Thiếu trầm trọng lao động đi biển: Cần sửa đổi một số chính sách

28/10/2022 05:33 GMT+7

Nếu coi nghề đi biển đánh cá là ngành nghề đặc thù vừa tham gia phát triển kinh tế vừa góp phần vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển thì phải quan tâm đầu tư về đào tạo nguồn lao động.

Xem lao động đi biển là thị trường đặc biệt

Trả lời Thanh Niên, TS Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cho rằng thiếu lao động đi biển là vấn đề không mới, đã diễn ra triền miền nhiều năm nhưng hiện nay ở mức độ nghiêm trọng. Đây là vấn đề cần phải giải quyết của ngành thủy sản.

Ông Thắng khẳng định nghề đi biển đánh cá tạo nguồn việc làm rất lớn và đem lại giá trị kinh tế không nhỏ cho người dân ven biển, nhưng thu hút lao động lại rất khó khăn. Nhân lực cho nghề cá đang “thiếu ở mức độ trầm trọng”, thiếu từ lao động giản đơn là người đánh cá cho đến lao động có chuyên môn, am hiểu kỹ thuật như máy trưởng, thuyền trưởng… Nghề đi biển là môi trường làm việc vất vả, có nhiều rủi ro trong lao động và thường xuyên đối mặt với thiên tai, địch họa nên lực lượng lao động bổ sung vào nghề này càng ngày càng ít đi.

Ông Thắng cũng cho biết thêm lao động đi biển đều phải có đào tạo, nhưng lâu nay đào tạo ở các cấp độ khác nhau, theo “cha truyền con nối” là cấp thô sơ nhất, còn đào tạo qua trường lớp bài bản thì đang rất thiếu. Hiện nay, công nghệ đóng tàu, đánh bắt thay đổi, nhiều tàu sắt đóng mới, công nghệ hiện đại thay cho tàu gỗ trước đây cần nhiều lao động kỹ thuật, có trình độ chuyên môn cao hơn. Đặc biệt đối với tàu cá công suất lớn đi đến vùng biển xa hơn, thời gian dài ngày hơn, yêu cầu thất thoát sau thu hoạch giảm, ngư lưới cụ có nhiều cải tiến so với trước đây… thì vấn đề lao động, đặc biệt nhân lực cao cấp như kỹ sư khai thác, kỹ sư hàng hải rất khó tuyển.

Nhưng nhiều năm nay, theo ông Thắng, chúng ta đang “bỏ qua tinh thần đào tạo lâu dài” lao động cho nghề cá. Điển hình là câu chuyện Đại học Thủy sản Nha Trang có nhiều năm không tuyển được sinh viên, đã đổi tên thành Đại học Nha Trang. Các khoa đặc thù đi biển như: khai thác, cơ khí tàu thuyền, kinh tế thủy sản chuyển đổi thành các viện, trung tâm nghiên cứu. Ở một số trường đại học có khoa thủy sản chủ yếu dạy về nuôi trồng, công nghệ sinh học, môi trường, và cũng không còn khoa đánh cá. Các trường cao đẳng thủy sản ở Hải Phòng, TP.HCM, Bắc Ninh… không thu hút được người học cũng phải đổi tên hoặc mở rộng tuyển sinh đào tạo nhiều ngành nghề, chủ yếu cũng chỉ là nuôi trồng, không có đánh bắt.

Ông Thắng dẫn chứng trong Nghị định 67 năm 2014 (về một số chính sách phát triển thủy sản) đã có chính sách để hướng đến phát triển ngành đánh cá ngày càng hiện đại, nhưng thực tế ở các địa phương chỉ lo việc đóng tàu. Ngoài ra, Hội Nghề cá Việt Nam kiến nghị nhiều năm nay là cần có chính sách cử tuyển đào tạo nhân lực nghề cá, nhưng đáng tiếc không có cơ quan nào thực sự quyết tâm để đưa nó thành hiện thực.

“Cần thiết phải có chính sách cử tuyển một số người ở vùng ven biển đi học nghề, đào tạo lực lượng đánh cá có trình độ. Đây là lực lượng cần thiết và đây không phải là thị trường có thể tuyển dụng lao động tự do được. Phải khẳng định đây là thị trường lao động đặc biệt vì những người tham gia vào đây đang giữ mặt tiền, mặt biển quốc gia. Tại sao ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới khó khăn đã có chính sách cử tuyển, còn ở vùng biển lại chưa có chính sách này”, ông Thắng nêu quan điểm.

Hỗ trợ chủ tàu liên kết, tạo nguồn lao động

Ông Thắng cũng trăn trở nhiều năm nay về việc các bộ, ngành đều có nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhưng thực tế đối với ngành thủy sản thì gần như chưa đưa được doanh nghiệp vào. Doanh nghiệp chủ yếu đầu tư làm thương mại chế biến, xuất khẩu, cung cấp dầu, nước đá, sản xuất ngư lưới cụ..., chứ chưa có doanh nghiệp đi đánh cá.

