Thiếu tướng Phan Văn Xựng: Tình quân dân đong đầy trong gian khó

09/09/2021 06:33 GMT+7

Trong thời chiến hay thời bình, những người lính Bộ đội Cụ Hồ luôn kề vai, sát cánh cùng nhân dân, càng gian khó, tình quân dân càng khăng khít, gắn bó.

Trong nửa tháng qua, quân đội đã tích cực tham gia hỗ trợ TP.HCM trong đợt cao điểm tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 với mục tiêu kiểm soát dịch bệnh vào ngày 15.8 theo Nghị quyết 86 của Chính phủ.
PV Thanh Niên vừa có cuộc trao đổi với thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM về những “mặt trận” mà quân đội đã tham gia trong công cuộc phòng chống dịch bệnh Covid-19, góp phần đảm bảo an sinh…

Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM

Hữu Tân

PV Thanh Niên: Người dân đã quen thuộc với hình ảnh bộ đội thường xuyên xuất hiện trên các tuyến đường, len lỏi trong từng con hẻm để giúp dân, vận chuyển, tiếp tế nhu yếu phẩm, thuốc men…, thiếu tướng có thể chia sẻ thêm về sự hiện diện này?
Thiếu tướng Phan Văn Xựng: Thời gian qua, Bộ Quốc phòng đã điều động, tăng cường hơn 10.000 cán bộ, chiến sĩ và nhiều trang thiết bị y tế hỗ trợ TP.HCM thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, nhằm thực hiện mục tiêu mở rộng vùng xanh, thu hẹp vùng vàng, triệt tiêu vùng đỏ trên bản đồ Covid-19, sớm đưa TP.HCM trở lại trạng thái bình thường mới.
Các đơn vị tham gia, gồm lực lượng quân y của Học viện Quân y và một số bệnh viện của quân đội; cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thuộc Quân khu 7, Quân đoàn 4, Trường Sĩ quan Lục quân 2, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Hải quân, Trường Hạ sĩ quan Tăng - Thiết giáp, cùng với các đơn vị của Bộ Tư lệnh TP.HCM tăng cường xuống cơ sở.
Bộ đội tham gia trên các mặt công tác từ phối hợp chốt chặt, tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường lớn. Bộ đội đến từng ngõ hẻm tuyên truyền, vận chuyển túi an sinh, lương thực, thực phẩm hỗ trợ người dân; vận chuyển bình ô xy cho các bệnh viện.
Quân y hỗ trợ theo dõi, chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn điều trị cho các trường hợp F0 tại nhà; kịp thời cấp cứu, vận chuyển các trường hợp chuyển nặng đến các bệnh viện điều trị. Lực lượng quân y cũng tham gia lấy mẫu xét nghiệm, làm test nhanh, tiêm vắc xin phòng Covid-19…

Bộ Quốc phòng đã tăng cường hơn 10.000 quân nhân hỗ trợ TP.HCM trong công tác phòng chống dịch Covid-19

Ngô Trần Hải An

Cùng với đó, hơn 1 tháng qua, các cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh TP.HCM đảm nhiệm vận chuyển, bảo quản, khâm liệm, hỏa táng và bàn giao tro cốt người tử vong do nhiễm Covid-19 cho thân nhân gia đình với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Giá trị lịch sử của chiếc xe thồ

* Đánh giá ban đầu về kết quả đạt được, các đóng góp của quân đội trong công tác phòng chống dịch của TP.HCM thời gian qua, thưa thiếu tướng? 
- Những ngày qua, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội tham gia với tinh thần, trách nhiệm cao nhất, luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, không sợ nguy hiểm, tham gia thực hiện nhiệm vụ bằng tinh thần xung kích của người lính, bằng mệnh lệnh trái tim. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đã có mặt ở tất cả các điểm nóng về dịch bệnh, trên tất cả các con đường, ngõ hẻm, khu dân cư để hỗ trợ người dân khó khăn, chăm sóc bệnh nhân và duy trì trật tự...
Với sự tăng cường của bộ đội xuống cơ sở giúp địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch và đạt kết quả rất tích cực trên tất cả các mặt công tác. Có thể kể đến việc người dân tuân thủ giãn cách xã hội nghiêm túc hơn, việc kiểm soát tại các chốt, trạm chặt chẽ hơn…
Người dân tuân thủ các quy định tốt hơn là điều kiện quan trọng để các lực lượng y tế đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm diện rộng, bóc tách F0, từng bước ngăn chặn, cắt đứt nguồn lây nhiễm trong cộng đồng.

