Thoát ra từ bẫy buôn người: Ngăn chặn nạn đẻ thuê, bán con

Như Lịch
Như Lịch
28/12/2019 07:19 GMT+7

Những năm gần đây, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ đẻ thuê , mua bán bào thai, bán con sang Trung Quốc . Nạn mua bán người ngày càng phức tạp và tinh vi.

“Những vụ người mẹ mang thai bán con đã được phát hiện khá lâu rồi, nhưng hiện nay tình trạng này rộ lên nhiều hơn, mang hình thức, thủ đoạn khác tinh vi hơn”. Tham gia hoạt động phòng chống mua bán người xuyên quốc gia, bà Lương Hồng Loan, Phó giám đốc Chương trình Pacific Links Foundation (Vòng tay Thái Bình - tổ chức phi chính phủ của Mỹ chuyên về giáo dục và phòng chống buôn bán người) nhận xét.

Thủ đoạn tinh vi hơn

Theo bà Loan, ngày trước người ta thường vào bệnh viện phụ sản kiếm những bà đẻ nghèo khổ để xin con nuôi hoặc mua đứa bé. Bây giờ, họ xuống tận làng xã, len lỏi trong cộng đồng kiếm phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn đang mang thai. Họ chủ động chi nhiều khoản tiền trước và sau khi sinh như dưỡng thai, cho sản phụ trả nợ nần, trang trải cuộc sống gia đình trong thời gian tới.

Chiếc áo cứu nạn chứa thông tin có thể giúp nạn nhân thoát hiểm

Thời gian qua, lực lượng công an đã phát hiện nhiều vụ đẻ thuê, mua bán bào thai, bán con sang Trung Quốc. Cụ thể, Công an tỉnh Nghệ An phát hiện 25 trường hợp phụ nữ dân tộc thiểu số (ở H.Kỳ Sơn) mang thai, sang Trung Quốc sinh con, trong đó có 5 trường hợp khai nhận sau khi sinh đã bán con. Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện 8 phụ nữ các tỉnh phía nam mang thai hộ, đẻ thuê cho người Trung Quốc...
Một cán bộ Sở LĐ-TB-XH tỉnh Lào Cai cho rằng địa phương này chưa phát hiện vụ việc thai phụ sang Trung Quốc bán con. Tuy nhiên, ở Lào Cai từng có hiện tượng phụ nữ rủ nhau qua Trung Quốc làm vợ, đẻ thuê.
Trước đây, tại Lào Cai xảy ra vụ 42 phụ nữ trong một xã rủ nhau sang Trung Quốc làm vợ, đẻ thuê. Lúc đó, người ta truyền nhau những tấm ảnh chụp chàng trai đứng trước chiếc xe hơi và ngôi nhà ba tầng khang trang rồi rỉ tai qua Trung Quốc đẻ cho họ một đứa con, sẽ được nhận 200 - 300 triệu đồng. Hội phụ nữ phát hiện sớm vụ việc này, đã phối hợp với bộ đội biên phòng kịp thời chặn đứng và giải cứu toàn bộ số phụ nữ nói trên.
Bố mẹ nghiện ma túy, Hoàng T.D (tỉnh Điện Biên) phải bỏ học sớm để làm thuê. Những hôm không có tiền đưa bố mẹ hút chích, D. bị đánh đập thậm tệ. Nhà chỉ có hai anh em, nhưng anh trai của D. đã bị bán cho cặp vợ chồng trong xóm làm con nuôi. Năm 2017, khi D. 15 tuổi, một người lạ trên Facebook gửi lời kết bạn và D. đồng ý. Người này sử dụng hình ảnh một công an Trung Quốc mặc quân phục làm hình đại diện (avatar), nhằm tạo lòng tin cho D.
“Anh đấy rủ em sang Trung Quốc và hứa lấy em làm vợ, cho em có cuộc sống sung sướng hơn. Em tin lời, anh đến đón là em đi theo liền. Thế mà qua Trung Quốc, anh đã bán em”,
D. thảng thốt nhớ lại. Được giải cứu về Việt Nam, D. ở lại Nhà nhân ái Lào Cai (dự án hợp tác giữa Sở LĐ-TB-XH tỉnh Lào Cai và Tổ chức Vòng tay Thái Bình) để học chữ, học nghề. Trước tình cảnh cha mẹ của D. bị nghiện ma túy, nhân viên xã hội đã tìm cách kết nối, thuyết phục anh trai của D. (đã bị bán làm con nuôi) đóng vai trò giám hộ để chung tay lo cho D. có cuộc sống an toàn và ổn định hơn.
Thoát ra từ bẫy buôn người: Ngăn chặn nạn đẻ thuê, bán con

