Thơ đi miết về phía thấp thoáng

12/11/2021 18:30 GMT+7

Tôi nhiều khi cũng thích đọc một câu thơ cũ, có một chút hơi hám thơ cũ, nhưng mới một chút nơi tâm trạng người viết.

Có hai câu thơ của Hồ Sĩ Bình khiến tôi thích:

cuối năm ngồi lại nơi ga xép

lạnh dưới chân mình những chuyến đi” (Nhiều khi)

Hai câu thơ gợi tôi nhớ tới “còn một chút gì để nhớ để quên” (thơ Vũ Hữu Định), cũng không biết nhớ cái gì và quên cái gì. Nhưng ở đời, không phải nói nhớ là phải nhớ cái gì cụ thể, còn nói quên là quên ngay một cái gì đó. Thơ giúp ta vượt thoát, dù trong giây lát, những cụ thể của hằng ngày, không phải chuyện “để tâm hồn treo ngược trên cành cây” như ai đó làm thơ giễu cợt. Mà quả thật, rất nhiều lúc, tâm hồn mình cũng lung mung lắm. Những lúc ấy, có thơ nói đỡ, thì cảm thấy nhẹ lòng.

Tôi đọc tập thơ Ngày sinh của gió của Hồ Sĩ Bình (NXB Hội Nhà văn 2021), có cảm giác lung mung từ lúc chưa đọc. Giờ đọc vào, cảm giác ấy vẫn chưa mất. Nhưng có lúc, cái lung mung cho ta cảm giác đau:

chị vẫn chờ chồng

những cuộc vui khác đã kéo anh đi

lạc mất đường về

dẫu mâm cơm đã nguội lạnh

chỉ còn tiếng thở lẻ loi của đêm” (Chờ)

Những nhà phê bình thơ gọi sự chuyển hướng của thơ bây giờ là “từ đại tự sự chuyển về tiểu tự sự”. Nhưng tôi nghĩ, thơ hồi xưa của tiền nhân cũng đã vừa "đại” vừa “tiểu” rồi, chứ không chỉ “đại”, mà cũng không hoàn toàn “tiểu”. Thơ luôn là tiếng nói của tâm trạng người làm thơ, mà tâm trạng thì luôn chuyển biến, như gió kia lúc nhẹ lúc mạnh, lúc bao trùm khi khẽ khàng xoa dịu:

“em có còn chờ tôi

bên bậu cửa

nơi chỗ ngồi gió lùa” (Chờ)

Những thoáng như không lời, như không hành động ấy lại cho ta tự nghĩ về mình, về người, về cơn gió hay về “mâm cơm nguội lạnh” của người vợ cô đơn. Thơ đi miết về phía thấp thoáng ấy, đôi khi lại an ủi được mình.

Có bao giờ bạn uống rượu giữa rừng, cùng vài ba người đồng bào dân tộc thiểu số và thấp thoáng giữa mơ và tỉnh, bạn nghe:

“người đàn ông cứ hát bài mời rượu

không cần biết mọi người đã ngủ” (Uống rượu giữa rừng)

Thì “không cần biết” ấy là bản chất của thơ đấy. Nhiều khi người làm thơ cứ “hát” lên thế thôi, ngay lúc mọi người đã ngủ. Khi ấy anh đã nhập vào thơ và thơ đã nhập vào những ngọn gió phiêu bạt, chẳng biết từ đâu tới, chẳng có ngày sinh. Gió thì làm sao có hộ khẩu, làm sao có căn cước.

Vậy mà đột ngột, thơ bật về “đại tự sự” thế này:

“đêm Lý Sơn bầm gan mà nhìn biển

biển dậy sóng rồi

sao ta lại ngồi yên” (Đêm Lý Sơn nghĩ về Tư Chính)

Vậy thì, xin các nhà phê bình thơ đừng phân biệt đâu là “tiểu tự sự”, đâu là “đại tự sự”, vì một lẽ: thơ như gió, chuyển nhanh lắm, “tiểu” đấy rồi “đại” đấy, mấy hồi!

Thơ có thể rất riêng tư, rồi ngay đó, lại âm âm tiếng lòng người yêu nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.