10 năm đợi chờ mới được mãn nguyện

20/03/2016 11:00 GMT+7

“10 năm rồi tôi mới có dịp nở nụ cười mãn nguyện”, bà Nguyễn Thị Hường chia sẻ ngay sau khi kết thúc buổi tiếp dân với lãnh đạo TP.HCM ngày 18.3.

“10 năm rồi tôi mới có dịp nở nụ cười mãn nguyện”, bà Nguyễn Thị Hường chia sẻ ngay sau khi kết thúc buổi tiếp dân với lãnh đạo TP.HCM ngày 18.3.

Sau 10 năm khiếu nại, bà Hường (trái) mới được giải quyết thỏa đáng - Ảnh: Diệp Đức MinhSau 10 năm khiếu nại, bà Hường (trái) mới được giải quyết thỏa đáng - Ảnh: Diệp Đức Minh
Buổi tiếp do bà Trương Thị Ánh, Phó chủ tịch HĐND TP, thay mặt lãnh đạo TP chủ trì, xử lý đơn khiếu nại của vợ chồng bà Nguyễn Thị Hường (63 tuổi) và ông Nguyễn Văn Út (65 tuổi).
Cư trú tại ấp 2, xã An Phú Tây, H.Bình Chánh, vợ chồng bà Hường có phần đất diện tích 5.777 m2 do cha mẹ để lại và sử dụng ổn định từ năm 1976. Toàn bộ phần đất này bị thu hồi để Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn đầu tư xây dựng khu tái định cư An Phú Tây vào năm 2005. Do ban đầu khu tái định cư chưa có quỹ nền để hoán đổi cho vợ chồng bà Hường nên UBND H.Bình Chánh tổ chức lập hồ sơ, chi trả bồi thường toàn bộ diện tích bị giải tỏa hơn 2,1 tỉ đồng, đồng thời tổ chức bốc thăm mã nền với diện tích đất nền sẽ được nhận tối đa không quá 500 m2 và không quá 2 nền; khi khu tái định cư hoàn chỉnh hạ tầng, chủ đầu tư sẽ bàn giao nền thực tế và thu lại tiền đất theo diện tích thực nhận.
Phương án đền bù, giải tỏa được thống nhất như vậy, nhưng sau đó vợ chồng bà Hường được nhận lại 2 nền với tổng diện tích chỉ có 260 m2. Khi biết một số hộ dân có đất bị thu hồi tương tự nhưng nhận 4 - 5 nền trong tổng hạn mức không quá 500 m2, vợ chồng bà Hường gửi đơn khiếu nại liên tục trong suốt 10 năm qua.
"Vợ chồng tôi khổ cực nhiều bề lắm. Chồng tôi đau ốm hoài, bị lãng tai nên đi đến đâu khiếu nại, tôi cũng phải lọ mọ chở đi trên chiếc xe máy cũ. Có lần không may bị tai nạn giao thông suýt chết. Nhưng buồn nhất là suốt quãng thời gian dài, nhiều nơi chúng tôi đến đều thờ ơ, có nơi cứ nói là đã làm đúng rồi, còn khiếu nại gì nữa. Mà đất đó là của ông bà để lại nên chúng tôi phải giữ quyết tâm, luôn tin tưởng và kỳ vọng có một ngày lãnh đạo TP sẽ đứng ra chủ trì phân xử đúng sai để bảo vệ quyền lợi cho chúng tôi", bà Hường nhớ lại.
Tại buổi tiếp, bà Trương Thị Ánh ngỏ lời: “Hôm nay mong muốn của chú thím có gì thay đổi không?”. “Nguyện vọng của gia đình là muốn nhận đủ diện tích đất hoán đổi theo phương án ban đầu mà UBND H.Bình Chánh thống nhất đưa ra”, bà Hường nói.
Sau đó, đại diện Sở Xây dựng, Sở TN-MT, Sở Tài chính, UBND H.Bình Chánh và Hội đồng thẩm định bồi thường TP, chủ đầu tư lần lượt phát biểu. Các ý kiến đều nhìn nhận có thiếu sót, dẫn đến khiếu nại kéo dài và nhiều cán bộ trực tiếp thụ lý vụ việc trước đây có người đã nghỉ hoặc chuyển công tác khác. Phương án thống nhất giải quyết cuối cùng là chủ đầu tư phải có trách nhiệm tiếp tục hoán đổi nền đất đủ diện tích quy định, với mức giá hoán đổi tại thời điểm thực hiện dự án, chứ không được áp mức giá của thời điểm hiện tại, để đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Kết