Bên cạnh đó, để phát triển lực lượng lao động nghề cá hiện nay, phải dựa vào đội ngũ chủ tàu hiện có và có chính sách để khuyến khích, thúc đẩy họ liên kết, liên doanh thành các tổ, đội cố định, thậm chí là các hợp tác xã (HTX) đánh cá. Các chính sách ưu tiên hỗ trợ của Nhà nước phải tập trung, trực tiếp vào đây, bởi khi các chủ tàu liên kết thành các tổ, đội, HTX, ngân hàng sẽ cho vay vốn tập trung dễ hơn là chủ tàu đứng riêng lẻ; có chính sách hỗ trợ vay vốn dài hạn, còn vốn tín dụng của nhiều tàu cá hiện nay là chủ tàu phải tự lo, tự vay mượn bên ngoài, rất khó vay từ ngân hàng. Giải pháp này nếu làm được cũng giúp khơi thông tín dụng, đưa vốn dần dần đi vào nghề cá, thực sự chăm lo cho sự phát triển của nghề cá.

“Vấn đề hiện nay là áp sát thực tế để tổ chức lại, khuyến khích các chủ tàu liên kết với nhau chặt chẽ thành tổ, đội, HTX để hoạt động hiệu quả hơn. Người đứng đầu các mô hình này được hỗ trợ cho vay vốn sản xuất và tổ chức lực lượng lao động cố định. Mỗi tổ, đội, HTX nếu họ tự chuẩn bị được khoảng 30 - 40% lao động cố định thôi, còn lại là sử dụng lao động theo mùa vụ thì cũng tốt lắm rồi. Nếu làm được như thế, các đội, nhóm, HTX đều nỗ lực đào tạo lực lượng lao động của chính mình, chứ Nhà nước cứ đòi đào tạo hết các ngư dân thì cũng làm không xuể”, ông Thắng nói.

Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), cho rằng để tiếp tục hỗ trợ lực lượng lao động đi biển và phát triển nghề cá hiện đại, trong dự thảo sửa đổi Nghị định 67 mà Bộ NN-PTNT đang xây dựng để trình Chính phủ đã bổ sung thêm chính sách hỗ trợ 100% chi phí đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn ở nhiều đối tượng. Cụ thể, các đối tượng sẽ được hỗ trợ miễn phí đào tạo tay nghề, năng lực chuyên môn gồm thuyền viên làm việc trên tàu cá có chiều dài từ 12 m trở lên, là thành viên của Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam…

Ông Trung cho biết thêm, cũng theo dự thảo sửa đổi Nghị định 67, nội dung chi và mức chi đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn, hướng dẫn kỹ thuật được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 36/TT-BTC ngày 30.3.2018 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Hằng năm, UBND cấp tỉnh giao Sở NN-PTNT rà soát, xác định nhu cầu và tổ chức các lớp đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn cho các đối tượng theo điều kiện thực tế của địa phương. Dự kiến cuối tháng 11.2022, Bộ NN-PTNT sẽ trình dự thảo sửa đổi Nghị định 67 lên Thủ tướng để xem xét ký và ban hành.

Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), nhìn nhận ở góc độ tích cực khi cho rằng thiếu lao động đi biển cũng phản ánh nền kinh tế - xã hội Việt Nam phát triển. Người lao động có nhiều lựa chọn trong công việc và chọn được những công việc có thu nhập cao hơn, môi trường làm việc ít rủi ro, nguy hiểm hơn... là xu hướng tiến bộ của xã hội. Đây cũng là thực tế phổ biến ở các nước có nghề cá phát triển mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…, khi tỷ lệ lao động trong nước đi biển rất ít, mà phần lớn là lao động nhập khẩu lao động từ các quốc gia kém phát triển hơn. Trên các tàu cá, lao động trong nước chỉ nắm giữ vị trí quan trọng như thuyền trưởng, máy trưởng, còn công việc khai thác nặng nhọc phần lớn đều có lao động nước ngoài.

Theo ông Trung, ở các nước khác tách biệt câu chuyện làm kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Các quốc gia đều có lực lượng bảo vệ biển, đảo chuyên trách được trả lương và phụ cấp. Doanh nghiệp đánh cá, khai thác hải sản có lao động cố định chỉ tập trung phát triển làm kinh tế. Còn ở Việt Nam có đặc thù “nền quốc phòng toàn dân”, ngư dân đánh cá, khai thác hải sản trên biển còn có nghĩa vụ tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhưng chưa có một chính sách hỗ trợ riêng biệt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.