Mưa bão đã cướp đi mái trường, em không có chỗ để học!

04/11/2020 14:04 GMT+7

Ngỡ ngàng và xót xa khi ngày trở về sau mưa bão, mái trường - nơi che chở bao thế hệ học trò - bị tốc mái chỉ trơ trọi lại khung sườn bằng gỗ cũng đã mục nát sắp 'ra đi'.

Hoang tàn sau mưa bão

Sinh ra và lớn lên ở khúc ruột miền Trung, tưởng đã quen với việc thiên tai và những cảnh tượng hoang tàn mỗi khi mưa bão qua đi để lại cho quê nhà. Thế nhưng, lần này trở về, sau cơn bão số 9, tôi phải xót xa nhìn thấy quê nhà như chẳng còn một chút sức sống. Nói như người dân ở quê tôi, một năm gì đâu mà chỉ thấy dịch bệnh rồi thiên tai, từ đầu năm đến nay chẳng tha cho người dân khúc ruột miền Trung một ngày nào.

Mưa lớn, gió lốc phá tan hoang Trường Trung học phổ thông Bình Phú ở TP.HCM

Những mái nhà của người dân tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam bị gió bão cuốn bay sạch

HOA NỮ

Dịch bệnh vừa được kiểm soát, mưa lũ tràn về khiến hoa màu, nông sản của người dân mất trắng. Lũ chưa qua, bão đã đổ vào, cây cối hai ven đường nằm xơ rơ xác rác như vừa trải qua một trận chiến khốc liệt. Nhiều nhà của người dân bị bão tốc sạch mái, rồi họ lại tiếp tục chạy mưa, chạy bão trong cảnh tượng ở trong nhà mà như ở ngoài trời?

Quặn lòng trước cảnh nhà cửa tan hoang sau bão

HOA NỮ

Hôm bão vào, anh em chúng tôi cũng xót xa khi ba mẹ ở quê gửi hình ảnh cây vú sữa trước sân nhà bị bão bật gốc. Cây vú sữa đã cùng anh em tôi lớn lên, mấy mươi năm vẫn sừng sững đứng đó chống chọi với bão dông, nhưng cơn cuồng phong số 9 đổ bộ khiến cây bật gốc nằm ngổn ngang.

Ngôi trường đã che chở bao thế hệ học sinh vùng quê nghèo xứ Quảng

HOA NỮ

Mọi thứ đều không thoát được sự tàn phá của cơn cuồng phong ấy. Thật buồn thương khi ngôi trường cấp 2 (Trường THCS Chu Văn An, xã Bình Sa, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), nơi che chở cho biết bao thế hệ học trò ở vùng quê nghèo, nay cũng bị bão tốc sạch mái chỉ còn trơ cái sườn.

Thầy hiệu trưởng nói về sự cố trường THPT Bình Phú ở TP.HCM bị tốc mái

"Tiền đâu đủ để nhà trường khắc phục thiệt hại?"

Vừa bước vào, nhìn thấy sự tan hoang của ngôi trường mà nhói lòng. Và chắc hẳn, tất cả những thế hệ học trò, những anh chị, bạn bè đồng môn của tôi đều sẽ quặn lòng khi nhìn thấy cảnh tượng này.

Mái trường nằm trơ trọi, chốt bảo vệ ngay tại cổng trường bị gió bão hất tung rồi cuốn bay xa mấy mét, không gian thư viện xanh được công nhận là 1 trong 2 thư viện xuất sắc của tỉnh cũng bị gió bão hất tung hết mái che, những câu khẩu hiệu, tuyên truyền được hàn sắt kiên cố dọc lối vào cũng bị bão bẻ gãy gọn ghẽ như bẻ một thanh củi mục…

Trường hiện có 10 phòng học, tầng trệt 5 và tầng trên 5 phòng, nhưng vì mưa bão đã thổi bay phần mái nên toàn bộ 5 phòng học tầng trên đều chưa thể hoạt động trở lại.

