10 phát ngôn ấn tượng của đại biểu tại kỳ họp 10 Quốc hội khóa XIV

Lê Hiệp
Lê Hiệp
18/11/2020 17:01 GMT+7

Kỳ họp 10 Quốc hội khóa XIV đã thu hút được sự quan tâm của người dân và truyền thông với nhiều phát ngôn, tranh luận đặc biệt ấn tượng của các đại biểu Quốc hội.

Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV vừa bế mạc ngày hôm qua, 17.11. Trong gần 20 ngày diễn ra, chia làm 2 đợt, Quốc hội đã xem xét nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, từ việc xem xét báo cáo kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách năm 2020, kế hoạch năm 2021 cho tới xây dựng luật, pháp lệnh và các nghị quyết của Quốc hội. 
Tại kỳ họp lần này, rất nhiều vấn đề nóng, gây tranh luận nhận được sự quan tâm của người dân và truyền thông như vấn đề nguyên nhân gây lũ lụt, sạt lở tại miền Trung hay việc tách luật Giao thông đường bộ, xây dựng luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, luật Bảo vệ môi trường sửa đổi... 
Dưới đây là những phát ngôn ấn tượng của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp 10 vừa qua:

Một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm khi bước vào kỳ họp là việc lũ lụt, sạt lở đất tại khu vực miền Trung gây ra rất nhiều thiệt hại, thương vong. Nguyên nhân của hiện tượng này trở thành tâm điểm của các cuộc tranh luận và cũng là nội dung được nhiều đại biểu chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành tại kỳ họp.

Tranh luận với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường về việc diện tích rừng của Việt Nam đang tăng lên nhưng bão lụt, sạt lở đất vẫn ngày càng gây hậu quả nặng nề hơn, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng, bão lụt chắc chắn sẽ còn xảy ra hàng năm, do vậy, cần có chiến lược lâu dài cho vấn đề này chứ không thể dùng lòng tốt để khắc phục hậu quả từ năm này qua năm khác.

Ảnh Gia Hân

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu tranh luận tại quốc hội tại phiên họp ngày 3.11.2020

Cũng tranh luận với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường về độ che phủ rừng của Việt Nam, đại biểu Ksor H'Bơ Khăp (Gia Lai) nói rằng, nghe Bộ trưởng Cường nói (về diện tích che phủ rừng) "thực sự thấy sai sai" vì mỗi kỳ họp, Quốc hội liên tục được nghe những dự án, công trình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, tức là chuyển đổi rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ. Đây đều là rừng tự nhiên nên không thể có chuyện diện tích rừng tự nhiên tăng lên. Nữ đại biểu Gia Lai cũng nhận được sự chú ý đặc biệt của dư luận với những phát biểu thẳng thắn tại kỳ họp khi chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành.

Tranh luận Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về việc xử lý các tấm pin mặt trời của các dự án điện mặt trời mà ông Tuấn Anh nói là đã có quy định, chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm xử lý. “Bây giờ điện năng lượng, pin năng lượng tràn lan. Sau này pin đó dùng để làm gì? Dùng để nướng bò một nắng hay sao, vì vùng lòng chảo của chúng tôi có đặc sản là bò một nắng, heo một nắng. Thế những tấm pin đó sẽ xử lý thế nào, đưa lên mặt trăng hay dùng để tiếp tục làm món đặc sản bò một nắng?”, bà Ksor H'Bơ Khăp nói.

Sau đó, tranh luận với Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà, đại biểu Ksor H'Bơ Khăp cho rằng, các câu hỏi của bà chưa được Bộ trưởng trả lời. "Tôi rất chăm chú lắng nghe và cố gắng thấu hiểu nhưng Bộ trưởng có nghe nhưng không hiểu tôi hỏi gì? Câu hỏi của tôi Bộ trưởng chưa trả lời", nữ đại biểu Gia Lai nói.

Ảnh Gia Hân

ĐBQH Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai) tranh luận với Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường tại quốc hội ngày 5.11.2020

Cũng liên quan tới nguyên nhân gây ra mưa lũ, sạt lở, nhiều ý kiến cho rằng, thủy điện nhỏ và vừa được xây dựng thiếu giám sát chặt chẽ chính là nguyên nhân chính gây ra mưa lũ, sạt lở. Trong khi đó, các Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đều cho rằng, đã có những quy định chặt chẽ đối với vấn đề thủy điện nhỏ và vừa và không thể đổ lỗi cho thủy điện nhỏ gây ra lũ lụt, sạt lở. 

Tranh luận với Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về vấn đề thuỷ điện, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng, ông Tuấn Anh nói là do chính quyền địa phương, do quy hoạch, do khâu tổ chức thực hiện là chưa ổn. "Phát biểu như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh từ hôm qua đến giờ, tôi thấy rằng mọi thứ chúng ta đều đúng cả, chỉ có trời là sai vì mưa nhiều quá", đại biểu Hồng nói.

Ảnh Gia Hân

Một vấn đề cũng được nhiều đại biểu quan tâm là việc nhiều chủ tịch UBND các cấp không chịu đối thoại, tham gia các phiên tòa hành chính. Sau khi tòa tuyên án thì không chịu thi hành các bản án. Án hành chính tồn đọng ngày một nhiều. Phó trưởng Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, việc nhiều UBND, chủ tịch UBND không chịu thi hành án hành chính mà không có ai bị xử lý khiến người dân bức xúc.

Ông Nhưỡng so sánh: "Việc của dân thì đè ra xử còn cơ quan nhà nước (sai) thì không có ai chịu trách nhiệm".

Ảnh Gia Hân

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: "Liệu có việc cơ quan nhà nước bao che cho nhau?"

