường xuyên vệ sinh tay vì chúng ta thường đưa tay lên mặt nên cách này sẽ giúp tránh đưa virus vào bên trong.

Cuộc sống trong con hẻm ở trung tâm TP.HCM có 5 người nhiễm Covid-19

Làm khô tay bằng máy sấy tay có phòng được Covid-19 ?

HDCD cho biết trên mạng xã hội lan truyền thông tin “Rửa tay dưới vòi nước và sau đó dùng máy sấy tay thì cũng phòng được Covid-19” là sai sự thật.
Thực tế, máy sấy tay không hiệu quả trong việc tiêu diệt virus Corona gây bệnh Covid-19. Để bảo vệ bản thân, hãy thường xuyên rửa tay bằng dung dịch rửa tay có cồn hoặc rửa tay bằng xà phòng và nước. Khi tay đã được làm sạch, bạn nên lau khô bằng khăn giấy hoặc sấy khí ẩm.

Khử trùng cơ thể bằng đèn cực tím có thể diệt Covid-19 ?

Hiện nay, trên mạng xã hội lan truyền thông tin “Dùng đèn cực tím để khử trùng tay hoặc cơ thể có thể diệt được vi rút gây bệnh Covid-19”. Theo thông báo của HCDC thì đây là thông tin sai sự thật, không nên dùng đèn cực tím (UV) để khử trùng tay hoặc những vùng da khác.
HCCD lưu ý, bức xạ UV có thể gây kích ứng da và làm hỏng mắt. Để bảo vệ bản thân một cách hiệu quả nhất khỏi Covid-19, bạn cần rửa tay bằng nước rửa tay có cồn hoặc bằng xà phòng và nước.

Tiêm ngừa cúm có phòng được Covid-19 ?

HCCD lưu ý người dân, vắc xin phòng các bệnh gây viêm phổi không bảo vệ bạn khỏi Covid-19. Các loại vắc xin phòng bệnh viêm phổi, chẳng hạn như vắc xin phế cầu và vắc xin Haemophilus influenzae loại B (Hib) không bảo vệ chống lại vi rút gây bệnh Covid-19.
Virus gây bệnh Covid-19 rất mới và khác biệt nên nó cần có vắc xin riêng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nhà nghiên cứu đang cố gắng phát triển các loại vắc xin chống lại Covid-19.
HCDC lưu ý thêm, mặc dù các loại vắc xin này không có hiệu quả chống lại Covid-19 nhưng việc tiêm phòng các bệnh hô hấp là nên làm để bảo vệ sức khỏe của bạn.

Hẻm 415 Nguyễn Văn Công gỡ phong tỏa, kết thúc 14 ngày thấp thỏm vì Covid-19

Rửa mũi bằng nước muối có giúp ngăn ngừa Covid-19 ?

HCDC cho biết không có bằng chứng nào cho thấy việc thường xuyên rửa mũi bằng nước muối giúp tránh nhiễm Covid-19. Việc thường xuyên rửa mũi bằng nước muối giúp cải thiện nhanh đường hô hấp sau cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, thường xuyên rửa mũi không được chứng minh là có thể ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp.

Ăn tỏi giúp ngăn ngừa Covid-19?

Tỏi là một loại thực phẩm lành mạnh có thể có một số đặc tính kháng khuẩn. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào từ các đợt bùng phát dịch hiện nay cho thấy ăn tỏi bảo vệ chúng ta tránh khỏi loại vi rút này, theo HCDC.

Ăn thức ăn cay, nóng có thể ngăn ngừa Covid-19?

HCDC khuyến cáo việc bỏ thêm hạt tiêu, ớt cay vào súp trong các bữa ăn không ngăn ngừa hoặc chữa khỏi bệnh Covid-19.

Muỗi có thể truyền virus corona?

HCDC cho biết, thông tin “Muỗi có thể truyền virus Corona từ người khỏe sang người bệnh. Ruồi, côn trùng có thể truyền bệnh Covid-19” là tin đồn sai sự thật. Cho đến nay, không có bằng chứng hoặc thông tin nào cho thấy virus Corona lan truyền qua ruồi, muỗi. Virus Corona lây lan chủ yếu qua các giọt nhỏ được tạo ra khi người bị nhiễm ho, hắt hơi hoặc nói chuyện.
Ngoài ra, bạn cũng có thể bị nhiễm Covid-19 khi chạm vào bề mặt bị nhiễm Covid-19 và sau đó chạm vào mắt, mũi hoặc miệng trước khi rửa tay.

Đưa thuốc tẩy vào cơ thể có thể phòng Covid-19 ?

Theo thông báo của HCDC, phun và đưa thuốc tẩy, chất khử trùng vào cơ thể không bảo vệ bạn khỏi Covid-19 mà còn có thể gây nguy hiểm. Thuốc tẩy và chất khử trùng chỉ nên khử trùng bề mặt và cần để xa tầm tay trẻ em.
Trong bất kỳ trường hợp nào, không được xịt hoặc cho thuốc tẩy hoặc bất kỳ chất khử trùng nào khác vào cơ thể của bạn. Những chất này có thể gây hại nếu ăn phải và gây kích ứng, tổn thương cho da và mắt của bạn.

Uống metanol, etanol có thể ngăn ngừa Covid-19 ?

Việc uống metanol, etanol, chất tẩy trắng không giúp ngăn ngừa hoặc chữa khỏi Covid-19 mà có thể gây nguy hiểm. Thực tế, các chất này là những chất độc, có thể gây tàn tật và tử vong nếu uống. Các chất này chỉ dùng để khử trùng các đồ vật và bề mặt.

Nắng 25 độ C có bảo vệ khỏi Covid-19?

Theo HCDC, tiếp xúc ánh nắng mặt trời hoặc nhiệt độ cao hơn 25oC không bảo vệ bạn khỏi Covid-19.

Mắc Covid-19 'cầm chắc' cái chết ?

HCDC lưu ý, mắc Covid-19 không có nghĩa là bạn bị nhiễm suốt đời. Hầu hết những người bị nhiễm Covid-19 có thể hồi phục. Nếu bạn mắc bệnh hãy tuân thủ điều trị.
Liên quan những tin đồn sai sự thật về dịch Covid-19, HCCD còn lưu ý nếu bạn bị ho, sốt và khó thở hãy đi khám bệnh ngay và khai báo y tế trung thực. Đồng thời, để bảo vệ bản thân chống lại Covid-19, bạn cần thực hiện 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.