Một trong những nhiệm quan trọng của bộ đội là phối hợp với các lực lượng kiểm soát chặt chẽ việc giãn cách xã hội

Độc Lập

Về công tác điều trị, lực lượng quân y bổ sung cho ngành y tế, để thành lập các tổ y tế cộng đồng, trạm y tế lưu động ở 312 phường, xã, thị trấn, góp phần nâng cao năng lực hỗ trợ, điều trị bệnh nhân ở tuyến cơ sở, xử lý kịp thời và hạn chế các trường hợp chuyển nặng, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Qua đó, tăng khả năng cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế tử vong.
Bộ đội hỗ trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm, túi an sinh đến với từng hộ dân, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn bảo đảm kịp thời hơn, góp phần bảo đảm an dân, an sinh xã hội tốt hơn...
* Hình ảnh chiếc xe thồ lăn bánh trên đường phố TP.HCM để vận chuyển hàng hóa, thực phẩm trong các con hẻm cũng đã khiến người dân bất ngờ, thậm chí nổ ra các tranh cãi về tính hiệu quả...  
- Thực tế là các loại phương tiện từ xe máy, xe điện, xe thồ, xe đẩy... đều được huy động, sử dụng để vận chuyển lương thực, thực phẩm đến tận tay từng hộ dân có nhu cầu, cần được hỗ trợ.
Tuy nhiên, hình ảnh đặc biệt những chiếc xe thồ huyền thoại năm xưa được dân công hỏa tuyến dùng để vận chuyển lương thực, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, nay được bộ đội ta tái hiện lại trong vận chuyển lương thực, thực phẩm thiết yếu trên các con hẻm, ngõ ngách.

Với tính cơ động, xe thồ giúp các chiến sĩ đỡ mất sức hơn khi vận chuyển hàng hóa, lương thực đến người dân trong các hẻm nhỏ

Nguyễn Anh

Đặc thù của thành phố có nhiều hẻm nhỏ, phương tiện cơ giới khó đi vào bên trong nên xe thồ với tính cơ động, chở được nhiều hàng hóa (có thể chở 400 - 500 kg), len lỏi trong các hẻm nhỏ sẽ giúp bộ đội đỡ mất sức hơn.
Điều đó cho thấy giá trị lịch sử của chiếc xe thồ vẫn được vận dụng trong thực tiễn ngày nay.

Người Sài Gòn lần đầu thấy xe đạp thồ của bộ đội len lỏi vào hẻm sâu

"Các anh trực chốt còn cơm nước cứ để chúng tôi lo"

* Có cả một làn sóng trên mạng xã hội chia sẻ nhiều hình ảnh, câu chuyện bộ đội vận chuyển lương thực, thực phẩm đến từng nhà dân trong các hẻm nhỏ đầy tình cảm. Câu chuyện về tình quân dân trong cao điểm chống dịch tại TP.HCM vừa qua quả thật là một điểm nhấn, thưa thiếu tướng?
- Dù thời chiến hay thời bình, những người lính Bộ đội Cụ Hồ luôn kề vai, sát cánh cùng nhân dân, càng gian khó mối quan hệ giữa quân với dân càng khăng khít, gắn bó. Đó là hình ảnh bộ đội ướt đẫm mồ hôi dưới cái nóng oi bức vẫn nhiệt tình tay xách, nách mang chuyển hàng tới cho bà con.
Các chiến sĩ đội mưa vận chuyển hàng, thà để ướt bản thân chứ không để lương thực, thực phẩm bị ướt. Khi chuyển hàng tới nơi, dù đã thấm mệt nhưng vẫn không quên lễ phép chào hỏi, động viên để bà con yên tâm ở nhà.

