Thổi hồn cho vải

19/04/2015 12:04 GMT+7

(TNTS) Những mảnh vải vụn tưởng chừng như không thể tái sử dụng được thì họa sĩ Hà Hùng Dũng lại “biến hóa” chúng thành... tranh. Tranh vải đang là cuộc dạo chơi mới của anh chàng họa sĩ này.

(TNTS) Những mảnh vải vụn tưởng chừng như không thể tái sử dụng được thì họa sĩ Hà Hùng Dũng lại “biến hóa” chúng thành... tranh. Tranh vải đang là cuộc dạo chơi mới của anh chàng họa sĩ này. 

Thổi hồn cho vải 1
Vốn được mọi người biết đến như một họa sĩ chuyên sáng tác tranh khắc gỗ và tranh da nhưng dạo gần đây Hà Hùng Dũng lại khiến nhiều người “thổn thức” vì những bức tranh ghép vải. Màu sắc đa dạng, đường nét ghép vải tinh tế là điều ai cũng dễ dàng nhận thấy khi chiêm ngưỡng những bức tranh bằng vải của họa sĩ này. Anh cho biết: “Ngay từ khi còn đi học, tôi đã bị cuốn hút bởi màu sắc của vải. Tôi cũng từng làm về thời trang nên chất liệu vải đã thân thuộc với tôi từ rất lâu rồi. Trước khi làm tranh vải, tôi cũng đã từng làm tranh khắc gỗ, tranh da và cũng từng ấp ủ ý tưởng sẽ làm tranh ghép vải... Bởi da và vải đều là chất liệu. Tôi thích khám phá nhiều chất liệu khác nhau nên ngoài da và gỗ thì việc sáng tác tranh vải rất thú vị. Họa tiết vải bây giờ phong phú và đa dạng nên cũng rất dễ làm tranh”.
Thực ra thoạt nhìn, để làm ra bức tranh vải chỉ cần cắt vải rồi dán lại với nhau, nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy. Bởi muốn một bức tranh có hồn, nghệ sĩ phải để cho màu sắc lên tiếng. Sắc màu của tranh vải không tùy thuộc vào màu vẽ mà tùy thuộc vào những mảnh vải mà người nghệ sĩ tìm hay sưu tập được. “Mỗi loại hình nghệ thuật đều có cái khó riêng, tranh vải làm khó vì nếu đã dán rồi thì không sửa được. Nếu muốn sửa thì phải bỏ luôn, trong khi tranh khác có thể dập màu hay mài lớp cũ đi. Ngoài ra, tranh vải hơi kén khách”, anh Dũng cho biết.
Hơn nữa, nhiều khi có được vải đẹp nhưng nếu không hợp với ý đồ của bức tranh thì cũng chẳng thể làm được gì vì: “Vải tuy nhiều và đa dạng, nhưng tìm được vải phù hợp để đưa lên tranh thì không dễ dàng chút nào. Một bức tranh cũng phải cần ít nhất 10 loại vải khác nhau. Đôi khi một mảnh vải to nhưng mình chỉ cần đúng một họa tiết nhỏ thôi. Thế là phải “hy sinh” cả tấm vải đó để cắt đúng họa tiết mà mình cần”. Màu sắc đa dạng nhưng bố cục lỏng lẻo cũng không thể gọi là một bức tranh vải được. Nên để bắt tay vào sáng tác thì phải phác thảo trước và bám sát vào mẫu để tìm vải phù hợp.
Hầu như những bức tranh vải của họa sĩ Hà Hùng Dũng đều họa về phụ nữ Tây bắc. Anh có nhiều cảm hứng về đề tài này bởi như anh giải thích: “Phụ nữ Tây bắc là đề tài muôn thuở của tôi. Tôi đã vẽ họ suốt một chặng đường dài gần 10 năm nhưng vẫn chưa thấy chán. Với tôi, người phụ nữ Tây bắc có sức hút mãnh liệt. Họ mộc mạc, gần gũi và họ sống lạc quan yêu đời. Nhất là họ sống rất tình”.
So với những loại tranh khác, tranh vải có giá trị không cao nhưng không phải vì thế mà không được lòng... người. Tranh vải vẫn có sức hút với những người yêu đồ handmade, yêu sự tỉ mỉ đến từ đôi tay của người nghệ sĩ.
Vào ngày 25.4 - 29.4, họa sĩ Hà Hùng Dũng sẽ trưng bày những bức tranh vải của mình trong cuộc triển lãm Nghệ thuật từ đôi tay lần 3 được tổ chức tại TP.HCM. “Đây là một chương trình triển lãm tôi tổ chức thường niên cho các bạn yêu nghệ thuật. Tại cuộc triển lãm lần này, mọi người sẽ được chiêm ngưỡng không chỉ tranh vải mà cả những thiết kế thời trang thêu tay, body painting, hay các sản phẩm gốm nhỏ nhắn của các nghệ sĩ khác”, Hà Hùng Dũng chia sẻ về kế hoạch sắp tới của anh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.