Thơ và nhạc - 'mối lương duyên' tương sinh hay tương khắc?

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
24/02/2024 06:46 GMT+7

Sáng 23.2, tại TP.HCM, nhân Ngày thơ VN năm 2024, Hội Nhà văn TP.HCM và Hội Âm nhạc TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học Thơ và nhạc, tương sinh hay tương khắc?, cùng bàn về "mối lương duyên" độc đáo giữa hai loại hình nghệ thuật.

Phát biểu đề dẫn, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Trịnh Bích Ngân cho rằng: "Để hình thành ca khúc phổ thơ, có thể xem như một sự kết hợp thú vị. Bởi lẽ, thơ vẫn là dòng chảy chủ lưu của văn học, còn ca khúc vẫn là dòng chảy chủ lưu của âm nhạc VN. Và dù muốn dù không, chúng ta vẫn phải khẳng định ca khúc phổ thơ suốt gần một thế kỷ qua đã góp phần không nhỏ cho đời sống văn hóa của người Việt".

Thơ và nhạc - 'mối lương duyên' tương sinh hay tương khắc?- Ảnh 1.

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn phát biểu tại hội thảo

QUỲNH TRÂN

Thơ và nhạc - 'mối lương duyên' tương sinh hay tương khắc?- Ảnh 2.

Nhà văn Trịnh Bích Ngân phát biểu tại hội thảo

QUỲNH TRÂN

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, tác giả của hơn 30 ca khúc phổ thơ nổi tiếng: Đất nước, Dấu chân phía trước, TP tình yêu và nỗi nhớ… đưa người nghe trở về thế kỷ 17 với những bài thơ được phổ nhạc đầu tiên trên thế giới. "Có thể nói "nhạc rất có duyên với thơ" mà đỉnh cao nhất là bản giao hưởng số 9 của Beethoven, trở thành đại hợp xướng của mọi thời đại. Sang thế kỷ 18, các nhạc sĩ ở Ý tiếp tục khai thác thơ thành những vở nhạc kịch. Sau này, tại Pháp, Đức, Nga…, nhiều bài hát ngắn rất hay cũng xuất phát từ thơ. Theo tôi, sự sáng tạo của nhà thơ phải là đầu tiên, rồi mới đến cảm xúc của nhạc sĩ để có những bài hát hay để lại cho đời", nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn tâm sự. Nhạc sĩ cũng cho biết ông rất hạnh phúc vì tìm được các bài thơ ưng ý, có nhiều tứ hay để thêm cơ hội phát huy khả năng sáng tạo của mình.

Nhà thơ Bùi Phan Thảo "ví von" chuyện "nhạc phổ thơ" như một cây cầu. Ông phân tích: "Ca khúc đưa bài thơ đến với người nghe. Từ bờ bên này, lời thơ được phổ nhạc thành những nhịp cầu, nối bờ bên kia… Khi bài thơ được phổ nhạc, nhạc chắp cánh cho thơ. Thơ làm nền cho nhạc thăng hoa. Cái duyên thơ - nhạc có khi ngẫu hứng tình cờ, có khi bền chặt. Có những nhạc sĩ phổ thơ rất tài, bài thơ qua tay nhạc sĩ trở nên một nhạc phẩm sáng đẹp.

Nhà văn Trầm Hương thì nhìn nhận: "Ngoài ý tứ, nhạc điệu trong thơ còn truyền cảm hứng mạnh mẽ cho nhạc sĩ để phổ thơ đưa vào nhạc của mình. Nhiều bài thơ rất hay, đọc nghe rất thấm, rất đã nhưng không thể phổ thơ này thành nhạc vì âm nhạc có những khuôn khổ và quy tắc của nó. Không phải những thi phẩm không được phổ nhạc là không hay nên cuối cùng thơ đứng riêng vẫn có giá trị của thơ. Nhạc có giá trị của nhạc. Tương sinh là cái duyên của sự gặp gỡ nhau vậy".

Nhà văn Trịnh Bích Ngân cũng băn khoăn trước thực trạng vẫn tồn tại nhiều ý kiến trái chiều về việc ghi tên tác giả thơ khi công bố ca khúc phổ thơ: "Ví dụ, bài thơ có trước thì ghi tên nhà thơ trước hay tên nhạc sĩ? Hoặc, giới hạn sử dụng bao nhiêu câu chữ từ một bài thơ thì ghi chú "phỏng thơ", "trích thơ" hay "ý thơ" trong một ca khúc phổ thơ? Hoặc nhạc sĩ có được phép sửa văn bản gốc mà không màng tham khảo ý kiến nhà thơ không? Những vấn đề nêu trên thoạt nghe có vẻ chi li, nhưng chúng ta cũng nên tìm thấy tiếng nói chung để tránh hệ lụy "cơm không lành canh không ngọt" hoặc "bằng mặt không bằng lòng" giữa nhà thơ và nhạc sĩ, trong thiện chí hợp tác hướng đến tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao phụng sự cộng đồng".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.