Thiệt hại hàng tỉ USD vì 'nghẽn' giao thông

13/05/2019 06:45 GMT+7

“Nghẽn” giao thông đang là nút thắt lớn nhất kìm hãm tốc độ phát triển kinh tế của hầu hết các địa phương trên cả nước.

Trong khi đó, những dự án giao thông lớn từ cấp bộ đến cấp địa phương đang triển khai rất chậm chạp, thậm chí chưa thể khởi động do vướng víu thủ tục, cơ chế.

Đường nào cũng “tắc”

Chiếm tỷ trọng đầu tư lớn nhất nhưng đường bộ không đồng bộ là nguyên nhân đầu tiên làm cho hiệu quả khai thác năng lực phương tiện vận tải kém. Ngay trong hệ thống quốc lộ - mạch máu giao thông của quốc gia hiện còn đến hơn 50% tổng chiều dài chưa được cải tạo và nâng cấp.
Đường bộ quá tải nhưng hệ thống đường sắt - phương thức vận tải được đánh giá cao nhất - cũng không thể chia sẻ gánh nặng vì hạ tầng quá cũ kỹ, lạc hậu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Các ga đường sắt quốc gia kết nối rất kém với các bến xe, xe buýt, các tuyến đường gom... khiến việc vận chuyển hàng hóa, hành khách kém hấp dẫn, chi phí cao, gây lãng phí, bất tiện, giảm khả năng cạnh tranh.
Hạ tầng hàng không cũng không mấy khả quan. Nhiều sân bay liên tục được nâng cấp, mở rộng nhưng sân bay tại các TP lớn đang phải hoạt động quá công suất. Cụ thể, Tân Sơn Nhất (TP.HCM) quá tải 30%, sân bay Cam Ranh vượt công suất 20%, sân bay Đà Nẵng cũng quá tải 13% dù đã được nâng cấp vào năm 2011 từ 4,5 triệu đến 6 triệu hành khách mỗi năm. Thực tế, dù mới chỉ có vài ba hãng hàng không hoạt động nhưng tình trạng kẹt đường lăn, sân đỗ tại một số sân bay trọng điểm thường xuyên diễn ra, dẫn đến việc chậm, hủy chuyến đang ngày càng trở thành nỗi ám ảnh của hành khách.
Không chỉ đường bộ, hệ thống cảng biển ở TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương cũng đang trong tình trạng quá tải, trong khi cảng Cái Mép - Thị Vải vẫn đang là điểm nghẽn do việc kết nối giao thông khai thác. Sự kết nối giữa hai phương thức vận tải đường bộ - đường thủy nội địa giữa TP.HCM với các vùng Tây Nam bộ nói chung chưa phát triển, khiến 70% lượng hàng hóa của vùng Tây Nam bộ phải chuyển tải về các cảng biển TP.HCM bằng đường bộ, tăng 10 - 60% chi phí vận tải.
Tình trạng nghẽn trong giao thông ảnh hưởng lớn đến giao thương, phát triển kinh tế. TP.HCM là một điển hình. Là đầu mối trung chuyển hàng hóa của cả 2 vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, có lợi thế về đường sông, đường bộ nhưng bao năm nay, kết nối giao thông giữa TP.HCM và các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm vẫn yếu. Đơn cử quốc lộ 22 đoạn qua địa phận TP.HCM hiện rất quá tải. Đi từ Tây Ninh về TP.HCM theo đường này phải mất hơn 3 giờ cho đoạn đường 60 km. Từ khi đưa vào khai thác tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, dài gần 92 km, thời gian đi lại giữa TP và các tỉnh miền Tây đã rút ngắn đáng kể, tăng năng lực vận tải, lưu thông hàng hóa trong vùng. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, đường dẫn vào đường cao tốc bị quá tải. Tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km, sau hơn một năm thông xe, dù rút ngắn được 20 km và 2 giờ xe chạy, nhưng do thiếu đồng bộ, nên giờ cũng liên tục ùn tắc.

Ì ạch tiến độ

Với vai trò đầu tàu xây dựng kết cấu hạ tầng khung lớn, huyết mạch chung cho cả nước, song nghịch lý là hầu hết các dự án do Bộ GTVT quản lý đều có tiến độ ì ạch.
Hai dự án cao tốc quy mô lớn với tổng mức đầu tư khoảng 2 tỉ USD là cao tốc Bến Lức - Long Thành và Đà Nẵng - Quảng Ngãi đều đang chậm tiến độ. Hiện cả 3 đoạn tuyến dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đều đang chậm từ 8 - 18%. Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mới thông xe và thu phí với đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ (65 km), đoạn Tam Kỳ - Quảng Ngãi dù đã thông xe kỹ thuật nhưng còn vướng chưa hoàn thiện các nút giao, các vị trí đường gom, đường ngang... Đáng chú ý, nhiều đoạn tuyến thuộc cả 2 dự án trên đều sắp đến thời điểm hết hạn hiệu lực vay vốn.
Sau năm 2010 khi cao tốc TP.HCM - Trung Lương thông xe, việc tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống cao tốc tại miền Tây nhiều năm qua rất chậm chạp như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Bến Lức - Long Thành... Dự án cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu nối Đồng Tháp và TP.Cần Thơ dù hợp long từ tháng 9.2017 nhưng vẫn chưa thể đưa vào sử dụng do bị nứt dầm ngang phải sửa chữa, dự kiến tới cuối tháng 5 này cầu Vàm Cống mới có thể thông xe. Ngành giao thông vẫn còn “nợ” miền Tây nhiều dự án lớn như cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Rạch Miễu 2, cầu Mỹ Thuận 2..., để tạo thành mạng lưới đồng bộ, giảm tắc nghẽn cho khu vực giàu tiềm năng này.
Một thực tế đáng buồn là hơn 2 năm qua, ngành giao thông gần như không khởi công được dự án nào lớn, nhiều doanh nghiệp giao thông trong trạng thái “ăn đong”, ế việc. Những dự án lớn như cao tốc Bắc - Nam phía đông, sân bay Long Thành, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị. Đại dự án cao tốc Bắc - Nam, sớm nhất đến tháng 7 tới mới có thể khởi công dự án đầu tiên trong 3 dự án sử dụng trái phiếu chính phủ. 8 dự án theo hình thức PPP mới ở bước bán hồ sơ sơ tuyển, nhanh nhất tới 2020 mới có thể thi công, với điều kiện không vướng mắc gì mặt bằng. (còn tiếp)
Hà Nội, TP.HCM đều thiệt hại cả tỉ USD một năm vì giao thông
Theo tính toán, mỗi năm TP.HCM thiệt hại khoảng 1,2 triệu giờ công lao động, 1,3 tỉ USD/năm do ùn tắc giao thông và 2,3 tỉ USD do ô nhiễm môi trường từ các phương tiện cơ giới. Đánh giá từ Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT) cũng cho biết, ùn tắc gây thiệt hại cho TP.Hà Nội mỗi năm khoảng 1 - 1,2 tỉ USD.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.