Chốt bảo vệ của trường bị hất văng xa mấy mét

HOA NỮ

Chỉ tay lên phần mái trường bị bão tốc sạch, thầy Lê Vũ Anh Tuấn, phó hiệu trưởng phụ trách nhà trường, cho biết trước khi bão trường đã cho thu gom hết bàn ghế chuyển xuống đất, máy quạt và các trang thiết bị trong phòng cũng đã tháo hết để tránh thiệt hại nặng sau bão.

“Chắc chắn mái sẽ bị thổi bay, vì khu vực này quá trống, mà mái tôn rồi các khung sườn mái thì làm bằng gỗ, lâu năm nên mối ăn mục hết rồi thì làm sao gió bão không dỡ bay hết được. Lo nhất là thư viện và các giấy tờ sổ sách, nên trước bão đã huy động tất cả nhân viên để dọn dẹp và mang bảo quản kỹ. Nhưng xong bão nhìn ngôi trường mà đau lòng, tan hoang hết”, thầy Tuấn giãi bày.

Thầy Tuấn đau lòng nhìn cảnh tượng trường học tan hoang sau bão

HOA NỮ

Vì bị gió bão dỡ hết mái nên các phòng học tầng trên đến thời điểm hiện tại vẫn còn nước trong phòng. Nhưng vì không thể để gián đoạn việc học của học sinh, nên thầy Tuấn cho biết trường phải sắp xếp lại thời khóa biểu, chia ca để tận dụng 5 phòng còn lại ở tầng trệt cho học sinh đi học.

“Trường có 8 lớp tương đương với mỗi khối 2 lớp, bình thường các em học ngày một buổi và 4 tiết. Nhưng vì tình hình sau mưa bão, không còn đủ phòng để dạy và học nên phải chia ca đều cho các khối lớp, lớp này học xong 2 tiết đầu thì ra về để khối khác vào học và chiều lại tiếp tục như vậy. Như thế mới đủ phòng để học sinh học, chỉ mong trường sớm được sửa lại để các em được ổn định lịch học”, thầy Tuấn chia sẻ.

Nhà vệ sinh của học sinh cũng bị bão tốc hết mái

HOA NỮ

Ngồi nhìn những tấm bảng tuyên truyền về trường học hạnh phúc, nói không với bạo lực học đường… cho học sinh, mặc dù đã được hàn sắt kiên cố nhưng bão cũng bẻ gãy sạch, thầy Tuấn buồn bã nói: “Giờ trên huyện chỉ hỗ trợ để lợp lại mái trường, còn những thiệt hại này thì trường phải tự khắc phục. Mà ngân sách của trường rất hạn hẹp, chỉ đủ cho các hoạt động giảng dạy, giờ không biết tiền đâu mà làm lại được”.

Đến hôm nay nước mưa vẫn còn trong lớp học vì gió bão đã hất bay mái trường

HOA NỮ

Điều mà thầy Tuấn và các thầy cô trong trường mong ước nhất hiện nay là rất mong được hỗ trợ cho lợp lại mái trường bằng ngói và làm lại sườn mái bằng sắt. “Thật sự chỉ muốn được thay sườn bằng sắt chứ sườn gỗ này thì mục nát hết rồi, sườn bằng sắt mới chắc chắn hơn được. Cách đây khoảng 4 năm, cơn bão lớn vào cũng đã dỡ hết mái trường, sau đó trường được cho lợp lại cũng mái tôn nên giờ lại bay tiếp. Nếu được lợp lại bằng mái ngói thì dù có bão thiệt hại cũng ít hơn và dễ dàng khắc phục hơn sau bão. Chứ thế này, cứ mỗi lần bão là lại nơm nớp lo sợ đủ thứ”, thầy Tuấn tâm tư.

Cây xanh trong khuôn viên trường ngã đổ ngổn ngang

HOA NỮ

Từ cổng nhìn vào, mái trường trơ trọi, chốt bảo vệ bị hất tung, cây cối gãy đổ tan hoang, nhưng tiếng giảng bài vẫn vang vọng bên trong. Rồi cây sẽ lại đơm chồi, người dân miền Trung lại gồng mình lên khắc phục hậu quả sau bão. Chúng ta lại làm lại từ đầu, như cách mà từ bao đời nay người dân miền Trung buộc phải quen để sống chung với mưa bão, với thiên tai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.