Thiếu hụt chi tiêu vì những cuộc 'rủ rê' vui chơi sau giờ làm việc

27/10/2022 10:00 GMT+7

Vừa mới đi làm nên thu nhập rất thấp, nhiều người trẻ cảm thấy áp lực khi được đồng nghiệp rủ rê tham gia vào các cuộc vui chơi, ăn uống sau giờ làm việc, dẫn đến thiếu hụt chi tiêu...

Xen lẫn niềm vui kiếm ra thu nhập khi đi làm, nhiều người trẻ làm công việc văn phòng cảm thấy hoang mang vì phải chi một phần thu nhập để có thể hòa nhập với môi trường công sở. Tuy nhiên việc ham vui và không biết cách từ chối các cuộc vui sau giờ làm việc khiến nhiều người cảm thấy bấp bênh, vì đối diện với việc hụt chi tiêu hàng tháng.

Cuối tuần các đồng nghiệp rủ nhau đi ăn nhậu (ảnh minh họa)

Nữ Vương

"Đau ví" vì những cuộc vui sau giờ làm việc

L.T.P. (21 tuổi), ngụ tại TP.Dĩ An (tỉnh Bình Dương) lựa chọn công việc bán thời gian tại một công ty truyền thông quảng cáo với mức lương 3 triệu đồng/tháng tại TP.Thủ Đức (TP.HCM). T.P. cho biết: “Mình thường cùng với mọi người đi ăn chiều, ăn tối. Lâu lâu còn đi uống thêm chút bia và đi hát karaoke cho vui để gắn kết thêm tình đồng nghiệp”.

T.P. cho hay vì chỉ làm công việc bán thời gian nên 1 tuần chỉ lên công ty 4 buổi. Tuy nhiên, vào các ngày trong tuần và cuối tuần bản thân thường xuyên cùng với đồng nghiệp đi ăn uống sau giờ làm từ 2 đến 3 lần.

“Chi phí mỗi lần đi chơi không giống nhau. Có những hôm chỉ đi ăn vỉa hè tầm 100.000 đồng, có hôm nhậu nhẹt tại quán thì tốn từ 200.000 đồng trở lên”, T.P. chia sẻ.

Sau những cuộc vui cùng đồng nghiệp, T.P. cảm thấy “đau ví” vô cùng vì nếu từ chối ít đi chơi lại mình có thể tiết kiệm một khoản kha khá. T.P. tâm sự: “Vì lý do mở rộng mối quan hệ, gắn kết đồng nghiệp nên đôi khi mình cũng phải “cắn răng chịu đựng” để đi cùng mọi người. Mà không biết từ chối người khác là khuyết điểm khá lớn của mình”.

Tương tự, Nguyễn Trung Như Việt (20 tuổi) ngụ tại TP.Dĩ An (tỉnh Bình Dương) đang làm công việc liên quan đến viết lách và biên tập, chỉnh sửa các video. Như Việt cho biết: “Sau giờ làm việc, các đồng nghiệp hay rủ mình đi ăn, uống. Mặc dù mình đã định về nhà ăn cơm nhưng vì sợ mất các mối quan hệ nên không tiện từ chối. Để rồi phải chi một phần lớn thu nhập cho việc ăn uống cùng đồng nghiệp sau khi tan làm là rất tốn kém".

Cần phải biết học cách..."từ chối" trong những trường hợp cụ thể

Theo T.P. việc phải chi trả một khoản tiền khi đi uống cùng đồng nghiệp hay trả tiền trọ cũng như lo sinh hoạt phí khiến bản thân không dư dả để chi tiêu cho những công việc khác. T.P. bộc bạch: “Có thể nói ăn chơi cho đã rồi về ăn mì gói là có thật. Sau mỗi lần đi chơi về có khi mình không còn tiền để ăn và phải mượn đứa bạn cùng phòng”.

Các đồng nghiệp tổ chức liên hoan với nhau

NGUYỄN THẾ BIỀN

Cũng giống như T.P., đáng ra Như Việt có thể tự cân đối chi tiêu nếu không phải tham gia quá nhiều các cuộc hẹn cùng đồng nghiệp. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại Việt đang trong tình trạng phải xin thêm tiền từ gia đình. Được biết, trước đó bản thân Việt đã tiết kiệm được một khoản tiền để đổi máy ảnh với mong muốn phục vụ tốt hơn cho công việc học tập nhưng hiện tại số tiền tiết kiệm này không còn nhiều. “Mình bắt đầu để dành tiền đổi máy ảnh hàng tháng từ tháng 4.2022 và dự kiến đủ tiền mua vào tháng 9.2022. Tuy nhiên do phát sinh nhiều khoản đi chơi này nọ với bạn bè, đồng nghiệp nên đã sử dụng thâm luôn vào phần tiền đó và chưa biết khi nào mới có thể đổi được máy ảnh” Như Việt than.

Mặc dù cảm thấy ngại khi từ chối lời mời từ đồng nghiệp, tuy nhiên Như Việt cho rằng thay vì đi chơi với tần suất dày như trước thì có thể dùng số tiền đó để lo sinh hoạt phí cũng như không xin tiền từ gia đình.

Còn T.P. cũng tâm sự: “Mình cũng cảm thấy ngại vì sợ bị đánh giá là không hoà đồng, không đoàn kết với môi trường công sở thế nhưng mình nghĩ việc từ chối lời mời của đồng nghiệp cũng có hai mặt. Từ chối hay, hợp lý thì kết quả tích cực. Còn từ chối dở hay không khéo thì dẫn đến kết quả tiêu cực. Vì vậy, việc từ chối một điều gì đó với mình có lẽ cần phải học hỏi thêm nhiều hơn, trau dồi nhiều hơn để không phải gặp tình trạng như hiện tại”.

Chu Thị Nhung (24 tuổi), ngụ tại Thủ Đức (TP.HCM), hiện đang làm nhân viên tư vấn hồ sơ pháp lý về mảng doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn TP.HCM đưa ra gợi ý: “Nếu đồng nghiệp thường xuyên rủ đi chơi, đi ăn sau giờ làm việc có chi phí khá cao so mức lương mình nhận được thì thỉnh thoảng từ chối là điều hoàn toàn bình thường vì bạn cần phải tính toán chi tiêu để đảm bảo sao cho hợp lý với bản thân mình”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.