Truyền thông phòng chống mua bán người tại chợ phiên vùng cao

Ảnh: Tường Long

Chiếc áo cứu nạn

Theo ông Nguyễn Tường Long (Trưởng ban Quản lý Nhà nhân ái Lào Cai), đồng bào dân tộc thiểu số không có thông tin về âm mưu, thủ đoạn mua bán người, nên bị lừa rất nhiều. Vì thế, cần chú trọng truyền thông, trang bị kiến thức về phòng chống mua bán người cho đội ngũ cán bộ xã phường, trưởng thôn bản và nhất là đến tận người dân.
Tôi có dịp tham gia chương trình phòng chống mua bán người do dự án Nhà nhân ái Lào Cai thực hiện tại một trường THPT ở H.Bắc Hà, Lào Cai. Trước câu hỏi: “Có bao nhiêu bạn ở đây từng nghe về mua bán người?”, số cánh tay đưa lên lác đác. “Bao nhiêu bạn dùng mạng xã hội?”, đa số học sinh xác nhận đang sử dụng Facebook, Zalo.
Tại các buổi truyền thông diễn ra ở những phiên chợ vùng cao, câu hỏi thường được nêu ra là: “Ai có thể trở thành nạn nhân của bọn buôn bán người?”. Khá nhiều người dân có những câu trả lời tương tự: “Nam giới chúng em không thể nào bị mua bán, bị bóc lột”; “Em lấy chồng rồi, em không bị lừa đâu”... Trên thực tế, ở những vùng sâu vùng xa, sát biên giới, nhiều phụ nữ tuy đã có chồng con rồi nhưng vẫn trở thành nạn nhân bị mua bán. Trong đó, có những phụ nữ không chịu nổi cuộc sống cơ cực, chồng vũ phu đã bỏ nhà sang Trung Quốc làm thuê trái phép, hoặc tự nguyện bán mình, làm vợ người khác.
Trong các phần quà của Tổ chức Vòng tay Thái Bình dành tặng người tham gia, đáng chú ý là những chiếc áo thun có vẻ ngoài bình thường nhưng trong áo gắn nhãn mác chứa thông tin cần thiết giúp nạn nhân có thể thoát khỏi tình trạng nguy hiểm. Đó là các dòng chữ bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc: “Xin giúp tôi. Tôi là người Việt Nam. Tôi đang bị bắt đến đây và đang bị nguy hiểm. Dẫn tôi đến đồn cảnh sát”. Cạnh đó là các số điện thoại của cơ quan chức năng.
Phòng chống mua bán người là một trong những vấn đề quan tâm lớn của nhiều đại biểu Quốc hội. Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an ngày 4.6, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết Bộ Công an và các cấp, ngành triển khai nhiều giải pháp, trong đó, coi trọng đặc biệt việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhất là những nhóm đối tượng có nguy cơ bị mua bán (phụ nữ trong độ tuổi lấy chồng, người dân tộc thiểu số tại những vùng hay bị mua bán, sát biên giới...). Cạnh đó, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài để chủ động phát hiện, ngăn chặn các trường hợp mua bán người. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng chống mua bán người với các nước sát biên giới và các nước châu Âu, nước Mỹ...

Không chỉ lừa bán sang Trung Quốc

Ông Nguyễn Tường Long cho biết sau vụ 39 nạn nhân Việt Nam tử vong trong container ở Anh, địa phương này đẩy mạnh truyền thông hơn nữa, đặc biệt dành cho những người chuẩn bị xuất khẩu lao động. Ông Long nói: “Chúng tôi lưu ý bà con phải hết sức cảnh giác với cách thức đưa người bất hợp pháp sang Trung Quốc rồi đưa tiếp đến những nước khác. Những người đi “chui”, đi theo môi giới tự phát rất dễ rơi vào cạm bẫy của bọn buôn người, gặp nhiều rủi ro và nguy hiểm, thậm chí trả giá bằng mạng sống”.

Hai lần bị bán

San Mẩy - Tả Mẩy (người Dao, H.Bát Xát, Lào Cai) học hết lớp 8, ở nhà làm ruộng nương. Một thanh niên quen qua điện thoại rủ đôi bạn này đi chợ phiên rồi khống chế đưa sang Trung Quốc bán làm vợ. Trên đường vận chuyển, hai cô được công an Trung Quốc phát hiện và giải cứu.
Khoảng một tháng sau, San Mẩy - Tả Mẩy lại bị kẻ xấu đánh thuốc mê, bắt cóc đưa sang Trung Quốc. Hai cô bị nhốt trong phòng để người ta đến xem mắt và mua về làm vợ. Nhân lúc tên gác cửa bận gọi điện thoại, đôi bạn chạy trốn vào rừng. Đói và mệt, đến một trang trại, họ đào củ ăn và lấy trộm quần áo rồi hóa trang, bôi đất cát làm người tàn tật ăn xin. Cứ thế, họ đi hết rừng đến thành phố, tìm cơ hội thoát thân. Nhưng bọn buôn người lần theo dấu vết và bắt họ lại, đưa lên ô tô. Đến khu đông dân, San Mẩy năn nỉ xin đi vệ sinh. Vừa chạy ào xuống, cô gái kêu gào để công an Trung Quốc chú ý và đến giải cứu. Hy hữu thoát nạn lần hai, đôi bạn ở lại Nhà nhân ái Lào Cai ổn định tâm lý, học nghề (nghề bếp). Tại đây, San Mẩy đã vẽ 11 bức tranh tái hiện chuỗi ngày đầy ám ảnh bên kia biên giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.