Chiến sĩ công an, bộ đội giúp đỡ một sản phụ "vượt cạn" ngay trên vỉa hè

Chiến sĩ của Trung đoàn Gia Định đã cùng với các chiến sĩ công an trực chốt tại Q.Bình Tân giúp một sản phụ “mẹ tròn con vuông” ngay trên vỉa hè khi chưa kịp đến bệnh viện. Chiến sĩ của Sư đoàn 9 cùng với dân quân H.Hóc Môn đã giúp đưa một sản phụ tới bệnh viện để sinh con kịp thời, an toàn. Nhiều cán bộ, chiến sĩ trong quá trình làm nhiệm vụ đã tham gia bắt cướp, trấn áp tội phạm, góp phần giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn.
Cán bộ, chiến sĩ trực chốt ở Bình Thạnh đã đem số trứng mà nhà hảo tâm hỗ trợ chia sẻ cho bà con ở khu nhà trọ đang gặp khó khăn. Ở chiều ngược lại, nhiều người dân đưa cơm, nước cho cán bộ, chiến sĩ trực chốt với câu nói ngắn gọn: “Các anh trực chốt, còn cơm nước cứ để chúng tôi lo”. Tình quân dân như cá với nước cứ thế càng thêm đong đầy nghĩa tình, bền chặt hơn.

Gặp chiến sĩ bộ đội, công an đỡ đẻ cho sản phụ trên vỉa hè ở TP.HCM

* Tích cực tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch suốt thời gian qua, chắc hẳn cán bộ, chiến sĩ cũng đã chịu nhiều vất vả…?
Những khó khăn, vất vả mà người lính đón nhận hằng ngày cũng chính là khó khăn chung của tuyến đầu chống dịch. Khi người dân đón nhận những phần quà, niềm vui của bệnh nhân khi xuất viện là niềm động viên, khích lệ lớn để cán bộ, chiến sĩ vượt qua khó khăn tiếp tục dấn thấn, cố gắng phục vụ tốt hơn.
Những việc làm của bộ đội ở cơ sở tuy nhỏ, nhưng đó là tấm lòng, tình cảm, trách nhiệm của người lính Bộ đội Cụ Hồ trước những khó khăn của nhân dân trong đại dịch. Nhân dân tin tưởng, yêu mến bộ đội, từ đó thấu hiểu, đồng thuận và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch.
Xin cảm ơn thiếu tướng!

Với sự tăng cường của bộ đội, công tác phòng chống dịch Covid-19 ở TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả quan trọng

Độc Lập

Lãnh đạo TP.HCM quan tâm, hỗ trợ kịp thời

Thiếu tướng Phan Văn Xựng cho biết thời gian qua, lãnh đạo Thành ủy và UBND TP.HCM tổ chức nhiều đoàn thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ, đây là niềm động viên lớn, sự quan tâm kịp thời.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhiều cán bộ, chiến sĩ không thể về chăm sóc khi cha mẹ ốm, con đau. Có người khi đi công tác ngang qua nhà chỉ dám dám gọi con ra đứng nhìn từ xa một lát rồi lại đi làm nhiệm vụ. Không ít trường hợp đã vì nhiệm vụ chung, đã phải nén lại nỗi niềm riêng vì không thể về chịu tang khi người thân qua đời. Khi đó, cấp ủy và chính quyền địa phương, hàng xóm, láng giềng đều quan tâm thăm viếng, thắp nén nhang chia buồn với gia đình.
“Người thân mất là nỗi buồn riêng của mỗi người. Sự chia sẻ, động viên của đồng đội, đồng bào giúp các cán bộ, chiến sĩ an tâm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, thiếu tướng Phan Văn Xựng chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.