Câu chuyện khiến kỳ họp Quốc hội vừa qua thu hút sự quan tâm "tới phút cuối cùng" chính là những bàn cãi, tranh luận xung quanh việc tách luật Giao thông đường bộ sửa đổi thành 2 luật. Theo đó, Chính phủ trình thêm một dự án luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ với nội dung cơ bản là chuyển thẩm quyền quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.

Tuy nhiên, từ thảo luận tại tổ cho tới thảo luận tại nghị trường, việc tách luật và chuyển thẩm quyền không nhận được sự đồng tình từ các đại biểu Quốc hội. Thảo luận tại tổ Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng, việc tách luật giống như một con lợn 4 chân bị xẻ thành 2 con lợn 2 chân, nghĩa là chữa lợn lành thành lợn què. Ông Sinh cũng không đồng tình việc chuyển cho Bộ Công an sát hạch, cấp giấy phép lái xe vì lý do bằng lái xe giả còn nhiều. Theo ông Sinh, nếu theo lý do này thì giờ có tiền giả thì việc in tiền cũng phải chuyển cho Bộ Công an làm. 

Ảnh Gia Hân

Cũng thảo luận về việc tách luật Giao thông đường bộ, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho rằng, ông rất hoanh nghênh, cảm kích ngành công an "dù các đồng chí bận trăm công ngàn việc mà toàn là những việc quan trọng nhưng không ngại khó khăn mà vẫn gánh vác thêm nhiều trọng trách trong xã hội".

Tuy nhiên, ông Hận cho rằng, như dân gian có câu “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”, hiện nay, trật tự an toàn xã hội còn phức tạp, tội phạm ma túy, trộm cắp, băng nhóm tội phạm số đề... vẫn là vấn đề nhức nhối của xã hội, chưa được kiềm chế một cách có hiệu quả. Do đó, theo ông Hận, “lực lượng công an theo chức năng nhiệm vụ của mình giải quyết tốt các vấn đề nêu trên, để quốc thái dân an thì nhân dân cảm kích, tôn vinh lắm rồi mà không cần nhận thêm nhiều nhiệm vụ khác”. 

Ảnh Gia Hân

Cũng thảo luận về việc tách luận, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, trong câu chuyện này, Chính phủ làm chưa hết trách nhiệm và cần phải xem xét lại công tác xây dựng, ban hành văn bản luật Giao thông đường bộ sửa đổi, có tình trạng nể nang, né tránh, không thể hiện hết quyền lực của mình trong vấn đề trình ra Quốc hội một dự thảo như thế. Đến khâu Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại thấy rõ ràng cũng chưa thể hiện hết quyền lực của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà lại đưa vấn đề khó khăn này ra cho Quốc hội và kết cục là chỉ có một người đồng ý, còn lại tất cả đều thể hiện rất băn khoăn và bức xúc.

Từ đó, bà Khánh đề nghị kiểm điểm trách nhiệm trong việc làm mất thời gian của Quốc hội. Bà Khánh cũng cho biết "nói như vậy có thể có nhiều người không đồng tình và phê bình" nhưng bà vẫn phải nói. Kết quả xin ý kiến của đại biểu Quốc hội sau đó cho thấy, đa số đại biểu Quốc hội không đồng tình với việc tách luật cũng như chuyển thẩm quyền sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho Bộ Công an.

Ảnh Gia Hân

Một dự án luật khác cũng nhận được nhiều tranh luận là luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở. Nội dung chính của luật là thống nhất khoảng 700.000 người thuộc 3 lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng và công an bán chuyên trách dôi dư hiện nay thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Biên chế của lực lượng mới là khoảng 1,5 triệu người.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu lo lắng rằng, việc thành lập lực lượng mới sẽ làm tăng biên chế và chi phí ngân sách cho cả T.Ư lẫn địa phương. Đại biểu Nguyễn Mai Bộ phân tích và chỉ rõ, báo cáo của Bộ Công an nói rằng, sau khi lập lực lượng mới sẽ giảm 500.000 người (từ 2 triệu theo kế hoạch xuống 1,5 triệu người) nhưng thực tế lực lượng hiện có chỉ 700.000 người, nên sau khi thành lập lực lượng mới với biên chế là 1,5 triệu thì sẽ tăng thêm 800.000 người chứ không giảm đi. Theo ông Bộ, lực lượng như vậy là quá lớn.

Ảnh Gia Hân

Thiếu tướng Sùng Thìn Cò (Hà Giang) cũng cho rằng, lực lượng mà Bộ Công an dự kiến xây dựng là quá lớn. Theo tướng Cò, hiện nay 1 tỉnh ít nhất có 3.000 công an chính quy, tỉnh to thì 4.000, hơn 4.000. Bây giờ thêm lực lượng mới này nữa là rất đông.

Bên cạnh đó, ông Cò cho rằng, nếu xác định lực lượng này là lực lượng rất quan trọng thì tại sao không sử dụng ngay từ đầu để lực lượng này đủ sức làm nhiệm vụ mà chúng ta lại đưa lực lượng chính quy xuống, rồi lại thêm lực lượng. Kết quả lấy phiếu ý kiến các đại biểu Quốc hội sau đó cũng cho thấy, đa số đại biểu Quốc hội cho rằng, chưa cần thiết phải xây dựng luật này.

Ảnh Gia Hân

Là người phát biểu cuối cùng trong phiên thảo luận về luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) bày tỏ lo lắng về quy trình lập pháp. Tại kỳ họp 10 vừa qua, cả luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở đều mới được bổ sung vào chương trình.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, cả 2 dự án luật này đều không đạt chất lượng, nhiều chính sách chưa được đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng. Ông Vân cho rằng: "Với cách làm như hiện nay rất dễ có những đạo luật bỗng dưng nhảy vào nghị trường".

Ảnh Gia Hân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.