thúc buổi tiếp, bà Trương Thị Ánh nói: “Chúng tôi xin lỗi và mong vợ chồng chú thím thông cảm cho sự chậm trễ này. Việc giải quyết thời gian qua quá chậm. Đáng ra là phải khẩn trương giải quyết ngay từ đầu khi có phát sinh khiếu nại thì chú thím đã đỡ cực khổ trong việc đợi chờ, đi lại khiếu nại nhiều nơi”, và yêu cầu các đơn vị, cá nhân liên quan trong vòng 1 tháng phải thực hiện dứt điểm việc hoán đổi nền đất. “Ra thời hạn vậy cho thong thả chứ nếu thật tâm mà làm thì chỉ cần 1 - 2 tuần là xong thôi”, bà Ánh lưu ý thêm.
Nguyện vọng chính đáng của mình được giải quyết thấu đáo, vợ chồng bà Hường cười thật tươi và đứng dậy, bước lại nắm chặt tay người chủ trì buổi tiếp.
“Tôi mừng là quyền lợi chính đáng của người dân luôn có lãnh đạo TP lắng nghe, nhưng đáng tiếc là một số đơn vị, cá nhân ở cấp dưới đã không xem xét vấn đề thấu đáo. Nếu có đối thoại rõ ràng, minh bạch, tới nơi tới chốn như hôm nay thì sự việc đâu đến nỗi để kéo dài như vậy”, bà Hường bày tỏ.
Tìm hướng tiếp cận có lợi nhất cho người dân
Có những khiếu nại để kéo dài nhiều năm, nhưng trên thực tế nếu như người đứng đầu thật sự quan tâm, lắng nghe ý kiến, thấu hiểu nguyện vọng chính đáng của người dân thì đều giải quyết được dứt điểm, thấu tình đạt lý. Sự việc của người dân mà để chậm trễ là có phần trách nhiệm, thiếu sót của các cấp chính quyền. Chúng tôi luôn chia sẻ với người dân về những khó khăn, thiệt thòi gặp phải. TP đang ra sức khắc phục, sửa chữa những hạn chế, yếu kém trong công tác tiếp công dân. Yêu cầu của TP là khi giải quyết khiếu nại, các sở ngành, quận, huyện phải tìm cách tiếp cận, giải quyết vấn đề theo hướng có lợi nhất cho người dân. Cơ quan chức năng, đặc biệt là người đứng đầu phải tìm mọi giải pháp, căn cứ trên cơ sở pháp luật, yếu tố lịch sử để thực hiện có lợi nhất cho người dân, chứ không được thấy khó mà né tránh hoặc đưa ra hướng giải quyết có lợi nhất, khỏe nhất cho mình.
ĐBQH Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM
Người dân luôn vị tha
Qua thực tế tham gia nhiều buổi tiếp công dân, tôi nhận thấy nhiều người dân dù quyền lợi, nguyện vọng chính đáng chưa được giải quyết, đáp ứng, bị thiệt thòi nhưng đều luôn vị tha, chấp hành đúng pháp luật. Tình trạng cơ quan chức năng phớt lờ, không chịu lắng nghe, không chịu thấu hiểu phải chấm dứt triệt để. Cơ quan chức năng phải luôn ý thức là việc giải quyết dù theo hướng nào cũng phải đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân. Hiện quá trình triển khai thực hiện các quy định pháp luật còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập như cơ chế giải quyết khiếu nại chưa đảm bảo đầy đủ tính khách quan, công khai, dân chủ trong quá trình giải quyết; trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại chưa cụ thể, rõ ràng, nhất là giải quyết khiếu nại lần đầu còn quá phức tạp, thời hạn giải quyết dài, chưa tạo thuận lợi cho người dân... Để người dân gắn bó mật thiết hơn với các cấp chính quyền thì những hạn chế, bất cập này cũng phải sớm chấm dứt triệt để.
Ông Phạm Hiếu Nghĩa, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.